Những năm gần đây, ra khơi đánh bắt cá dài ngày trên biển, mỗi khi hết gạo, thiếu dầu hay máy móc tàu thuyền gặp sự cố, ngư dân đã có điểm tựa là các dịch vụ hậu cần nghề cá. Đó là những địa chỉ tin cậy và quen thuộc, là hậu phương vững chắc đối với ngư dân. Hiện, huyện đảo Trường Sa có ba trung tâm Dịch vụ - Hậu cần (DVHC) nghề cá và hai làng chài, là chỗ dựa vững chắc cho hàng nghìn tàu cá của ngư dân khi đánh bắt xa bờ. Mỗi khi ngư dân ghé thăm, sữa chữa tàu thuyền, tiếp nhiên liệu, tránh trú bão… cũng chính là niềm vui, niềm động viên cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên đảo, góp phần thắt chặt tình quân dân nơi tuyến đầu của Tổ quốc.
Chia sẻ với chúng tôi, cán bộ, nhân viên đội DVHC nghề cá tại âu tàu đảo Song Tử Tây (thuộc Hải đoàn 128 quản lý) cho biết, cũng như các trung tâm DVHC nghề cá trên biển, ở đây thực hiện các DV cung ứng nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm; DV khai thác hải sản và cứu hộ, cứu nạn; DV sửa chữa tàu thuyền; DV thu mua và sơ chế hải sản, cung cấp vật tư nghề cá; DV khai thác âu tàu và nuôi trồng hải sản. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với CBCS trên Đảo để giúp đỡ, thăm khám sức khỏe cho ngư dân khi cần.
Đến đây, tàu thuyền sẽ được cung ứng nhiên liệu theo giá quy định của Nhà nước như ở đất liền, được cung cấp nước ngọt miễn phí. Ngoài ra, ngư dân còn được hưởng các hoat động văn hóa tinh thần khi đơn vị tổ chức. Tàu thuyền của ngư dân được sửa chữa miễn phí tiền công, được cung ứng lương thực, thực phẩm, bán sản phẩm và DV vận chuyển sản phẩm vào đất liền tiêu thụ theo giá thỏa thuận; đồng thời được hướng dẫn vào âu tầu neo đậu tránh gió, bão miễn phí và cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Trước đây, mặc dù được tạo điều kiện nhưng ngư dân đánh bắt hải sản trên biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nước ngọt phụ thuộc vào trời mưa, lương thực có định mức hạn chế, mỗi thuyền trước khi ra khơi bám biển dài ngày phải chuẩn bị rất nhiều thứ, công phu; có khi chưa đánh bắt được cá đã hết nguyên liệu, nước ngọt, lương thực, đành phải quay về nên hiệu quả đánh bắt rất thấp. Những trung tâm DVHC nghề cá ra đời đã hỗ trợ ngư dân về nhiều mặt, mọi DV có thể dễ dàng thực hiện một cách đơn giản. Đến với các trung tâm DVHC nghề cá trên biển, ngư dân sẽ không nhất thiết phải đem theo nhiều tiền mà có thể vẫn mua được nhiên liệu, lương thực, thực phẩm. Nhiều cách làm linh hoạt đã được vận dụng như: Người nhà của ngư dân chuyển tiền vào tài khoản công ty trong đất liền; hay ngư dân có thể vào đây bán sản phẩm cho công ty, mua nhiên liệu, tiếp tục đánh bắt, không còn phải chạy vào đất liền bán hàng; cũng không phải đối mặt với cảnh bị thương lái ép giá… Ngư dân đi biển bây giờ không nhất thiết phải mua dự trữ nhiên liệu mà mua đủ dùng rồi ra biển có thể mua tiếp khi cần vì giá cả bảo đảm; áp lực cho mỗi chuyến đi biển giảm hẳn.
DVHC nghề cá là hoạt động kinh doanh các ngành nghề phục vụ cho sản xuất, chế biến, bảo quản hàng thủy sản, đảm bảo lưu thông phân phối như: cung cấp nhiên liệu, cung cấp nước đá cho tàu thuyền, kho bảo quản hàng hóa thủy sản, vật tư ngư cụ, sữa chữa tàu thuyền, thông tin liên lạc, phương tiện vận tải hàng hóa… đi tiêu thụ khắp nơi. |
Với Hải đoàn 129 (trực thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn), ngoài nhiệm vụ thường trực bảo vệ chủ quyền biển đảo, CBCS nơi đây còn đảm trách nhiệm vụ đặc biệt là phát triển kinh tế biển, đảo gắn với quốc phòng an ninh. Tháng 11-2016, Quân chủng Hải quân đã bàn giao cho Hải đoàn 129 tiếp nhận và vận hành Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn rộng hơn 5ha và 2 làng chài đảo Tốc Tan, Núi Le. Kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, Trung tâm và 2 làng chài đã tiếp nhận, hướng dẫn, giúp đỡ cho trên 2000 lượt tàu cá của ngư dân vào tránh, trú, neo đậu, sửa chữa. Hiện, âu tàu đảo Sinh Tồn có thể tiếp nhận hàng trăm ghe, tàu của ngư dân vào tránh bão và sửa chữa, khi bị hỏng hóc.
Để thuận lợi cho việc cung ứng DV sửa chữa tàu cá, Hải đoàn 129 đã phối hợp chặt chẽ với chi cục thủy sản các tỉnh, thành duyên hải miền Trung ngay từ khi tàu cá được đóng mới, đăng ký hoạt động đánh bắt khai thác trên vùng biển, đảo Trường Sa. Hải đoàn 129 đã cử cán bộ trực tiếp liên hệ với các chủ ghe, tàu để nắm chắc về chủng loại tàu cá, các thông số kỹ thuật máy tàu, quy ước thông tin liên lạc để chủ động trong việc mua sắm, dự trữ vật tư thay thế. Ngoài việc giúp đỡ ngư dân sữa chữa, cung ứng DVHC nghề cá, CBCS, nhân viên của Trung tâm còn làm tốt công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, tuyên truyền về pháp luật đánh bắt thủy sản trên biển.
Những năm trước đây, các mặt hàng thủy, hải sản khai thác từ biển đưa vào chế biến xuất khẩu chỉ đạt khoảng 40 đến 50% tổng sản lượng, thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Chính vì thế, một trong những giải pháp mà ngành Thủy sản chú trọng đến là tăng cường công tác DVHC cần giúp ngư dân giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Hiện nay, các DVHC nghề cá đang phát triển rầm rộ ở các tỉnh có biển. Mỗi tỉnh, mỗi địa phương đều có những mô hình, hoạt động khác nhau, song trong xu thế phát triển ồ ạt, tự phát các loại mô hình DVHC nghề cá, vấn đề đảm bảo mô hình hoạt động hiệu quả, duy trì sự ổn định, nhất là ở Quần đảo Trường Sa là hết sức cần thiết. Ngoài âu tàu ở đảo Sinh Tồn và 2 làng chài tại đảo Núi Le, Tốc Tan do Hải đoàn 129 quản lý, âu tàu đảo Song Tử Tây do Hải đoàn 128 quản lý, trên quần đảo Trường Sa còn có âu tàu đảo Đá Tây thuộc Trung tâm DVHC nghề cá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhờ có những trung tâm DVHC nghề cá phát triển, ngư dân càng thêm yên tâm và kiên trì bám biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.