Xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc

09:24, 19/09/2019

Đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh là nội dung quan trọng hàng đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt của Đảng, được cụ thể hóa trong Chiến lược quốc phòng Việt Nam giai đoạn cách mạng mới.

Từ quan điểm, mục tiêu và đường lối quốc phòng của Đảng và Nhà nước, những năm qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền QPTD vững mạnh theo hướng vững chắc. Trước hết là việc tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 3/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới...

Theo đó, mục tiêu trước tiên của tỉnh là đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và toàn dân về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng nền QPTD đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 2009 đến tháng 9-2019, toàn tỉnh đã được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho 92.947 cán bộ, đảng viên, giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh cho 768.390 học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin truyền thông được quan tâm với trên 53.748 lượt tin, bài, phóng sự, ảnh; 9.759 buổi tuyên truyền miệng; 500 cuộc thi của các ngành, hội đoàn thể và địa phương các cấp tổ chức về QPTD. 

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò chiến lược của Thái Nguyên trên hướng phòng thủ phía Bắc của Tổ quốc, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho tỉnh xây dựng nền QPTD bảo đảm tính toàn diện, tập trung có trọng điểm trên từng ngành, lĩnh vực, địa bàn từ tỉnh đến cơ sở; cả về tiềm lực, thế trận theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và đạt nhiều kết quả khá toàn diện. Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị đều xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng địa bàn, từng giai đoạn; trong đó chú trọng thực hiện hiệu quả chương trình kết hợp giữa xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp với bảo đảm lương thực, tăng khả năng tích lũy cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng cơ bản theo hướng vừa sản xuất phục vụ nhu cầu dân sinh, vừa sẵn sàng huy động chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ quốc phòng - an ninh khi cần thiết. 10 năm qua, tỉnh đã đầu tư ngân sách cho quốc phòng địa phương trên 1.400 tỷ đồng. Năm 2012, 2018, tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh. 100% cấp huyện, xã cũng đã tổ chức diễn tập có một phần thực binh đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ; bảo đảm an toàn tuyệt đối. 

Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển chọn và gọi gần 18.000 công dân nhập ngũ, đạt 100% chỉ tiêu. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 400 cơ sở dân quân tự vệ, quân số đạt 1,61% (so với tổng dân số); tỷ lệ đảng viên trong dân quân tự vệ đạt 25,1%. Lực lượng dự bị động viên cũng được kiện toàn tổ chức biên chế đúng chuyên nghiệp quân sự. Về kết quả huấn luyện cho các đối tượng, 100% các nội dung, khoa mục đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ khá, giỏi đạt 80% trở lên. Ngoài ra, toàn tỉnh chi trên 244 tỷ đồng cho gần 70.000 đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; xét duyệt và đề nghị 101 hồ sơ thương binh, đã giám định và có quyết định hưởng chế độ 47 trường hợp; tổ chức tìm kiếm, cất bốc, quy tập 21 mộ liệt sĩ; xây tặng 72 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội với số tiền 7,2 tỷ đồng. Lực lượng vũ trang tỉnh tham gia làm hơn 30km đường bê tông, nâng cấp, sửa chữa hàng trăm kilomet đường giao thông nông thôn; củng cố, cải tạo hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn; phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương giúp đỡ 88 xã về đích nông thôn mới... Tổng số tiền hỗ trợ trên 10 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện, bài học kinh nghiệm được rút ra cho chiến lược xây dựng nền QPTD trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn cách mạng mới đó là: Quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với các điều kiện cụ thể của địa phương. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị và vai trò làm tham mưu của cơ quan quân sự, công an cùng các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận lòng dân trong khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; tuyên truyền trong nhân dân nhằm giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng nền QPTD. Coi trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ làm nòng cốt trong xây dựng nền QPTD.

Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của nhân dân. Phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất cho các chương trình, dự án, nhất là các dự án lưỡng dụng gắn với xây dựng nền QPTD. Thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác dân vận và chính sách hậu phương quân đội, chính sách người có công; các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Kịp thời tuyên truyền, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong xây dựng nền QPTD trong giai đoạn cách mạng mới.