Để xây dựng hình ảnh "Du lịch Long An an toàn, hấp dẫn", Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An đang đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù và bộ nhận diện du lịch khi được tỉnh công nhận; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản; số hóa cơ sở dữ liệu về di sản để lưu trữ và khai thác, phục vụ khách tham quan đạt hiệu quả cao nhất.
Long An cần phát triển các tour mini để du khách trải nghiệm sự thay đổi của văn hóa, phong tục, khí hậu, thổ nhưỡng của các vùng đất trên toàn tỉnh. |
Long An nằm ở vị trí bản lề giữa 2 vùng kinh tế miền Đông và miền Tây Nam Bộ, nằm tiếp giáp với đô thị du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, có đường biên giới khoảng 134km, tiếp giáp với Vương quốc Campuchia.
Cùng với đó, Long An hiện có 126 Di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Đặc biệt, Long An là địa phương duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trở thành thành viên của Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố toàn cầu (gọi tắt là TPO), có trụ sở tại thành phố Busan-Hàn Quốc.
Đây là tiền đề để Long An phát triển du lịch - “ngành công nghiệp không khói” và xây dựng hình ảnh "Du lịch an toàn, hấp dẫn" gắn với truyền thống bản sắc văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, lễ hội văn hóa truyền thống; du lịch trải nghiệm, vui chơi giải trí gắn với đặc thù sông nước…
Để khai thác có hiệu quả giá trị của ngành công nghiệp không khói, Long An đang phối hợp với các trường đại học, đơn vị lữ hành nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên thế mạnh vị trí địa lý, tài nguyên, đặc biệt là loại hình du lịch golf, du lịch sức khoẻ và du lịch đường sông.
Hiện tại, Trường Đại học Hoa Sen đang triển khai đề án xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu du lịch Long An theo đề tài khoa học cấp tỉnh. Dự kiến hoàn thành Logo và Slogan trong tháng 9/2024 để triển khai quảng bá, kết nối, liên kết du lịch Long an với cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía đông Đồng bằng sông Cửu Long; Liên kết phát triển du lịch vùng Đồng Tháp Mười giữa 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp; Liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng Tây Nam bộ.
Khi bộ nhận dạng thương hiệu du lịch Long An đưa vào vận hành, du khách sẽ dễ dàng tìm hiểu các Di sản lịch sử-văn hóa như: Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ, khu nhà cổ Phước Lộc Thọ, nhà cổ Trăm cột, cụm nhà cổ Thanh Phú Long...; các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Làm chay đình Tân Xuân, lễ hội Miếu bà Long Thượng, lễ húy kỵ nhạc sư Nguyễn Quang Đại-đình Vạn Phước, lễ giỗ quận công Nguyễn Huỳnh Đức, ẩm thực...; các làng nghề sản xuất truyền thống và tập quán sinh sống như: Làng trống Bình An, nghề chế tác kim hoàn Thuận Thành, nghề sản xuất mắm còng, bánh tráng trộn, hàng cau vua hay con đường hạnh phúc…
Công viên 7 Kỳ quan thế giới tại xã Mỹ Hạnh Bắc (Đức Hòa, Long An) là một điểm đến hấp dẫn cho trải nghiệm, vui chơi. |
Đối với du lịch trải nghiệm, vui chơi giải trí thì bộ nhận dạng sẽ thông tin cho du khách các vùng đặc thù về sản phẩm như: Du lịch tham quan, giải trí, trải nghiệm, golf tại các huyện vùng thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông như: khu phức hợp Happyland, Vườn thú Mỹ Quỳnh, Khu trải nghiệm giáo dục Chavi Garden, sân golf Royal, sân golf West Lakes…
Trong điều kiện các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cùng phát triển ngành du lịch dựa trên đặc trưng sông nước, địa hình đồng bằng châu thổ với các loại hình tiếp đón du khách trùng lắp, thiếu sáng tạo, sức cạnh tranh kém thì Long An đang được biết đến như địa phương đi đầu trong đổi mới phương thức phát triển ngành du lịch thông qua đầu tư, ủng hộ phát triển các sự kiện tầm quốc gia, khu vực theo định kỳ để thu hút du khách tham gia các tour du lịch có lịch trình từ trước.
Ngoài ra, với thế mạnh hệ thống các sân golf hiện đại, Long An sẽ trở thành điểm đến lý tưởng đối với du khách có thu nhập cao và du khách quốc tế.
Long An đang hội tụ đầy đủ nhiều thế mạnh trong quá trình phát triển ngành công nghiệp không khói.
Theo đó, tỉnh Long An cần phát triển các tour mini để du khách trải nghiệm sự thay đổi của văn hóa, phong tục, khí hậu, thổ nhưỡng của các vùng đất trên toàn tỉnh.
Thực hiện tốt việc này sẽ kết nối mạnh mẽ giao thông, giao lưu kinh tế, văn hóa vùng, đa dạng hóa sự lựa chọn của du khách, thúc đẩy các ngành kinh tế trong tỉnh cùng phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn.
Khi loại hình du lịch này phát triển mạnh thì các mặt hàng thủ công, đặc sản, vật phẩm lưu niệm, sản phẩm dược liệu từ thiên nhiên, sản phẩm văn hóa truyền thống của Long An cũng có cơ hội cất cánh.
Bên cạnh đó, Long An đang triển khai nhiều giải pháp phát huy giá trị các khu Di tích lịch sử-văn hóa; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù và bộ nhận diện; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản; số hóa cơ sở dữ liệu về di sản để lưu trữ và khai thác, phục vụ khách tham quan du lịch là cách xây dựng và phát triển hình ảnh "Du lịch Long An an toàn, hấp dẫn" trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin