Trong chuyến hải trình đến với Trường Sa vào những ngày cuối tháng 4 năm 2018, Tiên Nữ là một trong 11 điểm đảo mà chúng tôi được may mắn đặt chân đến. Nghe đến tên đảo, các thành viên trên tàu vô cùng háo hức mong sớm được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nơi đón những tia nắng bình minh đầu tiên, sớm hơn đất liền gần một tiếng đồng hồ.
Sáng sớm ngày 30-4, tàu thả neo, những ánh nắng ấm áp xuyên qua ô cửa phòng ngủ trên tàu. Mở điện thoại mới có 4h30’ mà trời đã sáng rõ lại còn có nắng. Những người cùng phòng đều bật dậy ngơ ngác hỏi nhau. Thì ra đây là điều đặc biệt mà Trung tá Lê Văn Tặng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Quân chủng Hải Quân đã thông tin đến chúng tôi từ hôm mới lên tàu. Đảo Tiên Nữ nằm ở vĩ độ 08051’00’’ Bắc, kinh độ 114038’20’’ Đông. Đây chính là đảo ở xa nhất về phía Đông trong số các đảo ở quần đảo Trường Sa ở cực Đông trên biển Đông thuộc chủ quyền của nước ta. Do vậy, đây chính là nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc. Để vào được đảo Tiên Nữ, thuyền của đoàn phải neo cách đảo khoảng 1 hải lý, thả xuồng xuống đưa từng tốp vào. Nhóm phóng viên chúng tôi luôn là tốp được đặt chân đến các đảo sớm nhất trong đoàn. Từ trên xuồng nhìn vào đảo giữa biển xanh, bãi san hô trải rộng, đảo Tiên Nữ hiện lên lung linh trong nắng mai giữa muôn trùng sóng gió.
Đi một vòng quanh đảo, Đại úy Tô Văn Thư, Chỉ huy trưởng đảo kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết cái tên Tiên Nữ. Theo Đại úy Thư, tên Tiên Nữ không phải do lính đảo đặt mà là do ngư dân đặt. Nó gắn với một truyền thuyết mà chỉ có những ngư dân đã từng nhiều năm đánh bắt ở khu vực này mới nắm rõ. Theo họ, ngày xưa vùng biển này thường có sóng to gió lớn, tàu bè qua lại nhiều thường hay bị đắm và nàng tiên nữ xuất hiện giúp đỡ ngư dân bằng cách hóa thành một khối đá lớn nhô lên từ mặt biển, tạo thành những mũi đá che sóng. Từ đó mỗi khi có sóng to gió lớn ngư dân đánh bắt xa bờ tìm về nơi này tránh trú an toàn và đảo được gọi là đảo Tiên Nữ.
Tiên Nữ cách xa đất liền khoảng 350 hải lý. Đảo có chiều dài khoảng 6,7 km, chiều rộng nhất khoảng 3km. Đảo có vành đai san hô khép kín. Trên đảo có trạm hải đăng nằm ở rìa phía đông, cách đảo khoảng 5 hải lý. Khu vực quanh đảo là ngư trường lớn với nhiều loài hải sản quý hiếm. Điều kiện thời tiết, thủy văn của đảo khá mát về mùa hè, ấm về mùa đông; có hai mùa mưa và khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Đây là thời kỳ sóng biển tương đối êm ả, ít dông bão. Chế độ thủy triều của đảo là nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống. Khi thủy triều xuống còn khoảng 0,7 m, những dải san hô nổi lên, nhưng nhiều nhất là ở rìa phía Bắc và phía Đông. Khi thủy triều xuống 0,1m, toàn bộ vành ngoài mép san hô đều cao lên, có thể đi bộ quanh đảo. Thềm san hô quanh đảo có chiều rộng từ 300m-500m. Phía trong vành đai san hô là hồ, chiều dài hồ khoảng 5,8 km, chiều rộng khoảng 2,3km. Mặt hồ nước biển xanh ngắt nhìn rõ từ gò san hô đẹp lung linh.
Từ đảo Tiên Nữ đến các đảo Tốc Tan, Núi Le và một số đảo ở phía Nam của quần đảo Trường Sa khoảng cách không xa (35 hải lý), thuận tiện cho việc trao đổi thông tin, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các đảo và là địa chỉ tin cậy của ngư dân các địa phương ra đánh bắt hải sản trong khu vực này.
Hiện nay Đảo Tiên Nữ đã được xây dựng nhà ở kiên cố, vững chắc, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Đặc biệt, nhà văn hóa đa năng được thành phố Hà Nội tài trợ mới được xây dựng đưa vào sử dụng từ giữa năm 2017 là nơi ở, nơi sinh hoạt, văn hóa, văn nghệ của cán bộ chiến sĩ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi tại đảo, Đại úy Tô Văn Thư, Chỉ huy trưởng đảo cho biết: Hoạt động của nước ngoài có nhiều động thái mới khó lường với hình thức hoạt động đa dạng, phức tạp, đòi hỏi công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên đảo ngày một nâng cao hơn về chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Để bảo vệ vùng trời biển đảo của quê hương, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của đảo Tiên Nữ luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo biển thiêng liêng của Tổ quốc. Được biết, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các chiến sỹ trên đảo Tiên Nữ còn làm tốt công tác hỗ trợ, cấp cứu ngư dân của nước ta gặp nạn khi đánh bắt trong vùng biển của đảo. Cụ thể, năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, đảo đã hỗ trợ 1600 lít nước ngọt, cấp thuốc chữa bệnh cho 75 lượt ngư dân và hỗ trợ nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm khác…
Ân tượng về hòn đảo xinh đẹp trong tôi mãi không bao giờ quên, dù là nơi xa đất liền nhất (cách Cam Ranh, Khánh Hòa hơn 700km), nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Tiên Nữ với tình yêu biển, đảo luôn gắn bó, đoàn kết, khắc phục khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng…