Khó khăn, thiếu thốn nhiều so với đất liền nhưng bằng tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cao, lực lượng quân y trên các đảo ở huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc biển đảo nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Với họ, được cống hiến ở Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào rất lớn.
Trong chuyến công tác dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khi tầu HQ 571 đang chuẩn bị thả neo gần đảo Sơn Ca thì một quân nhân trên tầu bị đau bụng dữ dội. Cho rằng bệnh nhân có triệu chứng viêm ruột thừa cấp, sau khi sơ khám, các y, bác sĩ trên tầu đã tham mưu cho chỉ huy Đoàn công tác nhanh chóng chuyển anh vào đảo, đồng thời phát thông báo để Bệnh xá Sơn Ca sẵn sàng các phương án cứu chữa. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các y, bác sĩ của Bệnh xá đã chẩn đoán, gấp rút chuẩn bị các điều kiện và tiến hành ca mổ trong hơn 1 tiếng đồng hồ thành công tốt đẹp. Cả đoàn công tác và lực lượng trên đảo ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, cùng chúc mừng bệnh nhân qua cơn nguy kịch và không quên dành những lời động viên, khen ngợi kíp y, bác sĩ đã thực hiện ca mổ kịp thời trong điều kiện khó khăn.
Sau ca mổ, sức khỏe của bệnh nhân – quân nhân Mai Văn Liên tiến triển tốt nhưng anh vẫn được Bệnh xá theo dõi thường xuyên và chăm sóc rất chu đáo từ ăn uống, vệ sinh cá nhân đến động viên tinh thần. Với chất giọng còn yếu, anh Liên xúc động nói: Trong điều kiện xa gia đình không có người thân bên cạnh lúc đau ốm như này, tôi càng cảm động và biết ơn và sự quan tâm, chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ trên đảo. Ở đây, tình đồng chí, đồng đội, tình người thật cao quý, thiêng liêng khó diễn tả.
Bệnh xá đảo Sơn Ca do Bệnh viện Quân y 91, Quân khu 1 (đóng tại thị xã Phổ Yên) và Bệnh viện Quân y 110 đảm nhận, luân phiên hằng năm cử y, bác sĩ ra làm nhiệm vụ. Kíp y, bác sĩ hiện tại của Bệnh xá gồm 4 người (trong đó có 3 người con quê hương Thái Nguyên) thuộc Bệnh viện Quân y 91, nhận nhiệm vụ tại đảo từ tháng 5-2018. Thiếu tá, Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Bệnh xá trưởng đảo Sơn Ca chia sẻ: Từ khi công tác tại đảo đến nay, ngoài ca này, chúng tôi đã mổ cấp cứu thành công 2 ca viêm ruột thừa. Đặc biệt là đã sơ cấp cứu kịp thời một ngư dân bị trấn thương sọ não, một người bị đột quỵ khi đang đánh bắt hải sản trên biển, cứu chữa hơn 50 ngư dân bị chấn thương phần mềm…
Dù các y, bác sĩ trên đảo đều khiêm tốn khi nói về thành tích của họ nhưng chúng tôi biết rằng đó là kết quả của sự nỗ lực lớn trong điều kiện công tác và trang thiết bị còn khó khăn, thiếu thốn nhiều so với đất liền. Trung úy, y sĩ Đào Mạnh Hà bày tỏ: “Ở đâu cũng là làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho quân và dân nhưng em rất tự hào khi được cống hiến ở Trường Sa, được góp phần nhỏ bé của mình bảo vệ chủ quyền biển đảo nơi tiền tiêu. Xác định như thế nên anh em đều vững vàng tư tưởng và quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ trong thời gian công tác trên đảo”. Lúc Trung úy Đào Mạnh Hà bắt đầu nhận công tác tại đảo Sơn Ca, người vợ trẻ của anh mới sinh con đầu lòng được 4 tháng. Biết có đoàn công tác ra đảo, chị gửi tặng chồng một bó hoa nhựa (vì hành trình của tầu kéo dài hơn 20 ngày) cùng lời nhắn để anh tiếp tục yên tâm làm nhiệm vụ.
Cũng như ở đảo Sơn Ca, trên các đảo và điểm đảo khác ở Trường Sa đều có lực lượng quân y đảm bảo việc khám, chữa bệnh thường xuyên, kịp thời cho quân và dân trên đảo cũng như ngư dân khai thác hải sản trong khu vực. Riêng các đảo nổi được xây dựng bệnh xá có các trang thiết bị, máy móc thiết yếu như: Máy siêu âm, nội soi, điện tim, máy tạo ô xi… và cơ số thuốc men khá đầy đủ. Vì vậy, cơ bản các bệnh xá đều có thể thực hiện tốt một số ca đại phẫu, trung phẫu. Gần đây, khi được trang bị hệ thống Telemedicine (kết nối hội chẩn trực tuyến với bệnh viện trong đất liền), các bệnh xá tại Trường Sa có thể xử lý những ca bệnh khó mang tính chuyên ngành sâu (trừ những ca bệnh đặc biệt được chuyển về đất liền bằng máy bay). Theo đánh giá của Lữ đoàn 146, Vùng 4 hải quân, lực lượng quân y tại các đảo ở Trường Sa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc và giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Ngoài trường hợp quân nhân Mai Văn Liên và một số ngư dân đã được cấp cứu kịp thời ở đảo Sơn Ca, trong chuyến công tác dài ngày tại quần đảo Trường Sa vừa qua, chúng tôi còn được biết nhiều câu chuyện đáng nhớ khác về tinh thần hết mình cứu chữa bệnh nhân, trách nhiệm và khả năng chuyên môn của lực lượng quân y trên đảo. Đó là việc các y, bác sĩ và chiến sĩ đảo Song Tử Tây đã hiến máu để cấp cứu 1 ngư dân bị thương tích nặng; Bệnh xá đảo Nam Yết vừa thực hiện thành công 1 ca đại phẫu cho ngư dân bị dập nát tay do tai nạn lao động trên biển… và hàng trăm trường hợp quân nhân, ngư dân khác bị tai nạn, ốm đau được các bệnh xá khám chữa kịp thời.
Những người lính, thầy thuốc ở Trường Sa có thể tự hào về điều đó, vì Trường Sa được coi là nơi “đầu sóng”, cách đất liền hàng trăm hải lý.