“Khi đi hai chữ xung phong/ Khi về hai chữ thành công mới tròn” - Câu thơ mộc mạc này bà Hoàng Thị Kim Dung, ở thôn Bản Pục, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) được một “người trai làng” viết tặng sau trận bom B52 trải thảm xuống Ga Lưu Xá (T.P Thái Nguyên) đêm Noel năm 1972. Vần, ý mộc mạc như cây măng trên các triền rừng Khuổi SLưn, Pai, Nà Săm, và hồn nhiên như con cá bơi dưới dòng sông Năng quê bà. Bà bảo: Một phần nhờ câu thơ của “anh trai làng” mà tôi và một số chị em trong Đại đội TNXP 915 bám trụ, vững tin vào ngày đất nước toàn thắng.
Câu chuyện của bà Dung đưa chúng tôi trở về với tháng ngày đất nước oằn mình vì lửa đạn chiến tranh. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức hào sảng về một thời được đứng trong hàng ngũ TNXP của bà thì luôn tươi mới. Hồi bấy giờ bà đầy 25 tuổi, nghe theo tiếng gọi non sông, bà tình nguyện lên đường đi TNXP. Trước ngày lên đường, bà cùng “anh trai làng” người yêu của bà đứng bên bờ dòng sông Năng, hò hẹn ngày đất nước thống nhất sẽ làm đám cưới.
Chiến tranh đã lôi cuốn bao tuổi trẻ lên đường. Bà Dung là một trong triệu triệu người con sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Đi TNXP, trực tiếp làm nhiệm vụ trong đội ngũ của Đại đội 915. Công việc hằng ngày là vá ổ gà, lấp hố bom, đảm bảo thông đường cho người, xe qua lại. Bà kể: Độ ấy máy bay giặc đánh bom liên tục, ruộng đồng tan hoang, nhà sập, người chết nhiều lắm, song TNXP, các lực lượng vũ trang, dân quân du kích vẫn không rời vị trí chiến đấu. Nhưng trận bom B52 xảy ra vào buổi tối hôm 24-12-1972 thì lại khác. Kinh khủng hơn rất nhiều những trận bom trước đó. Gần 70 người ở Đại đội tôi đi nhận nhiệm vụ bốc dỡ hàng hoá, thì sau trận bom còn 7 người sống, nhưng phải mang thương tật suốt đời.
Bà dừng lời vì câu chuyện nghẹn ngào, cổ họng như có vật gì đó ứ lại. Bà khóc cho những đồng đội không có cơ may trở về. Bà nấc lên thành tiếng: Từ hôm ấy lớp học của Đại đội mất đi thầy giáo Hà Văn Ly. Thầy Ly người xã Thanh Mai (Chợ Mới). Thầy sống có trách nhiệm, coi chúng tôi như những đứa em thân thiết. Còn nữa, chị Hoàng Thị Hạo, ở thôn Nà Khuổi, cùng xã Thượng Giáo với tôi. Hai chị em nằm một giường, đắp chung một chăn, ăn chung một mâm, gội chung nồi nước gội đầu… Sáng hôm ấy tôi bị ốm, chị Hạo dặn dò: Mày ở nhà tự nấu cháo ăn, mai tao về giúp cạo gió, rồi lấy lá bưởi, hương nhu, lá xả… đun nồi nước xông rã cảm cho mày.
Chập tối hôm ấy, máy bay địch gào rú trên bầu trời, rồi thình lình trút xuống những quả bom phá, gây tiếng nổ kinh hoàng. Từ Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, nay là T.P Thái nguyên (nơi đơn vị đóng quân), gần như tất cả chúng tôi nhao ra khỏi hầm nhìn sang khu vực Ga Lưu Xá, ai nấy hốt hoảng, lo lắng cho đồng đội. Nhưng đến sáng sớm hôm sau tôi mới biết hậu quả từ trận bom B52 đêm trước đã làm tan nát sân ga, và cướp đi mạng sống của hàng chục con người trẻ trung, trong đó có anh Ly, chị Hạo và những người là bạn thân của tôi.
Tin dữ làm nhiều đội viên TNXP hoang mang, một số đồng chí bàn tán, rủ nhau trở về quê. Bản thân bà Dung cũng lo lắng, phân tâm, dùng dằng trước quyết định về hay ở. Bà Dung tâm sự: Là con người bằng xương, bằng thịt, trước bom đạn khủng khiếp và mất mát bi thương quá lớn ấy, ai dám nói mình không xao động... Cũng vì lo cho con gái, bố tôi đi bộ một mạch từ nhà xuống, bảo: “Dung ơi, bố lo cho con lắm”. Tôi nói với bố: Con không thể đào ngũ. Đất nước đang cần những người như con. Chừng sau đó một tuần, tôi nhận được thư nhà. Bố mẹ tôi khuyên nên trở về, lấy chồng, sinh con như bao người đàn bà khác bên dòng sông Năng. Đang phân tâm thì văn thư Đại đội mang đến cho tôi một lá thư khác - thư của “anh trai làng”. Nét chữ nguệch ngoạc trên trang vở học trò, nhưng rắn rỏi, mạnh mẽ, trong đó có câu thơ được chép lại ở phần đầu bài viết.
Câu thơ không đăng tải trên bất cứ tờ báo, tạp chí nào. Vì đó là thơ, là thư dành riêng cho tôi. Không hiểu sao khi đọc dòng thơ này, tôi thấy mình rắn rỏi, kiên gan, dạn dĩ hơn và tự thề sẽ không bao giờ bỏ vị trí của một TNXP. Cũng hôm đó, tôi mang thơ của người mình yêu đọc cho chị em trong Đại đội cùng nghe. Nhiều chị em đã tĩnh tâm hơn, bỏ ý định rời ngũ trở về, tiếp tục hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Bà tự hào: Năm 1973, tôi cùng 30 TNXP thuộc Đội 91 Bắc Thái được lựa chọn về Hà Nội tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 1976, hoàn thành nhiệm vụ của người TNXP, tôi chuyển ngành sang công tác tại Công ty Thương nghiệp Bắc Thái. Nhưng tiếc rằng “anh trai làng” tôi yêu đã không trở về sau ngày đất nước thống nhất. Anh hy sinh ở mặt trận phía Nam.
Để được gần gũi với người thân, năm 1981 bà chuyển công tác về huyện Ba Bể, vẫn là bán hàng tạp hóa của Công ty Thương nghiệp. Vậy là sau 9 năm xa nhà, bà mới được trở về với vùng đất bên dòng sông Năng, có những ngọn núi cao vời vợi như vọng phu chung thủy đợi chờ. Rồi vì lý do sức khỏe, năm 1992 bà xin nghỉ chế độ mất sức lao động, sống đơn thân ở thôn Bản Pục.
Cuộc sống riêng có nhiều khó khăn, nhất là từ 3 năm gần đây, bà bị liệt nửa người vì một cơn bạo bệnh. Cảm thương người Bác ruột đơn thân, bệnh trọng, vợ chồng anh Hoàng Thanh Giản đón về chăm nom, đỡ đần. Cuộc sống của bà vì thế vơi nguôi cô quạnh. Và dù không còn tự đi được trên đôi chân của mình, nhưng bà minh mẫn, thường kể cho con cháu nghe chuyện thời đi TNXP lấp hố bom, vá đường; thời về Thủ đô Hà Nội xây Lăng Bác.
Khi kể lại câu chuyện này, tôi thấy bà trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 71 của mình. Và dù giọng nói không còn tròn vành rõ tiếng như tuổi đôi mươi, song vẫn trong trẻo, mát lành như nước dòng sông Năng, nơi bà có kỷ niệm đẹp về tình yêu - Một mối tình của thời đất nước có chiến tranh.