Mới đây, ngày 22-1, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 44-KL/TW tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới (Chỉ thị 09-CT/TW).
Bảo vệ an ninh Quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, nhiệm vụ đó lại càng quan trọng hơn khi các thế lực thù địch hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Kết luận của Ban Bí thư nêu rõ: Thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân được nâng cao hơn. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự được quan tâm. Nội dung, hình thức của Phong trào được đổi mới, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; nhiều mô hình hoạt động hiệu quả được nhân rộng.
Trên địa bàn tỉnh, với nhiều hình thức như thành lập các nhóm hộ tự quản tại tổ dân phố; tổ xe ôm tự quản ở các khu phố, phường, xã; tổ ngành hàng tự quản của tiểu thương các chợ; tổ bốc xếp tự quản ở các bến xe, chợ đầu mối; lắp đặt ca-mê-ra quan sát an ninh trật tự... cùng với tuyên truyền vận động nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm của người dân đã góp phần làm cho phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai sâu rộng. Tuy nhiên, Phong trào chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới; phát triển chưa đồng đều, có nơi có lúc còn mang tính hình thức; nội dung Phong trào còn thiếu sức lôi cuốn nhân dân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của Phong trào trong xây dựng, tăng cường thế trận an ninh nhân dân; còn mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch; chưa phát huy được ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên trước hết là do một số cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể chưa quán triệt sâu sắc công tác dân vận của Đảng; chưa huy động tốt sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự chưa thấm sâu đến mọi tầng lớp nhân dân. Lực lượng Công an chưa phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, dự báo các thế lực thù địch sẽ tăng cường chống phá cách mạng nước ta; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội có xu hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn. Để phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Ban Bí thư đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW, đồng thời quán triệt và tập trung thực hiện thêm một số nội dung.
Việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, trước hết là người đứng đầu; là biện pháp cơ bản, quan trọng để đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh Quốc gia, an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Vấn đề huy động sức mạnh của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm nhằm bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Để phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát huy hiệu quả cao, mỗi người dân hãy nâng cao ý thức tự nguyện, tự giác tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong mọi hoạt động, các tổ chức, đơn vị cần chú trọng hơn nữa phát triển và nâng cao chất lượng hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, chiến lược, phức tạp về an ninh, trật tự. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp giữa lực lượng Công an và Quân đội, mặt trận Tổ quốc với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; quan tâm xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt (bí thư chi bộ đảng, trưởng các đoàn thể, trưởng thôn, bản, người có uy tín, các chức sắc trong tôn giáo, dân tộc…) làm hạt nhân, chỗ dựa cho nhân dân trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những hình thức tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự ngay tại địa bàn dân cư, trên từng đường phố, trong các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp...; tạo thế chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh trấn áp ngay khi các hành vi vi phạm pháp luật mới manh nha hoặc hành vi phạm tội vừa xảy ra. |