Phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân

09:34, 14/12/2021

Trong định hướng phát triển du lịch thời gian tới, tỉnh Lai Châu chú trọng khai thác du lịch cộng đồng gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc.

Thế mạnh du lịch cộng đồng

Nắm bắt xu hướng du khách hiện nay thích tìm về môi trường tự nhiên, đi theo từng nhóm nhỏ trải nghiệm văn hóa cộng đồng, tỉnh Lai Châu đã tập trung xây dựng nhiều mô hình homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng như: Sin Suối Hồ; Bản Thẳm, Vàng Pheo, Sì Thâu Chải...

Nhiều đội văn nghệ được thành lập để phục vụ du khách, nghề truyền thống được khôi phục và phát triển (Hợp tác xã Nà Cang, làm bánh dân tộc Giáy – San Thàng; nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự - bản Hon và nghề rèn của dân tộc Mông – Sin Suối Hồ, tắm lá thuốc của người Dao Đỏ - Sìn Hồ). Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian được phục dựng và tổ chức, phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu của du khách như: lễ hội Then Kim Pang, Kim Lẩu Khẩu Mẩu, Nàng Han, Gầu Tào, Cúng Rừng... Tính đến nay, toàn tỉnh Lai Châu đã có 11 điểm du lịch cộng đồng với 30 hộ kinh doanh dịch vụ homestay đáp ứng nhu cầu của du khách.

Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ đang thu hút đông đảo du khách gần xa trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá. Nhiều hình thức du lịch trải nghiệm mới được triển khai đã phát huy hiệu quả, ngày càng thu hút du khách và đem lại thu nhập cho người dân nơi đây.

Trong những năm qua, phong trào chung tay xây dựng phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Lai Châu hưởng ứng sâu rộng, có sức lan tỏa lớn để chung tay xây dựng nông thôn mới; hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân khu vực nông thôn; bản sắc văn hóa truyền thống được phát huy, xóa dần các tập tục văn hóa không phù hợp ở cộng đồng dân cư.

Hệ thống giao thông nông thôn, điện, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại, thông tin và truyền thông, văn hóa, môi trường, quốc phòng an ninh... ngày càng hoàn thiện. Người dân tại các điểm bản du lịch cộng đồng đã từng bước nâng cao ý thức trong việc cải thiện vệ sinh, cảnh quan môi trường (vệ sinh nhà cửa, làng bản, đặt các thùng rác tại các khu vực tham quan, phân công người dân tại bản thu gom rác thải nhằm tạo cảnh quan sạch đẹp, trồng nhiều loại cây, hoa tạo cảnh quan “xanh - sạch - đẹp”, tự giác di rời chuồng trại gia súc ra xa nhà, đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách, mua sắm thêm các trang thiết bị để đón khách tham quan, lưu trú... Ngoài ra, người dân còn tự giác tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại bản và cho du khách không để xảy ra tình trạng trộm cắp, nghiện hút, mất trật tự an ninh… thông qua các cuộc họp bản.

Giữ bản sắc, tăng kết nối tuyến du lịch

Nhằm tạo bước đột phát cho du lịch cộng đồng thực sự “cất cánh”, hiện nay, tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án Xây dựng bản nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn đoạn 2020 - 2025. Trong đó, lựa chọn một số điểm bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), huyện Tam Đường; Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ), Vàng Pheo (xã Mường So), huyện Phong Thổ; Gia Khâu 1 (xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu) để xây dựng thành các điểm bản kiểu mẫu trong phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Chú thích ảnh Du lịch cộng đồng tại Lai Châu được quy hoạch phát triển.

Các bản du lịch cộng đồng tại Lai Châu phấn đấu đảm bảo các tiêu chí cụ thể như: có cơ cấu kinh tế rõ nét, phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng. Vườn cây, ao cá, chuồng trại phải được quy hoạch, áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), an toàn vệ sinh thực phẩm, có giá trị kinh tế cao. Có cơ sở dịch vụ ăn uống và bán quà lưu niệm cho du khách, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Có nhà ở mang bản sắc văn hóa của cư dân bản địa và các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đội văn nghệ phục vụ khách tham quan, có chỗ ở cho khách lưu trú, quy ước thôn bản mang tính thiết thực, bền vững. Các tổ chức xã hội hoạt động tích cực như: chi hội thanh niên, phụ nữ, nông dân… phải phát huy tinh thần tự quản của cộng đồng, con người thân thiện, mến khách, không có các tệ nạn xã hội như: trộm cắp, nghiện hút, cờ bạc… đặc biệt phải thu hút và làm hài lòng khách đến tham quan, trải nghiệm.

Phát triển các dịch vụ ăn, ngủ, hướng dẫn viên, bán hàng thổ cẩm, đặc sản; phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng rau màu, hoa quả và các thực phẩm sạch tại địa phương thực hiện việc tự cung tư cấp nhằm cung cấp cho du khách các loại thực phẩm sạch. Tại một số bản du lịch cộng đồng điển hình như Sin Suối Hồ phát triển du lịch đã trở thành những nguồn thu quan trọng cho đồng bào, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời tạo thêm nguồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới ngay tại cơ sở.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lai Châu, Lương Chiến Công: Sở VHTTDL thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Trung ương, tỉnh về phát triển du lịch; đặc biệt là, nâng cao ý thức người dân tự giác giữ gìn môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tại các điểm du lịch. Nhờ được tuyên truyền, người dân đã có thái độ ứng xử thân thiện, mến khách, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương. Sở cùng địa phương mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về du lịch, trang bị những kiến thức cơ bản về làm du lịch cho bà con; hướng đến phục vụ khách du lịch chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh lựa chọn những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, không làm đại trà; đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển du lịch địa phương. Trong đó, tỉnh hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, xây dựng công trình nhà vệ sinh tại các nhà có phòng ở cho khách, hỗ trợ sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống; tăng cường công tác xúc tiến, kết nối với các công ty lữ hành thiết kế các tour, tuyến nhằm thu hút du khách để khai thác tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao chất lượng, sản phẩm dịch vụ và trình độ của cộng đồng dân cư trong phục vụ du khách.

Sở VHTTDL Lai Châu cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin về du lịch Lai Châu trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Twitter, Zalo, Fanpage và các trang thông tin điện tử (website) riêng về du lịch... Triển khai hệ thống phần mềm “Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên điện thoại di động Smatphone bằng song ngữ Việt - Anh” để giới thiệu về văn hóa, con người, danh lam thắng cảnh, các điểm, dịch vụ du lịch tại Lai Châu.