Những ngày cuối tháng Bảy, khi cả nước hướng về kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), chúng tôi có dịp cùng Đoàn đại biểu của tỉnh viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang). Dù chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc tròn 4 thập kỷ, nhưng mỗi khi nhắc đến mảnh đất biên cương Vị Xuyên, chúng tôi càng biết ơn vô hạn những Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trước khi đặt chân đến mảnh đất này, tôi ấn tượng mãi hình ảnh Nhạc sĩ Trương Qúy Hải, người lính trên mặt trận Vị Xuyên năm xưa ôm cây đàn ghi ta say sưa hát cho đồng đội nghe giữa những ngôi mộ trong nghĩa trang Vị Xuyên: “Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào. Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình, Quân dân nồng ấm nghĩa tình... Dù chưa một lần biết đến chiến tranh nhưng trong những người trẻ chúng tôi trào dâng cảm xúc về tình về tình đồng đội qua lời bài hát. Nhiều người nói rằng nếu Quảng Trị là bản tráng ca anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì Vị Xuyên, Thanh Thủy là bản hùng ca về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngược dòng thời gian, rạng sáng ngày 17-2-1979, Trung Quốc nổ tiếng súng đẩu tiên nổ mở màn cho cuộc chiến trên địa bàn 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và kéo dài suốt 10 năm sau đó ở biên giới Việt – Trung.
Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Với phương châm “Một tấc không đi, một ly không rời” cùng lời thề sắt son “Sống bám đá chết hóa thành bất tử, chúng ta đã anh dũng chiến đấu và đổ biết bao xương máu để giành chiến thắng bảo vệ vững chắc tấc đấc thiêng của Tổ quốc. Trong số đó có hàng nghìn chiến sĩ mãi mãi nằm lại bên biên cương. Do tính chất ác liệt của cuộc chiến và địa hình núi cao, thung sâu, đạn pháo cày sới địa hình, địa vật thay đổi, vị thế trên tuyến biên giới huyện Vị Xuyên ước tính còn hàng nghìn liệt sĩ chưa được tìm thấy để cất bốc, quy tập các anh trở về với đất mẹ quê hương.
Theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến 1989, hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Để ghi nhớ công lao của các Anh hùng liệt sĩ, từ năm 2018, Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên đã được tu bổ, tổn tạo, nâng cấp thành nghĩa trang cấp Quốc gia và xây dựng cụm tượng đài chiến thắng. Hiện đây là nơi yên nghỉ của gần 1.800 Anh hùng liệt sĩ và 1 mộ liệt sĩ tập thể. Trong đó có trên 1.500 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc trong giai đoạn 1979-1989. Hiện ở Nghĩa trang còn 330 mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
Trong cái nắng chói chang miền biên ải, dòng người vẫn đông đúc và lặng lẽ về thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Đây dường như trở thành nơi gặp gỡ của những gia đình thân nhân liệt sĩ, những cựu chiến binh, những đồng đội cũ. Trong số đó, rất nhiều người đã từng chiến đấu ngay tại mảnh đất Vị Xuyên, họ đến thăm và thắp hương tưởng nhớ những đồng đội của mình. Cũng có những người lính, dù chưa từng chiến đấu Vị Xuyên, nhưng cũng thường xuyên đến đây, để tưởng nhớ công ơn của các Anh hùng đã ngã xuống nơi vùng đất này.
Giữa nghĩa trang Vị Xuyên, tôi gặp chị Hương Ngân đang đứng lặng người trước một ngôi mộ liệt sĩ. Chị Ngân cho biết, chị đi từ Hà Nội đến đây, để thắp hương cho người cậu ruột, đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm xưa. Chị Hương Ngân kể, khi cậu mất, chị còn rất bé, không biết gì về cậu. Sau này lớn lên, chị được gia đình cho xem ảnh, rồi kể rất nhiều chuyện về cậu, một người anh hùng trong gia đình tôi. “Lên đến đây, đứng trước mộ cậu, thắp hương cho cậu, tôi lại nhớ đến những câu chuyện gia đình kể về cậu. Và tôi cũng rất tự hào, khi mình có một người cậu anh hùng. Tôi cảm thấy mảnh đất này vô cùng thân quen, vì một phần máu thịt của người nhà tôi đã nằm ở đây”.
Ông Hoàng Văn Hoạt, nhân viên quản trang, người đã có 18 năm gắn bó với công việc chăm sóc hương khói anh linh cho các anh hùng liệt sĩ ở đây cho biết: Trong những ngôi mộ ấy, có nhiều mộ là các liệt sĩ vô danh, họ đã chiến đấu anh dũng và nằm xuống tại đây. Bản thân tôi cũng một người lính may mắn sống sót trở về từ chiến trận nên tự nhủ mình phải chăm sóc những phần mộ ấy cho thật tốt và nhắc nhở con cháu luôn nhớ về họ. Ông Hoạt cho biết thêm, năm nay, tròn 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc nên các cơ quan, du khách về đây thăm viếng nhiều hơn, từ đầu tháng 7, trung bình mỗi ngày có từ 2- 3 đoàn.
Hòa chung với thanh niên của 32 tỉnh thành phố, từ Bình Trị Thiên trở ra, Thái Nguyên cũng có hàng nghìn con em lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Việt - Trung, trong đó nhiều người vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, Thái Nguyên có 23 người con ưu tú đang yên nghỉ tại đây. Tôi lặng lẽ lần theo tên các liệt sĩ được khắc ghi trên từng ngôi mộ, liệt sĩ Nguyễn Xuân Khu, (Phấn Mễ, Phú Lương), liệt sĩ Trần Văn Sơn (Phổ Yên), liệt sĩ Vũ Xuân Tươi (Đại Từ)…
Đứng trước những hàng mộ, nén hương khói thơm nghi ngút, ông Nguyễn Thành Long, Phó Gám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên không khỏi xúc động: Những năm qua, Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến công tác Đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công như: vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ ưu đãi hàng tháng cho người có công và gia đình, xây dựng nhà cho người có công, nuôi dưỡng các thương binh nặng, xây dựng, tôn tạo những nơi ghi danh các Anh hùng liệt sĩ …