Trận bom oan nghiệt, chết chóc dội xuống T.P Thái Nguyên tối 24-12-1972, riêng khu vực Ga Lưu Xá có 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái anh dũng hy sinh. 46 năm sau, người nằm xuống đã ngàn thu an nghỉ, người trở về cũng đã lên thiên chức ông, bà. Còn chúng tôi, những “đứa trẻ” lớn lên trong hoà bình đã có chuyến ngược nguồn dòng sông Cầu từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn để tìm về quá khứ.
Chúng tôi tìm về thôn Búc Ruộng, xã Lương Bằng (Chợ Đồn), đến thăm gia đình ông Ma Thọ Hưởng. Ông Hưởng là người thờ cúng liệt sĩ Ma Thị Tây. Biết chúng tôi đến vì mục đích sưu tầm tư liệu, hiện vật có liên quan đến liệt sĩ, ông Hưởng thở dài: Gia đình tôi 2 lần bị cháy nhà, nên chẳng giữ được lưu vật gì của liệt sĩ. Còn ông Ma Ngọc Xôi, anh trai của liệt sĩ phàn nàn: Tôi đã nhiều lần để tâm tìm di ảnh em, nhưng “đáy bể mò kim”...
Mới sau đợt mưa kéo dài, mặt đường đầy bùn nhão nhoét, đất đỏ ối từ bờ ta luy dương sạt xuống, nhưng chúng tôi vẫn miệt mài tìm về những địa chỉ cần đến. Đây là nhà ông Ma Văn Đại, thôn Nà Khẳn, xã Nghía Tá, là người thờ cúng liệt sĩ Ma Thị Lâm - Bà Đồng Thị Oanh, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Kạn nói. Ông Đại kể: Tôi là anh trai của cô Lâm. Ngày nhỏ anh em tôi vẫn cùng nhau đi rừng đào củ mài; xuống suối Nà Đẩy trước nhà bắt cua, ốc. Ngày em đi TNXP, tôi bảo: Dù khó, khổ em cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Rồi tôi nhận được tin em hy sinh.
Kể lại chuyện xưa, ông Đại dừng lời, mắt ngấn lệ, ào chạy ra vườn hái một bông hồng trắng đặt trước di ảnh của em gái. Rồi bùi ngùi: Cách đây ít năm, biết bà Nga, người cùng thôn có chụp hình chung với cô Lâm, tôi đã sang nhà xin mượn để làm cho em tôi tấm ảnh thờ. Trước ngày đi TNXP, hai cô rủ nhau ra phố chụp ảnh kỷ niệm. Rất may là cô Nga đã gìn giữ tấm ảnh chụp chung giữa hai người suốt bấy nhiêu năm… Thế mới hay, mỗi tấm ảnh liên quan tới liệt sĩ TNXP đều có một số phận riêng. Như tấm ảnh của liệt sĩ Nguyễn Bỉnh Dung. Ông Nguyễn Hoàng Thanh, thôn bản Ruồng 2, thị trấn Bằng Lũng kể: Tôi là em trai của anh Dung. Tôi đã gìn giữ di ảnh của anh trai mình suốt hơn bốn mươi năm qua. Với tôi, tấm ảnh đó còn quý giá hơn tất cả mọi tài sản tôi có trong nhà.
Nhìn tấm ảnh đen trắng nhạt nhòa vì thời gian, lại cảm động trước tình cảm của một người em dành cho người anh đã hy sinh quên mình vì Tổ quốc, ông Trần Văn Thép, Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), Trưởng nhóm sưu tầm đã xin phép gia đình được mang di ảnh của liệt sĩ về Thái Nguyên, nhờ người phục chế lại để tặng cho gia đình một tấm ảnh có khuôn hình rõ nét hơn. Cũng chuyện về di ảnh liệt sĩ, khi đến thôn Bản Cưa, xã Phong Huân, vào nhà ông Tô Văn Huân, người thờ cúng liệt sĩ Tô Thị Phùng. Ông Huân kể: Trước ngày hy sinh, liệt sĩ Phùng không để lại cho gia đình tấm ảnh nào. Đến năm 2015, biết bà Liêu Thị Ly, người cùng thôn, cùng đi TNXP và cùng ở Đại đội 915 với cô Phùng (ông Huân gọi liệt sĩ Phùng bằng cô ruột) có giữ của cô Phùng 1 tấm ảnh thẻ. Gia đình tôi đến xin, nhưng ảnh đã bị mờ, mất nét. Biết đây là tấm di ảnh của một tiểu đội phó TNXP, một hiệu ảnh không ngần ngại, đã nhận làm giúp cho gia đình.
Về thôn Nà Chá, xã Vi Hương (Bạch Thông), đến thăm gia đình ông Long Văn Thất, người thờ cúng liệt sĩ Long Thị My. Ông Thất cho biết: Chị My nhà tôi trước lúc hy sinh chẳng để lại kỷ vật gì cho gia đình, cũng chẳng kịp dặn dò ai. May là trước ngày đi TNXP, chị có chụp ảnh chung với một người bạn bên xã Quân Bình. Sau này gia đình biết được, đã sang nhà “người ta”, mượn bản gốc về phục chế thành ảnh thờ chị My… Tôi lặng người khi ngắm nhìn một cô gái xinh đẹp, nụ cười tươi tắn, mang trang phục TNXP, đầu đội mũ cát có gắn sao năm cánh. Người con gái trong tấm ảnh là liệt sĩ TNXP Long Thị My. Trước ngày hy sinh, chị được đơn vị thưởng cho 3 ngày phép. Đó cũng là lần cuối chị ngồi bên thềm nhổ tóc sâu cho mẹ.
Phải đến từng nhà TNXP có tên trong danh sách Đại đội 915. Đó là nhiệm vụ chính của chúng tôi trong chuyến công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật do hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn phối hợp tổ chức. Xác định rõ nhiệm vụ, nên không ai ngần ngại khi phải đi qua những thẻo rừng, vạt ruộng, hoặc rón rén chân bước trên thân tre õng ẹo bắc ngang dòng suối.
Nhà cựu TNXP Nông Thị Niên, thôn Nà Ché, xã Thượng Giáo (Ba Bể) nằm ở lưng một ngọn núi. Đứng bên hiên nhà có thể với được ngọn cây, nhìn xuống chân thấy thăm thẳm một dòng nước chảy vô định. Phóng mắt nhìn sang bờ bên kia, thấy có đường lớn. Chúng tôi đã bỏ xe lại bên trục đường lớn, lội suối, băng dốc mất chừng 30 phút thì sang đến nhà bà Niên. Bà Niên mộc mạc: Tôi người bên thôn Khuổi Dấm, xã Cẩm Giàng, (Bạch Thông). Năm 2004, tôi lấy chồng lần 2. Rồi theo chồng về lập nghiệp ở thôn Nà Ché. Tôi nhiều lần chuyển chỗ ở, vất vả mấy cũng luôn mang theo chiếc hòm gỗ, trong đó tôi cất giữ một “báu vật” vô giá.
Bà Niên dừng lời, đi vào buồng trong, lễ mễ bê ra đặt giữa nhà chiếc hòm gỗ. Bà thận trọng mở lắp hòm, mọi người có mặt trong nhà nín lặng, rồi òa vờ thành tiếng reo: “Tấm áo TNXP”. Bà trịnh trọng đặt tấm áo đã phai màu, được xếp nếp ngay ngắn giữa đôi tay gầy khô. Bà bảo: Cả lúc khó khăn nhất của cuộc sống, tôi vẫn gìn giữ áo này để làm kỷ niệm riêng. Nay Tổ sưu tầm đến, tôi xin được hiến tặng cho Nhà nước.
Tất cả chúng tôi lặng đi vì nghĩa của cao đẹp của một cựu TNXP. Rồi chia tay trong nồng ấm hẹn hò để trở lại đoạn đường đầy dốc núi, khe suối, tiếp tục với nhiệm vụ của mình. Đường đến nhà bà Niên đã khó, đường đến nhà cựu TNXP Hoàng Thị Kim Dung, thôn Bản Pục, cùng xã Thượng Giáo còn khó khăn hơn rất nhiều. Đường bê tông, nhưng bị đổ đầy đất không thể vượt qua. Tất cả chúng tôi đành xuống xe, vào trong thôn mượn cuốc, xẻng để tự giải tỏa ách tắc. Lúc xe “vượt ải”, bánh xe quay tít, xê ngang tụt xuống mương. Tất cả chúng tôi xúm vào đùn, đẩy, bẩy vã mồ hôi nhưng chẳng khá hơn. Vừa lúc đó ông Ma Thế Lê, công chức văn hóa - xã hội xã Thượng Giáo đến nơi, nhìn ngó một lát rồi gọi xe tải đến giải cứu giúp.
Nhà bà Dung cũng ở trên lưng một ngọn đồi của thôn Bản Pục. Bà bị tai biến mạch máu não từ hơn 3 năm nay. Hệ vận động, cơ mặt bị ảnh hưởng, việc nhai, nói khó khăn. Bà nhìn chúng tôi một lượt, rồi nở nụ cười làm khuôn mặt như méo xệch đi. Bà ôm chặt chiếc vỏ chăn bà dùng hồi tham gia TNXP Đại đội 915, và tấm ảnh bà chụp chung cùng 30 TNXP Đội 91 Bắc Thái được lựa chọn về Hà Nội xây dựng Lăng Bác Hồ từ năm 1973 đến năm 1976. Giọng méo mó vì di chứng sau tai biến, nhưng tôi hiểu bà kể cho chúng tôi nghe về tấm chăn, về tấm ảnh và bà xin hiến tặng 2 hiện vật này cho Nhà nước.
Hiện vật của một thời đất nước có chiến tranh. Hiện vật minh chứng về một thời đất nước có những TNXP quả cảm. Và bây giờ những hiện vật ấy trở thành tài sản quý giá của ngành bảo tàng; của Khu Di tích lịch sử Quốc gia, Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại ga Lưu Xá trong đem Noel năm 1972, và của nhiều thế hệ người Việt Nam sau này.