Nữ TNXP Đại đội 915 - chuyện bây giờ mới kể

10:49, 23/07/2018

“Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, một lẽ đương nhiên và trở thành truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nhưng đặc biệt bởi có những thiếu nữ mảnh mai, mới 15, 16 tuổi đã xung phong lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Đại đội 915, TNXP Đội 91, tỉnh Bắc Thái cũng có những người con như thế. Các chị đã khai tăng tuổi để được đứng trong đội ngũ của những người "Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất". Và dưới sức tàn phá thảm khốc của đạn bom, nhiều chị đã mãi mãi không về bên mẹ.

Trước ban thờ liệt sĩ Hoàng Thị Hạo (1956-1972), chúng tôi cúi đầu thành kính, cầu người an nghỉ ngàn thu. Khói trầm lan tỏa, cảm giác không khí trong ngôi nhà ông Hoàng Ngọc Huân, thôn Nà Khuổi, xã Thượng Giáo (Ba Bể) sánh đặc, quyện lại rồi òa lên tiếng nức nở vì nỗi đau gợi lại. Ông Huân kể: Đã 46 lần làm giỗ cho liệt sĩ, nhưng con cháu trong nhà chưa từng nguôi ngoai thương nhớ người. Ông Huân là người thờ cúng liệt sĩ Hoàng Thị Hạo, nên ông được nghe nhiều, biết nhiều về liệt sĩ. Nhưng chủ yếu biết qua lời kể của các bậc sinh thành. Ông dừng lời, tự tay giót nước mời chúng tôi, rồi gọi người mẹ đang lụi cụi băm rau lợn dưới nhà bếp.

Thấy con trai gọi mình, bà Hoàng Thị Tần lật đật lên nhà trên, xởi lởi chào mời khách. Khi chúng tôi hỏi chuyện về liệt sĩ Hoàng Thị Hạo, đôi mắt bà Tần sáng ánh tự hào, kể: 16 tuổi tôi về làm dâu dòng họ Hoàng Ngọc, lúc đó cô Hạo mới được hơn 1 tuổi. Chị em chúng tôi cùng sống trong một nhà, nên chúng tôi có điều kiện gắn bó, thương mến nhau, làm việc gì cũng có chị, có em.

80 tuổi, nhưng bà Tần minh mẫn, nhớ như in những gì đã đi qua đời mình. Bà kể: Nhà chồng tôi có 7 anh chị em, cô Hạo là con út trong nhà. Cô hiền lành, ít nói, chăm chỉ làm lụng giúp đỡ bố mẹ và có tính cách độc lập. Khi thấy cán bộ Đội 91 về tuyển người đi TNXP, cô nằng nặc đòi mẹ cho đi. Mẹ ôm cô ấy vào lòng, mắng yêu: Mày còn nhỏ, đã đủ tuổi đâu mà đòi làm thanh niên, ở nhà giúp bố mẹ việc chăn trâu, làm đồng, đợi đủ tuổi mẹ cho đi bộ đội.

Biết mọi người trong nhà đều có ý ngăn cản, cô ấy thì thầm hỏi tôi: Nếu em trốn nhà để đi phục vụ nhân dân, chị có đồng ý không? Biết cô quyết tâm, muốn tranh thủ “đồng minh”, nhưng tôi cũng chỉ dám nói ậm ừ lấy lòng. Mà mẹ cũng đã nói rồi, chưa đủ tuổi thì đi TNXP sao được. Kệ, cô Hạo lặng lẽ ra xã, gặp cán bộ đăng ký tên vào danh sách, tự khai tăng thêm tuổi để được lên đường. Cô đã trốn nhà đi, đến đơn vị mới viết thư báo về cho bố mẹ. Nhận thư con gái, các cụ không giận, lại tự hào về cô con út trong nhà, đã noi gương truyền thống yêu nước của gia đình (cụ Hoàng Đức Thắng, bố đẻ của liệt sĩ Hạo là bộ đội tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cụ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba). Cụ viết thư động viên con: Đã lên đường làm TNXP, thì sống xứng đáng làm người dám xung phong ra mặt trận.

Đôi mắt bà Tần nhòe đi vì cảm xúc ùa về. Và phải một lát lâu bà mới hồi tâm trở lại câu chuyện: Đi TNXP được gần 5 tháng, cô Hạo về thăm nhà. Cùng đi còn có một nữ TNXP Đại đội 915, khi đó cô Hạo là Tiểu đội phó. Lần về thăm nhà ấy, đơn vị giao cho cô Hạo nhiệm vụ quan trọng là: Mang Giấy báo tử của liệt sĩ Hoàng Thị Cát về cho gia đình. Liệt sĩ Hoàng Thị Cát là người cùng thôn Nà Khuổi đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.

Biết cô về thăm nhà, bà con chòm xóm đến thăm hỏi, động viên, mọi người tíu tít cùng vo gạo, đãi đỗ, làm mấy loại bánh để cô Hạo mang xuống đơn vị làm quà quê cho bạn. Đó cũng là lần cuối cô về thăm nhà, lần cuối cô chia tay với bà con trong thôn, đó cũng là lần cuối gia đình và bà con trong thôn chia tay với cô. Đầu tháng 1-1973, gia đình nhận được tin cô Hạo hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ ở ga Lưu Xá. Cùng hy sinh trong trận bom B52 này, xã Thượng Giáo còn có anh Triệu Văn Sính, cùng Đại đội 915 với cô Hạo… Ông Huân cho biết thêm: Tôi đã 5 lần về nghĩa trang Dốc Lim (T.P Thái Nguyên) thăm mộ bà trẻ. Lần đầu thấy ghi sai tên của bà, tôi hoang mang, nhờ “các bác” Thái Nguyên sửa lại danh tính cho bà. Rất mừng là ngay sau đó, tên, tuổi của bà được khắc lại trên bia rõ ràng, chính xác.

Chia tay gia đình ông Huân, chúng tôi mang theo suốt dọc đường về huyện Chợ Đồn một tâm trạng cảm phục tinh thần quả cảm của người con gái thôn Nà Khuổi. Để tận lúc bước vào nhà ông Tô Văn Huân, thôn Bản Cưa, xã Phong Huân mới thấy yếu lòng, giật mình vì đang đứng trước di ảnh liệt sĩ Tô Thị Phùng. Liệt sĩ Tô Thị Phùng và liệt sĩ Hoàng Thị Hạo cùng sinh năm 1956. Hai người không hẹn, nhưng cùng khai tăng tuổi, cùng trốn bố mẹ để được đi TNXP; cùng ở Đại đội 915 và cùng là Tiểu đội phó và cùng hy sinh trong một trận bom B52 ngày 24-12-1972. Và hiện cùng nằm bên đồng đội ở nghĩa trang Dốc Lim (T.P Thái Nguyên). Mộ chí các anh, chị xắp thành hàng, điểm danh như những ngày nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ.

Bên cạnh bát hương thờ liệt sĩ Tô Thị Phùng, còn có một bát hương thờ liệt sĩ Tô Văn Ngọ (liệt sĩ Ngọ là anh trai ruột liệt sĩ Phùng). Vào ngày giỗ chạp hằng năm, ông Huân đều thắp hương cho các cụ (ông Huân là hàng cháu của 2 liệt sĩ). Ông Huân kể: Lần cuối bà Phùng về thăm nhà, bà cứ ôm lấy tôi như ôm con đẻ vậy… Bất chợt có tiếng nói oang oang như từ trên ngọn đồi phía sau nhà rơi xuống, chúng tôi nhìn ra, thấy một người đàn bà béo tốt, bước vào với vẻ mặt quan trọng. Trong nhà, tôi mới là người biết nhiều về cô Phùng. Vì tôi cùng trà tuổi với cô Phùng. Từ nhỏ đã chơi với nhau thân thiết. Hồi đó tôi với ông Tô Văn Thọ (anh ruột cô Phùng) yêu thương nhau. Tình cảm giữa tôi với ông Thọ được 2 bên gia đình vun đắp. Cô Phùng cũng nhất nhất vun tôi vào cho anh mình.

Đó là bà Hoàng Thị Ngọ (Chị dâu liệt sĩ). Bà tiếp tục kể bằng chất giọng xót thương: Cô Phùng nhà tôi thuộc tạng người năng động, chịu khó, nên sớm có người đến đặt lễ xin về làm dâu. Nhưng cô Phùng hẹn: Phải đánh thắng giặc Mỹ, đất nước thống nhất mới cho cưới. Tưởng cô ấy nói để thử thách bên họ nhà trai, nhưng hoá thật. Cô Phùng trốn nhà đi TNXP, sau mới viết thư về xin lỗi bố mẹ. Do tích cực phấn đấu, rèn luyện và có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ, cô Phùng được Đại đội thưởng cho mươi hôm phép. Nhưng về được ít hôm, thấy nhớ đơn vị, cô vội chia tay bố mẹ, người thân để trở lại đơn vị. Mọi người có trách cô ấy là vì sao phép chưa hết đã về? Cô Phùng nói: Mình là cán bộ tiểu đội, phải gương mẫu trước đội viên. Mình trả phép sớm thì anh, chị em khác mới có cơ hội về thăm bố mẹ già.

Bà Ngọ xoa bàn tay lên tấm di ảnh liệt sĩ Tô Thị Phùng, cử chỉ của bà giống như cách người ta âu yếm khi thoa tay lên mặt người thương. Tiếc là giữa người ngoài đời thực và người trong di ảnh đã ở hai thế giới khác biệt. Bà Ngọ nói phân trần: Nhờ vào uy tín của Hội Người cao tuổi xã Phong Huân, gia đình tôi mới có được tấm di ảnh của liệt sĩ.

Hỏi chuyện chúng tôi mới vỡ nhẽ rằng: Đầu năm 2018, tức là sau gần 46 năm, bà Ngọ nghe tin một người bạn của liệt sĩ Phùng có tấm ảnh chụp chung trước ngày đi TNXP. Tấm ảnh đã ố vàng, các đường nét khuôn hình không còn rõ, thợ làm ảnh phải mất nhiều công sức mới phục chế lại được. Bà Ngọ tiếp tục câu chuyện: Trước ngày hy sinh, cô Phùng còn ngủ với chị dâu tương lai (bà Ngọ) 1 đêm. Sáng sớm hôm sau (24-12-1972), cô Phùng dậy từ sớm để về đơn vị. Tôi nấu cơm bảo cô Phùng ăn rồi đi. Nhưng cô Phùng bảo phải về đơn vị càng sớm, càng tốt. Và cô ấy được Đại đội 915 lựa chọn đi bốc dỡ hàng hoá ở ga Lưu Xá. Đồng đội kể lại: Chị Phùng cùng mọi người đã làm việc từ sáng sớm tới lúc chiều muộn. Khi chuẩn bị ăn cơm tối thì máy bay B52 ập đến, trút bom trúng hầm trú ẩn của Đại đội.

Chúng tôi lặng đi. Còn đau thương mất mát nào hơn khi cùng lúc 60 thanh niên trong cùng một đơn vị anh dũng hy sinh. Chị Hạo, chị Phùng là hai liệt sĩ trẻ nhất của Đại đội 915, mới 16 tuổi… Và trong chuyến đi thực tế, đến với các gia đình liệt sĩ TNXP và cựu TNXP, chúng tôi gặp một bất ngờ rằng, trong Đại đội 915 ngày đó có cô bé Triệu Thị Nhình, mới 15 tuổi. Nay là bà Nhình ở thôn Nà Chuông, xã Nông Thượng (T.P Bắc Kạn). Bà Nhình mộc mạc kể: Tháng 6-1972, thấy các anh, chị trong xã đăng ký đi TNXP. Tôi cũng đến xã đăng ký. Anh cán bộ TNXP Đội 91 về tuyển quân có hỏi: Bé thế, bao nhiều tuổi mà đi TNXP. Tôi bảo: Bé nhưng đã đủ 18 tuổi, cho tôi đi ăn cơm nhà nước, lớn nhanh còn kịp tham gia đánh giặc. Về nhà, tôi nói mình đã đăng ký được đi TNXP. Mẹ đứng chết lặng, rồi òa khóc, bảo: Con còn quá nhỏ, đi liệu có hoàn thành được nhiệm vụ không? Ông chú ruột có nhà ở gần đó chạy sang, dọa: Mày đi, bom Mỹ nó đánh chết, chúng tao không tìm được xác đâu. Tôi bảo: Được chết, mà chết cho đất nước là vinh dự. Cháu không sợ. Vậy là tôi lên đường, trở thành một nữ TNXP có vóc dáng bé như cái kẹo.

Cũng như các đội viên Đại đội 915, bà Nhình tham gia làm nhiệm vụ vá đường, lấp ổ gà trên một số tuyến đường từ Lạng Sơn - Thái Nguyên, Lạng Sơn - Bắc Giang, ngầm Sơn Cẩm, phà Bến Oánh… và ngày 24-12-1972, vì… còn bé, nên bà không được Đại đội lựa chọn đi bốc dỡ hàng hoá ở Ga Lưu Xá. Hôm ấy, bà cùng một số đội viên khác làm nhiệm vụ vá đường, san lấp ổ gà ở tuyến đường từ Linh Sơn đi Trại Cau. Bà kể: Đến sáng ngày 25-12-1972 tôi mới biết 60 đội viên của Đại đội 915 đã hy sinh từ đêm trước. Cái tin này làm nhiều đội viên hoang mang, thậm chí có người còn hoảng loạn. Mẹ tôi cùng người chú ruột đi bộ hơn trăm cây số từ nhà trên Bắc Kạn đến đơn vị, vừa gặp đã thì thầm bảo về. Nhưng tôi bảo mẹ và chú cứ về, vì con không thể làm một người đào ngũ. Mấy chị lớn tuổi hơn cũng rủ về, tôi bảo: Đất nước có chiến tranh, chúng ta là TNXP, dù hy sinh cũng không được dời bỏ vị trí. Các chị không giận, động viên nhau ở lại cùng xây dựng Đại đội 915.

Và bà Nhình, một trong những cựu TNXP Đại đội 915 đã trở về xây dựng quê hương. Dù cuộc đời thường còn nhiều thiếu khó, nhưng bà cùng các đồng đội luôn bên nhau, động viên, hỗ trợ giúp nhau vượt khó vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống, xứng đáng với danh hiệu đội viên Đại đội 915.