60 năm đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh

14:56, 24/04/2019

Cách đây 60 năm, trước đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã ra đời, từng bước được xây dựng, phát triển, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm tháng trôi qua, nhưng quyết định mở đường Trường Sơn là một quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược của Đảng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Trên thực tế, đường Trường Sơn xuất hiện từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy nhiên đó chỉ là những con đường mòn nhỏ hẹp, hình thức vận chuyển chủ yếu là gùi thồ đơn giản. Sang thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, trước yêu cầu ngày càng cao của tiền tuyến miền nam, nếu chỉ dựa vào những con đường mòn nhỏ hẹp như vậy thì không thể vận chuyển đủ và kịp thời nhân lực, vật lực cho quân và dân miền nam đánh Mỹ; cho nên, việc khai thông, mở rộng hệ thống đường mòn Trường Sơn thật sự cấp thiết. Nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn lịch sử, tháng 5-1959, Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 15 khẳng định: “Đây là một việc làm lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc”(1).

Ngày 5-5-1959, Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy T.Ư) quyết định thành lập Phòng Nghiên cứu công tác chi viện quân sự miền nam, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, do Thượng tá Võ Bẩm làm Trưởng phòng, có nhiệm vụ: mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn từ bắc vào nam để chuyển nhân lực, vật lực từ miền bắc phục vụ cách mạng miền nam cũng như cách mạng Lào và Cam-pu-chia. Đến ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị T.Ư Đảng quyết định thành lập Đoàn 559, xây dựng tuyến chi viện chiến lược - đường Trường Sơn trên bộ và trên biển. Vai trò của đường Trường Sơn được Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy khẳng định là: “con đường chi viện miền nam, cho bạn là cơ bản nhất, chủ yếu nhất, có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng trước mắt và lâu dài”(2). Ngày 19-5-1959 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 559 - Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn.

Đi vào hoạt động, Đoàn 559 chọn khe Hó - nằm giữa một thung lũng ở tây nam Vĩnh Linh là địa điểm xuất phát để tiến vào Trường Sơn “soi đường”, lập trạm. Sau một thời gian, ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau tám ngày đêm vượt qua sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặn nghiêm ngặt của địch, hàng được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên. Đây là dấu mốc có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, vì mỗi khẩu súng, viên đạn đến với chiến trường là thể hiện “ý Đảng”, “lòng dân”, là tình cảm của Bác Hồ kính yêu, của nhân dân miền bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền nam ruột thịt.

Trong quá trình xây dựng, phát triển đường Trường Sơn, T.Ư Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng luôn theo dõi sát sao. Trong thư gửi Đoàn 559 nhân dịp Xuân Canh Tý (1960), Tổng Quân ủy đánh giá: “Các đồng chí đã đảm nhận một nhiệm vụ rất vinh quang, góp phần cống hiến rất cụ thể vào sự nghiệp đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc của nhân dân ta... Nhờ có tinh thần yêu nước, cách mạng cao, nên các đồng chí đã vượt khó khăn gian khổ, đạt được những kết quả bước đầu rất tốt đẹp...”.

Năm 1973, trong dịp vào thăm và kiểm tra bộ đội đường Trường Sơn, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng phát biểu: “Vinh quang thay Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại! Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn hãy phát huy truyền thống oanh liệt của quân đội ta để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của con đường chiến lược vẻ vang này trong giai đoạn mới của cách mạng”. Chỉ tính riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển lần lượt 413.450 tấn vũ khí và hàng hóa các loại(3), trong đó có cả vũ khí hạng nặng, như: pháo cơ giới, xe tăng,... góp phần quyết định thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Biết rõ đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là con đường chiến lược nối liền nam - bắc, cho nên Mỹ quyết tâm đánh phá. Do đó, đường Trường Sơn đã trở thành chiến trường thử nghiệm chiến lược “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến tranh bóp nghẹt” bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt với các loại thiết bị, vũ khí hiện đại của nền khoa học - công nghệ cao của Mỹ. Ngày 31-12-1971, Báo Lơ Phi-ga-rô đăng bài viết của học giả Giắc-cơ Rơ-ma, khẳng định: Điều làm cho người ta buồn phiền là đường mòn Hồ Chí Minh không thể phá hủy được... Nước Mỹ đã chi tiêu hàng tỷ đô-la để hòng bóp nghẹt đường mòn Hồ Chí Minh. Nó vẫn tồn tại. Nó là con rắn trăm đầu luôn mọc lại. Không phải là những cái đầu mà chính là những cánh tay của con rắn này luôn mọc lại vì không thể bị chặt đứt cùng một lúc. Còn Cục Tình báo Trung ương Mỹ khẳng định: “Đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành trận đồ bát quái trong rừng rậm”(4). Nhà báo Pháp Van Giê nhận xét: “Đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ là con đường tiếp tế mà còn là biểu tượng của cuộc chiến tranh Việt Nam...”(5).

Nhìn chung, trải qua 16 năm, kể từ ngày đầu “soi đường”, “mở lối” cho đến khi kết thúc chiến tranh, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã phải đương đầu với sự ngăn chặn khốc liệt, tàn bạo, bằng nhiều lực lượng, nhiều thủ đoạn, nhiều loại phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ của kẻ thù. Tuy nhiên, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, lực lượng chiến đấu, công tác trên đường Trường Sơn suốt bao năm ròng không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương, vì sự sống của con đường, đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bền bỉ và kiên cường trụ bám trận địa, trụ bám mặt đường, giữ vững mạch máu giao thông, đập tan mọi âm mưu và hành động đánh phá ngăn chặn của quân thù. Nhờ đó, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn không ngừng phát triển, đáp ứng sự chi viện to lớn, toàn diện, liên tục, mạnh mẽ của hậu phương lớn miền bắc cho tiền tuyến lớn miền nam. Những tháng năm rầm trời bom đạn ấy, miền bắc đã dốc toàn bộ sức mạnh của cả chế độ cho miền nam, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Lớp lớp thanh niên rời ruộng đồng, xưởng máy, trường học, theo tiếng gọi của non sông đất nước, lên đường đánh giặc với ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Công việc hậu phương dồn xuống đôi vai của người ở lại… Đằng đẵng những năm tháng chiến tranh ấy, bao người mẹ, người vợ, người chị, người em cắn răng chịu đựng thiếu thốn, vất vả, gian lao, thực hiện “ba đảm đang” để cho người thân yên lòng ra trận. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong việc quyết định mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.

Thực tế đã chứng minh rõ ràng, mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược và sáng tạo của Đảng Lao động Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với quyết định đó, tuyến vận tải chiến lược đã ra đời, phát triển trong mưa bom, bão đạn và đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20. Trong bài viết nhân kỷ niệm 45 năm truyền thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19-5-1959 - 19-5-2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng”. Do đó, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, những bài học đúc kết từ quá trình xây dựng, phát triển đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng cần được chắt lọc, vận dụng sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng đất nước mạnh giàu, dân chủ, công bằng, văn minh, vươn lên sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

----------------------------------------------------

(1) Lịch sử giao thông vận tải Việt Nam, Nxb GTVT, H.1999, tr.473.

(2) Phương Việt: Đường Hồ Chí Minh - một kỳ công chiến lược, Tạp chí lịch sử quân sự, số 4, năm 1989, tr.15.

(3) Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị - Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H. 1995, tr.318.

(4) Phương Việt: Đường Hồ Chí Minh - một kỳ công chiến lược, Tạp chí lịch sử quân sự, số 4, năm 1989, tr.40.

(5) Phương Việt: Đường Hồ Chí Minh - một kỳ công chiến lược, Tạp chí lịch sử quân sự, số 4, năm 1989, tr.40.