Tăng cường quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn

16:24, 15/02/2018

Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định:“Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược”. Đây là quan điểm cơ bản của Đảng thể hiện sâu sắc vấn đề có tính nguyên tắc về mối quan hệ gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) với tăng cường quốc phòng - an ninh (QP – AN). Thấu suốt quan điểm đó, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, LLVT tỉnh đã và đang thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao; góp phần củng cố, gắn kết phát triển kinh tế với tăng cường QP – AN trên địa bàn.

Là tỉnh trung du miền núi, trung tâm của vùng Đông Bắc có vị trí chiến lược cả về KT – XH và QP – AN của cả nước, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, LLVT tỉnh luôn quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối quan điểm này của Đảng vào tình hình thực tiễn của địa phương, tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT - XH; tăng cường tiềm lực QP - AN và đạt được những thành tựu quan trọng: nền kinh tế của tỉnh luôn phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng cao đạt trên 10%/năm, quy mô kinh tế tăng nhanh, cơ cấu chuyển dịch tích cực, tỷ lệ công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao gần 80%. Năm 2017, thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, tăng 24,6% so với năm 2016, vượt 32,2% so với kế hoạch. Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ 18 cả nước về thu nội địa, đứng thứ 16 về thu ngân sách. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Mặt khác, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên, hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc.

Trên địa bàn tỉnh có 46 dân tộc sinh sống, trong đó có 8 dân tộc đông dân nhất là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông; hơn một nửa số đơn vị hành chính cấp xóm, xã của tỉnh là vùng miền núi, KT - XH còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu, là điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng nhằm thực hiện âm mưu chống phá, gây cản trở trong công tác quản lý xã hội, phát triển kinh tế của các địa phương, cơ sở. Vì vậy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn xác định tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân đối với nhiệm vụ QP - AN, bảo vệ Tổ quốc; đây là nội dung quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm quán triệt sâu sắc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ QP - AN, trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc trong tình hình mới; Nghị định số 152/2007/NĐ-CP và Nghị định số 02/2016/NĐ-CP của Chính phủ về KVPT. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, LLVT và nhân dân về nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng; đầu tư, nâng cấp các hạng mục công trình trong khu vực phòng thủ; đầu tư xây dựng chính quy cơ quan quân sự các cấp và chăm lo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên.

Hàng năm, các đơn vị LLVT tỉnh đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kết hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH với củng cố QP - AN, tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng quy hoạch phát triển KT - XH ở từng vùng, từng địa bàn gắn với quy hoạch, kế hoạch về QP-AN. Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị LLVT tỉnh đều xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng địa bàn, từng giai đoạn, trong đó chú trọng thực hiện hiệu quả chương trình kết hợp giữa xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp với bảo đảm lương thực, tăng khả năng tích lũy cho nhiệm vụ QP-AN và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng cơ bản theo hướng vừa sản xuất phục vụ nhu cầu dân sinh, vừa sẵn sàng huy động chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ QP-AN khi cần thiết.

Đặc biệt, thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh tích cực, triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới". Từ những nội dung và tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, LLVT các huyện, thành phố, thị xã đã tích cực tham gia bằng những công trình, việc làm thiết thực, cụ thể. Sau hơn 5 năm hưởng ứng phong trào này, LLVT tỉnh đã huy động hàng nghìn ngày công để làm mới, tu sửa, nâng cấp hơn 20 km đường giao thông nông thôn với tổng số ngày công trị giá hơn 1 tỷ đồng; tu sửa, nạo vét gần 100km kênh mương nội đồng. LLVT tỉnh có 15/15 đầu mối cơ quan, đơn vị đăng ký công trình, phần việc, tu sửa, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập cho trường học tại các địa phương vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, tổng số tiền ủng hộ trên 3 tỷ đồng cùng gần 10 nghìn ngày công.

Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ các lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ trên địa bàn giúp nhân dân ổn định cuộc sống

Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2017, Bộ CHQS tỉnh đã góp phần xây mới và tu sửa, nâng cấp 9 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, 1 nhà văn hóa xóm tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng; tham gia xây dựng Quỹ Vì người nghèo hơn 100 triệu đồng; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 300 đối tượng chính sách...

Những việc làm cụ thể, thiết thực của LLVT tỉnh trong việc tham gia các chương trình phát triển KT - XH ở địa phương, đặc biệt là trong phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” đã góp phần làm khởi sắc diện mạo các làng quê, xóm, bản trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò của LLVT tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH gắn với củng cố QP-AN, xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng KVPT tỉnh ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.