Quân khu 1 với cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc

14:40, 18/02/2019

Quân khu 1 gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Trong đó, có 2 tỉnh biên giới là Cao Bằng và Lạng Sơn với 564,865km đường biên giới quốc gia và 1.108 cột mốc. Trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, địa bàn Quân khu 1 luôn là “phên dậu”, cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước; đồng thời là địa bàn trọng điểm trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Sau khi bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt- Iêng Xa-ri, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh vào ngày 7/1/1979, từ bên kia biên giới, hàng chục vạn quân Trung Quốc đã áp sát biên giới phía Bắc nước ta, ráo riết chuẩn bị phát động chiến tranh. Sau hàng loạt những vụ khiêu khích, phá hoại và lấn chiếm, rạng sáng ngày 17/2/1979, đối phương đã phát động cuộc chiến tranh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu). Sau khi nắm chắc tình hình chiến sự trên các hướng đối phương tiến công xâm lược, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và các cơ quan đã họp bàn, thống nhất phương án tác chiến ngăn chặn các hướng mũi tiến công của đối phương. Trung tướng Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu 1 đã mệnh lệnh cho các đơn vị phía trước kiên quyết chiến đấu, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Theo đó, trên các hướng Cao Bằng, Quân khu chỉ đạo Sư đoàn 346, Trung đoàn 567;  hướng Lạng Sơn có Sư đoàn 3, Sư đoàn 338, Trung đoàn 123 bộ đội địa phương của tỉnh cùng lực lượng công an vũ trang, dân quân, tự vệ và các đơn vị của Bộ Quốc phòng được tăng cường ngăn chặn đà tiến công của đối phương, đánh trả quyết liệt, giành giật với địch từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, gây cho đối phương nhiều tổn thất nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến đấu.

Cuộc chiến tranh biên giới tháng 2-1979 mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn, song Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 1 đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, nắm chắc tình hình, nhanh chóng tổ chức điều chỉnh lực lượng, điều chuyển các đơn vị, hình thành thế trận phòng thủ, dự kiến các phương án đối phó. Trong quá trình chiến đấu, Quân khu đã chỉ đạo chặt chẽ các mặt hoạt động, chuyển hóa thế trận kịp thời, tổ chức thành lập mới nhiều đơn vị, các sở chỉ huy bổ trợ, tập trung lực lượng trên các hướng trọng điểm, tổ chức chiến đấu có hiệu quả, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của quân xâm lược.

Nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, các đơn vị dù gặp nhiều khó khăn, hy sinh mất mát nhưng vẫn kiên cường bám trên trận địa, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Quá trình chiến đấu, các tổ chức đảng đã phát huy được vai trò lãnh đạo, duy trì chế độ sinh hoạt, có chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng quyết tâm chiến đấu. Quân khu đã điều chỉnh bổ sung, điều động, bổ nhiệm, đề bạt hàng ngàn cán bộ; tiếp nhận hàng trăm cán bộ từ các đơn vị và các trường của Bộ cho các đơn vị; huy động hàng vạn thanh niên lên đường nhập ngũ bổ sung cho các đơn vị chiến đấu phía trước. Đồng thời bảo đảm hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, quân y, xăng dầu, hàng hóa nhu yếu phẩm cùng hàng nghìn cơ số đạn dược, vũ khí trang bị chiến đấu cho các đơn vị. Trong quá trình chiến đấu, các đơn vị đã làm tốt công tác địch vận, tuyên truyền, kêu gọi, vận động binh sĩ đối phương hiểu rõ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là phi nghĩa.

Trước sức chiến đấu mạnh mẽ của quân và dân ta, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới kịch liệt lên án, ngày 5/3/1979, đối phương tuyên bố rút quân và kết thúc rút quân về nước vào ngày 18/3/1979. Mặc dù đối phương tuyên bố rút quân, song tình hình biên giới vẫn hết sức căng thẳng. Từ tháng 3-1979 đến tháng 12-1989, các hoạt động như điều chuyển lực lượng thực hiện răn đe quân sự và xâm lấn đất đai, chiến sự vẫn xảy ra ác liệt ở một số trọng điểm như: Điểm cao 820, điểm cao 636 (Tràng Định), bình độ 400 (Cao Lộc)...

Sau chiến tranh, hầu hết cơ sở hạ tầng như đường sá, trường học, bệnh viện, các cơ quan, xí nghiệp... trên địa bàn thị xã và các huyện biên giới 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đều bị tàn phá, tổn thất lớn về người và tài sản. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 1 đã chỉ thị cho các đơn vị giúp các địa phương khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 1 luôn coi trọng việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường xây dựng, củng cố tiềm lực khu vực phòng thủ, “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trên địa bàn, trong thế trận chung của đất nước; đẩy mạnh công tác rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả sau chiến tranh góp phần tích cực vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương. Nhiều năm qua, Quân khu đã đưa hàng trăm lượt đại đội, tổ công tác đến các xã vùng sâu, vùng xa giúp cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương xây dựng cơ sở chính trị, tham gia xóa đói, giảm nghèo, làm đường giao thông, thủy lợi, khám, chữa bệnh, củng cố các công trình công cộng, khắc phục hậu quả thiên tai và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu luôn quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhất là đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại quốc phòng. Quân khu 1 vinh dự được Bộ Quốc phòng lựa chọn tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung năm 2016 tại tỉnh Lạng Sơn và năm 2018 tại huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Qua các cuộc giao lưu đã góp phần xây dựng lòng tin và củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước, xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa hai nước.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Quân khu 1 ngày càng khó khăn, nặng nề hơn. Tự hào, phát huy truyền thống vẻ vang: “Trung hiếu, Tiên phong, Đoàn kết, Chiến thắng”, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 1 tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, thực sự là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần cùng toàn quân và các lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, xứng đáng với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên quê hương cách mạng Việt Bắc.