“Truyền thống - Nghĩa tình - Tự nguyện”

13:12, 01/03/2019

Thái Nguyên tuy không có đường biên giới với các nước láng giềng nhưng có hàng nghìn người đã và đang tham gia lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP), bảo vệ tấc đất chủ quyền thiêng liêng trên các tỉnh vùng biên của đất nước. Phát huy bản chất người lính Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường, Ban Liên lạc truyền thống BĐBP tỉnh (Ban Liên lạc), nơi sinh hoạt của hơn 800 cựu quân nhân BĐBP đã phát huy tinh thần “Truyền thống - Nghĩa tình - Tự nguyện” tổ chức, triển khai nhiều hoạt động thiết thực với hội viên và địa phương.

Nói về truyền thống của lực lượng BĐBP, ông Trần Tuấn Hưởng, Trưởng Ban Liên lạc cho biết: Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập 3 lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, biển đảo và các mục tiêu nội địa quan trọng. Trong đó, Công an biên phòng thuộc Bộ Công an theo Sắc lệnh 141/SL ngày 16/2/1953 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, bố trí thành lập các đồn biên phòng dọc biên giới. Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang trên cơ sở thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng đang làm công tác nội địa, bảo vệ biên giới và các đơn vị công an biên phòng, cảnh sát vũ trang. Ngày 3-3 hằng năm trở thành ngày truyền thống của lực lượng công an nhân dân vũ trang và BĐBP.

Đến năm 1979, nhiệm vụ và lực lượng Công an nhân dân vũ trang chuyển thành lực lượng BĐBP, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Lực lượng BĐBP là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước, lực lượng nòng cốt chuyên trách bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của biên giới quốc gia và vai trò vị trí của lực lượng, thấm nhuần sâu sắc lời Bác dạy, lực lượng BĐBP qua mọi thời kỳ luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trưởng thành nhanh chóng, lập công xuất sắc, xứng đáng với lòng tin của Đảng và nhân dân.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng Ban Liên lạc thông tin: Thái Nguyên có gần 2.000 quân nhân là BĐBP, trong đó có 9 đồng chí hoạt động trước năm 1945. Trong quá trình tham gia chiến đấu, xây dựng, bảo vệ đất nước, làm nhiệm vụ quốc tế (giúp nước bạn Lào, Campuchia), 85 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 56 người thương binh, hơn 600 đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương và 900 đồng chí được tặng kỷ niệm chương cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ người lính biên phòng, trở về cuộc sống đời thường ở địa phương, họ vẫn giữ vững bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể các cấp. Nhiều cựu quân nhân biên phòng đã phát huy phẩm chất người lính, vượt mọi khó khăn, thử thách tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Một số đồng chí là doanh nhân thành đạt, có điều kiện giúp đỡ quê hương, làm từ thiện xã hội...

Ban Liên lạc luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố tổ chức, mọi hoạt động luôn có kế hoạch cụ thể, sát với thực tế để là nơi gặp gỡ giao lưu và là chỗ dựa vững chắc cho hội viên. Những năm qua, Ban Liên lạc đã hướng dẫn 12 hội viên thuộc diện chính sách làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng xem xét và được giải quyết chế độ; xét trình Bộ Tư lệnh BĐBP tặng kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc” cho 899 đồng chí. Ban Liên lạc cũng đã phối hợp cùng gia đình, địa phương trong tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê hương. Bên cạnh đó, Ban Liên lạc đã tổ chức nhiều chuyến thăm đến các đồn biên phòng của các tỉnh vùng biên để thăm hỏi, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ cũng như để các cựu quân nhân thăm lại mảnh đất xưa mình đã từng công tác, gắn bó.

Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, Ban Liên lạc đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trên 400 lượt hội viên ốm đau, hoạn nạn; phối hợp với gia đình, địa phương tổ chức lễ tang cho hội viên theo nghi thức tiêu binh đồng thời hỗ trợ cho thân nhân gia đình cựu quân nhân qua đời. Thời gian qua, Ban Liên lạc tỉnh và các chi hội đã vận động hàng trăm ngày công lao động và hàng chục triệu đồng giúp đỡ những hội viên già yếu, hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa dột nát như hội viên Đồng Văn Miêng, Bùi Văn Minh (T.P Thái Nguyên), Tạ Văn Thưởng (Phú Bình)…

Bên cạnh những hoạt động nghĩa tình đồng đội, một số cán bộ, hội viên trong Ban Liên lạc đã có nhiều việc làm mang ý nghĩa thiết thực với nhân dân địa phương. Đó là việc làm của hội viên, thương binh, Phùng Đức Nhuận (Chi hội T.P Thái Nguyên) dành hàng trăm triệu đồng giúp đỡ người nghèo, con em thương binh, gia đình liệt sĩ, ủng hộ xây dựng nhà văn hóa của tổ dân phố nơi cư trú, xây dựng Khu di tích lịch sử Nhà tưởng niệm thanh niên xung phong Đại đội 915 hy sinh tại khu vực ga Lưu Xá, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên); ủng hộ 80 triệu đồng giúp đỡ đồng bào Quảng Bình bị nạn trong trận bão lịch sử năm 2013. Nữ hội viên Nguyễn Thị Thanh Doan thường xuyên làm công tác từ thiện và ủng hộ nhân dân địa phương hàng chục triệu đồng xây dựng nhà văn hóa… Những việc làm trên đã góp phần tô thêm hình ảnh đẹp về người lính biên phòng trong nhân dân.

Có thể nói, 20 năm qua, kể từ ngày thành lập đến nay, Ban Liên lạc truyền thống BĐBP Thái Nguyên đã khẳng định được vai trò của mình trong việc tập hợp hội viên, tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất người lính Cụ Hồ và truyền thống vẻ vang của quân đội ta trong thời chiến cũng như trong thời bình về mọi mặt. Đây là nền tảng để các hội viên tiếp tục ra sức phấn đấu, xây dựng Ban Liên lạc ngày càng lớn mạnh, bền vững, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cựu quân nhân BĐBP trên địa bàn tỉnh, ngày 3-3-1999, Ban Liên lạc truyền thống BĐBP tỉnh Thái Nguyên đã được thành lập. Trải qua 20 năm hoạt động với phương châm “Truyền thống - Nghĩa tình - Tự nguyện”, Ban Liên lạc không ngừng phát triển về mọi mặt, xây dựng được bộ máy tổ chức từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn với 11 ban liên lạc cơ sở, 57 chi hội với trên 830 hội viên.