Những con sóng dữ, những ngày nắng cháy da, hay những đêm bão tố gầm gào, tất cả gian lao ấy không làm chùn bước những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Với họ, hậu phương vững chắc chính là động lực tinh thần mạnh mẽ để vượt qua mọi thử thách nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cô giáo Dương Thị Hồng Nụ, sinh năm 1991, giáo viên Trường Mầm non Tân Đức (Phú Bình) có chồng là Trung úy Dương Tuấn Hải, sinh năm 1987, hiện đang đóng quân tại đảo Trường Sa lớn. Đối với cô Nụ, làm vợ lính đảo có nhiều khó khăn, vất vả nhưng rất tự hào.
Cô Nụ bén duyên với Trung úy Hải trong lần anh về phép thăm nhà. Tình yêu của đôi bạn trẻ nảy nở qua những bức thư gửi vội từ đảo về đất liền. Lần nghỉ phép đầu năm 2013 của Hải, gia đình hai bên đã tổ chức hôn lễ cho đôi bạn trẻ trong niềm hân hoan của họ hàng, thôn, xóm. Dịp nghỉ hè sau lễ cưới, Nụ vào thăm chồng tại đơn vị đóng quân ở Nha Trang. Sau đó, cô sinh con gái đầu lòng, cả hai quyết định đặt tên là Khánh Trang. Thời gian sau đó, Trung úy Dương Tuấn Hải nhận nhiệm vụ ra đảo Trường Sa. Sau hơn 1 năm về nghỉ phép, hai vợ chồng có thêm cháu trai thứ hai đặt tên là Dương Khánh Minh.
Chồng xa nhà, con lại nhỏ, cô giáo Nụ phải đảm nhận cả hai vai vừa là bố vừa là mẹ của các con. Có những lúc bắt gặp hình ảnh những gia đình quây quần bên nhau, nhất là lúc sinh con mà không có chồng bên cạnh, chị chợt chạnh lòng, nhưng lại tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn để anh yên tâm công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng nơi đảo xa. Những món quà anh gửi tặng chị chỉ đơn giản là những bông hoa được làm từ ốc biển, khi thì trái bàng vuông khô, bông hoa muống biển ép vào cuốn sổ, nhưng chị cảm thấy ấm áp lạ thường. Mỗi lần nhớ chồng, chị và các con lại ngồi ngắm những món qùa giản dị, ý nghĩa ấy.
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Nụ kể: May mắn 3 mẹ con ở gần ông bà nội nên sớm, tối các cháu quây quần bên ông bà, mẹ con em cũng đỡ buồn. Hai cháu đang độ tuổi học mẫu giáo nên sáng theo mẹ đến trường, chiều 3 mẹ con cùng về. Biết hoàn cảnh của em, các đồng nghiệp đều động viên, chia sẻ trong công việc. Năm nào cũng có đoàn cán bộ của tỉnh, huyện, xã đến thăm và tặng quà động viên mẹ con em. Nếu không vào dịp huấn luyện thì tuần nào bố cháu cũng gọi điện về hỏi thăm, động viên 3 mẹ con. Em không để cho chồng biết những khó khăn mình gặp phải để anh ấy yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Gặp gỡ những người thân của những người lính đảo, chúng tôi được nghe những câu chuyện hết sức xúc động. Họ là những người bố, người mẹ, người vợ... đang cố gắng khắc phục những khó khăn trong cuộc sống để những người lính nơi đảo xa yên tâm công tác. Hậu phương của những người lính đảo là những câu chuyện bình dị như thế, nhưng lại là nguồn động viên vô cùng lớn lao đối với các anh.
Còn đối với Thiếu tá Vũ Đình Hòa, quê ở xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa lớn, đã có 2 năm công tác nơi đảo xa, nỗi nhớ gia đình, vợ con chưa bao giờ vơi trong lòng anh, nhưng chính nỗi nhớ ấy là nguồn động lực giúp anh hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi tiền tiêu Tổ quốc. Anh Hòa tâm sự: Tôi nhập ngũ năm 1990. Vợ con tôi ở Nha Trang, còn ở quê vẫn có mẹ già năm nay đã ngoài 85, cái tuổi gần đất xa trời, vì thế khi nghe tin tôi ra đây nhận nhiệm vụ bà rất lo lắng. Vì thế, trước khi ra đảo, tôi đã về quê làm công tác tư tưởng để mẹ yên tâm hơn. Biển đảo là nhà của tôi, còn gia đình là hậu phương vững chắc. Nhờ sự cảm thông, chia sẻ của những người thân trong gia đình, tôi mới yên tâm công tác ở nơi đảo xa. Hàng tuần, tôi đều đặn gọi điện về hỏi thăm, động viên mẹ. Tôi rất vui, cảm động khi mẹ kể luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đến thăm hỏi sức khỏe, tặng quà.
Trong hải trình trên chuyến tàu Trường Sa 571 đến thăm và tặng quà quân, dân quần đảo Trường Sa vào dịp đầu tháng 5 vừa qua, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào khi được gặp những người con quê hương xứ trà Thái Nguyên đang góp sức trẻ của mình dựng xây và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Người đầu tiên trong chuyến hành trình mà chúng tôi gặp đó là Trung úy Nguyễn Trọng Đại, đang làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn. Ra đảo công tác gần 1 năm, nắng, gió biển đã nhuộm nước da của Đại thành màu bánh mật khỏe khoắn. Gặp những đồng hương Thái Nguyên, Đại xúc động kể: Đây là lần thứ hai em được gặp đồng hương trên đảo. Điều khiến em vui nhất là được nhận tấm ảnh mà các anh chị đã chụp với bố mẹ em khi đoàn lên thăm và tặng quà gia đình trước ngày ra Trường Sa. Qua lời các anh chị, biết bố mẹ, vợ con vẫn khỏe là em thấy rất vui và yên tâm công tác. Em luôn xác định đã là người lính dù ở bất cứ môi trường nào mình cũng phải cố gắng thích nghi, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đoàn công tác số 11 của tỉnh trước khi đi Trường Sa đến thăm và tặng quà gia đình Trung úy Nguyễn Trọng Đại.
Khi chúng tôi lên thăm gia đình Đại, bố em là chú Nguyễn Trọng Việt, ở xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) tự hào nói: Tuần nào cháu cũng gọi điện về hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ, công việc làm ăn của gia đình. Khi cháu ra đảo nhận nhiệm vụ, vợ chồng tôi rất lo lắng vì đọc báo, xem ti vi thấy trên Biển Đông khả năng tranh chấp chủ quyền, tài nguyên có chiều hướng căng thẳng và phức tạp. Bên cạnh đó, môi trường, khí hậu khắc nghiệt. Song qua các cuộc điện thoại của cháu, tôi yên tâm rất nhiều vì được biết Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến quân và dân trên đảo. Trên đảo, cán bộ, chiến sĩ đã khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi để cải thiện thêm bữa ăn hằng ngày. Tôi luôn động viên cháu ở nhà bố mẹ, vợ con đều mạnh khỏe, công việc ổn định, việc học tập của Đại có nhiều tiến bộ. Tôi luôn răn dạy con mình luôn trau dồi phẩm chất đạo đức, nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương… Vợ chồng tôi rất tự hào về cháu!
Phía sau những người lính rắn rỏi ấy là sự đóng góp âm thầm của những người thân ở hậu phương. Và còn biết bao câu chuyện xúc động về tình cảm thiêng liêng, gắn bó như thế vẫn đang được những chiến sĩ, những người mẹ, người cha, người vợ viết tiếp. Họ chính là động lực để những người lính đảo vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Để rồi, càng trong gian khó, phẩm chất người quân nhân cách mạng càng ngời sáng, tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ người chiến sĩ Hải quân trong lòng nhân dân.