Rời quân ngũ, trở về đời sống thường nhật với những lo toan và mưu sinh, nhiều CCB, cựu quân nhân đã luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, trở thành những “chiến sĩ” tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế. Không chỉ nỗ lực vượt khó làm giàu cho bản thân, họ còn có nhiều đóng góp quan trọng cho cộng đồng.
Trong nghịch cảnh vẫn vươn lên bằng ý chí
Nói về hoàn cảnh éo le, có lẽ ít ai có thể so sánh được với CCB Nguyễn Trọng Hợp, ở xóm Tân Mỹ 1, xã Tân Quang (T.P Sông Công). Vết thương trong một trận đánh ở chiến trường miền Nam khiến ông phải khoét bỏ một bên mắt và xuất ngũ về quê năm 1973. Lập gia đình rồi chuyển từ Đan Phượng (Hà Nội) lên Thái Nguyên lập nghiệp, 4 người con của ông lần lượt ra đời và lớn lên trong niềm vui giản dị. Cuộc sống tưởng chừng sẽ mãn nguyện, nhưng không ngờ tai họa ập đến. Vì di chứng của chất độc da cam nên các con ông Hợp cứ yếu dần, chân tay co quắp lại, muốn di chuyển phải lê dịch từng chút một. Tiền thuốc men và thời gian đưa con đi chạy chữa khắp nơi khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Cách đây gần chục năm, vợ ông qua đời sau quãng thời gian dài chống chọi với căn bệnh sỏi gan.
Không đầu hàng trước hoàn cảnh, một mình ông Hợp vừa chăm con, vừa dốc sức cải tạo vườn bãi để phát triển kinh tế. Ruộng cấy lúa một mẫu, vườn diện tích 15.000m2 được cải tạo để trồng gần 100 cây bưởi Diễn, hơn sào đất còn lại trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Ngoài ra, ông còn đào ao thả cá, nuôi 2 con trâu sinh sản, thêm mấy con lợn nái và hàng trăm con gà. Tham khảo thông tin, kỹ thuật từ sách báo và truyền hình, ông Hợp mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nên đạt hiệu quả cao. Dù có thời điểm mất mùa, đàn gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh chết nhưng ông không nản chí. Những trái ngọt đầu tiên cho thu hoạch và ngày một nhiều thêm. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Dù hoàn cảnh có không ít thiệt thòi nhưng nhiều CCB, trong đó có cả thương bệnh binh vẫn vững ý chí, là tấm gương sáng vươn lên phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Hải Khánh, ở xóm Cũ, xã Nga My (Phú Bình) là một trong những điển hình như vậy. Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng nhìn ông vẫn rắn rỏi say mê với công việc nhà nông. Trên diện tích 3.000m2 đất, ông Khánh trồng kết hợp các loại cây ăn quả và nuôi ong lấy mật, cho thu lãi mỗi năm trên 100 triệu đồng. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông luôn cười hào sảng và thể hiện niềm lạc quan. Ông bảo: “Quy mô gia trại thế này mới là bước khởi đầu, tôi muốn mở rộng và trồng thêm một số cây ăn quả có giá trị nữa. Phần đất còn để trống sẽ thuê máy múc đất lên làm ao nuôi cá, còn lại để chăn nuôi gà thả vườn”. Không chỉ nỗ lực vươn lên, ông Khánh còn thường xuyên giúp đỡ bà con lối xóm cây, con giống và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Có một chi tiết mà mãi về sau chúng tôi mới biết, đó là hoàn cảnh của gia đình ông Khánh tương đối đặc biệt. Người con trai duy nhất lại bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Giọng ông đượm buồn: Tôi có 7 người con, 6 đứa con gái đều bình thường và đã lập gia đình, duy chỉ cậu út năm nay gần 30 tuổi thì khiếm khuyết, việc vệ sinh cá nhân thôi cũng không tự làm được”.
Tận tâm với cộng đồng
Thực hiện phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, trong giai đoạn 2014-2019, đã có 4.718 gia đình CCB hiến hơn 500 nghìn m2 đất; ủng hộ số tiền 24,7 tỷ đồng và tham gia 157.247 ngày công lao động để thực hiện các công trình hạ tầng nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới. |
Đóng góp vào sự phát triển chung của mỗi địa phương có vai trò rất lớn của hội viên CCB. Không chỉ là nòng cốt trong hệ thống chính trị ở cơ sở, tích cực phát triển kinh tế, mà những người lính, cựu quân nhân còn có tấm lòng nhân ái, tận tâm với cộng đồng. Ông Đào Quang Quân, Chánh Văn phòng Hội CCB tỉnh chia sẻ: Kể về tấm gương CCB gương mẫu thì rất nhiều. Tiêu biểu như: Ông Nguyễn Văn Hòa, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) ủng hộ đến 130 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới. Tại huyện Đại Từ có ông Nguyễn Văn Tình, xóm Đầm Gành, xã Mỹ Yên hiến 3.000m2 đất; ông Trần Ngọc Bé, ở xã Quân Chu hiến 2.350m2 để làm đường giao thông. Đặc biệt, ở xã Phương Giao (Võ Nhai) có 19 hội viên gương mẫu đi đầu hiến đất để làm đường trục xóm…
Ở xã Thành Công, T.X Phổ Yên, nhiều người biết và kính trọng CCB Nguyễn Đình Nguyên không đơn thuần bởi ông là một doanh nhân thành đạt, mà quan trọng hơn là tấm lòng chia sẻ với cộng đồng. Khởi đầu bằng một doanh nghiệp xây dựng nhỏ, năm 2009, ông phát triển cơ sở của mình thành Công ty TNHH xây dựng Đại Dương chuyên san lấp mặt bằng, sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét, sản xuất đồ gỗ và buôn bán kim loại. Doanh nghiệp tạo việc làm ổn định cho 60 lao động, trong đó 70% là con em hội viên CCB. Năm 2015, ông Nguyên ủng hộ 200 triệu đồng để thi công tuyến đường xóm Thượng Vụ và An Thịnh, xã Thành Công; năm 2018 tiếp tục hỗ trợ 200 triệu đồng cho Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã. Ngoài ra, ông còn thường xuyên giúp đỡ trẻ em nghèo, hộ nghèo và gia đình chính sách hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vẫn phong cách giản dị của một người lính, ông nói: “Tôi vốn xuất thân từ nông dân, đi bộ đội may mắn được lành lặn trở về địa phương làm ăn kinh tế. Giờ có chút thành công nhất định nên mong muốn đóng góp phần nào cho quê hương mình đổi mới. Còn với mọi người, mình giúp đỡ được phần nào thì sẽ hết sức làm, tự tâm mình cảm thấy thanh thản”.
Cùng chung suy nghĩ, doanh nhân CCB Lê Văn Ân, ở phường Phố Cò (T.P Sông Công) đã nhận chăm sóc, hỗ trợ thường xuyên 2 cháu bé mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn (số tiền mỗi cháu là 1 triệu đồng/tháng); đóng góp 40 triệu đồng làm đường và hàng trăm triệu đồng ủng hộ xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. CCB Phạm Tiến Đạt, ở xóm Nam Tân, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) thường xuyên giúp đỡ 15-20 gia đình về vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế; chia sẻ, giúp đỡ kinh nghiệm về trồng, chăm sóc và chế biến chè. Là chủ cơ sở sản xuất chè Hảo Đạt, ông đã trực tiếp giúp 4 gia đình thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống khấm khá. Ông Nguyễn Đình Tuấn, ở xã vùng cao Linh Thông (Định Hóa) là chủ doanh nghiệp vận tải cũng giúp 7 lao động thuộc diện hộ nghèo có việc làm ổn định; hỗ trợ giống, vốn và kỹ thuật cho nhiều gia đình khó khăn khác. Lời tâm sự của ông Tuấn như nói thay rất nhiều người: “Chúng tôi là những người lính, nên dù ở môi trường nào, hoàn cảnh nào cũng luôn ý thức phải phấn đấu, giữ vững và phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ…”