Điểm sáng trong công tác tuyển quân

11:43, 25/11/2019

"Là địa phương có nhiều công ty, nhà máy đóng chân trên địa bàn, thu hút nhiều lao động nam tham gia làm việc, song xã Điềm Thụy (Phú Bình) luôn là đơn vị có truyền thống làm tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. liên tục các năm  Điềm Thụy luôn đạt và vượt chỉ tiêu tuyển quân, với số thanh niên tình nguyện viết đơn nhập ngũ cao nhất huyện”. - Đó là nhận xét của Thượng tá Nguyễn Văn lành, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Bình.

Có mặt tại buổi khám tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2020 tại huyện của đơn vị Điềm Thụy, ngay từ đầu giờ sáng, số thanh niên có lệnh khám tuyển đã có mặt đông đủ, ngay ngắn xếp hàng chờ đến lượt khám. Ông Dương Xuân Vinh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Điềm Thụy cho biết: Nhiều năm nay, công tác khám sơ tuyển tại xã và khám tại huyện của xã Điềm Thụy được thực hiện nhanh gọn, vượt chỉ tiêu về số lượng, chất lượng. Năm 2020, để thực hiện chỉ tiêu tuyển chọn 20 công dân nhập ngũ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (HĐNVQS) xã đã phát lệnh gọi 122 công dân khám sơ tuyển, qua đó lựa chọn 59 công dân tham gia khám tại huyện (vượt 9 chỉ tiêu), qua khám đã có 33 công dân đủ điều kiện sức khỏe nhập ngũ. 

Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến nay, xã Điềm Thụy có 90 công dân lên đường nhập ngũ. Hàng năm, địa phương luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu tuyển quân, với chất lượng công dân nhập ngũ cao hơn so với mặt bằng chung các địa phương khác. Vì thế trong các năm 2015, 2016 và 2018, Điềm Thụy đều bù đổi quân cho các địa phương khác với 5 công dân. Riêng năm 2019, địa phương được giao chỉ tiêu 17 công dân nhập ngũ, nhưng xã đã đạt 18 chỉ tiêu (có 1 công dân xin được nhập ngũ ở thời điểm cuối).

Một trong những yếu tố để xã Điềm Thụy trở thành điểm sáng trong công tác tuyển quân của huyện Phú Bình chính là người dân nói chung và nam công dân nói riêng  đã nâng cao nhận thức về Luật Nghĩa vụ quân sự. Theo đó, HĐNVQS xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, ngay từ khi lập danh sách sơ tuyển đã thực hiện ngay công tác động viên tư tưởng, để công dân xác định trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ quân sự với Tổ quốc. Công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, không chỉ riêng của Ban Chỉ huy Quân sự xã mà của cả hệ thống chính trị. Theo đó, các đồng chí thành viên HĐNVQS xã phải nắm chắc số lượng, chất lượng của từng công dân nhập ngũ, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, Ban Công tác Mặt trận vận động gia đình, người thân và bản thân thanh niên hiểu và tự giác chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự. Chính từ việc hiểu và nghiêm túc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, nhiều gia đình ở Điềm Thụy đã “giải cứu” được con em mình thoát khỏi cạm bẫy của xã hội khi tham gia nhập ngũ. 

“Nếu như con trai tôi không đi bộ đội, chắc giờ này, tôi phải thăm nó ở trong tù”. - Đó là lời tâm sự của bà Dương Thị Sâm, xóm Thuần Pháp, mẹ đẻ của quân nhân Dương Tuấn Anh (sinh năm 1993). Theo bà Sâm, sau khi học xong lớp 12, con trai bà bị bạn bè rủ rê chơi bời, cờ bạc, cắm xe, dẫn đến nợ tín dụng đen trên 100 triệu đồng. Do không có tiền trả, cháu trốn nhà thường xuyên. Đang trong mối tơ vò không biết làm sao để cứu con mình thì gia đình được HĐNVQS xã, mà trực tiếp là ông Dương Xuân Vinh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã động viên cháu tham gia nghĩa vụ quân sự. “Ngay sau đó, gia đình tôi đã bán 1 sào ruộng, 3 con trâu để trả nợ cho con. Rất may, qua các vòng khám tuyển, cháu đều đạt yêu cầu nên đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2013. Điều đáng phấn khởi là  sau 2 năm rèn luyện trong môi trường quân đội, khi về nhà, cháu đã thay đổi hoàn toàn, chịu khó làm ăn, biết nghe lời mẹ. Đến nay, cháu đã lấy vợ, sinh con và giữa tháng 11 vừa qua cháu đã hoàn thành việc xây dựng được ngôi nhà mới. Gia đình tôi luôn biết ơn môi trường quân đội đã rèn luyện để cháu có được ngày hôm nay”. Bà Sâm phấn khởi cho biết.

Những minh chứng sống động về sự trưởng thành như Tuấn Anh khiến nhiều gia đình và thanh niên khác trong xã có thêm động lực, niềm tin để thực hiện trách nhiệm với Tổ quốc. Từ năm 2015 nay, xã Điềm Thụy có 92 thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ (riêng năm 2019, có 21 trường hợp), cao gấp 2 lần so với các đơn vị khác. 

Để có được kết quả này, trong quá trình tuyên truyền, vận động, HĐNVQS xã đã phổ biến đầy đủ tiêu chuẩn, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và gia đình của họ, như: Đảm bảo về quyền lợi bảo hiểm y tế đối với bố, mẹ, vợ và con (nếu có); cơ hội tham gia học các lớp sĩ quan và các trường đào tạo nghề của quân đội, giúp họ có cơ hội việc làm ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự… Chính từ việc tiếp nhận các thông tin như trên mà em Dương Văn Linh hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Thái Nguyên đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ năm 2020. Linh cho rằng: Em thấy việc tham gia nghĩa vụ quân sự không chỉ là thực hiện trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, mà còn là cơ hội để em được rèn luyện bản thân. Rất may qua khám tuyển em đã đủ điều kiện về sức khỏe. Em mong sẽ được phục vụ lâu dài trong quân đội.

Theo ông Dương Minh Soát, Chủ tịch HĐNVQS xã Điềm Thụy: Một yếu tố mà HĐNVQS xã Điềm Thụy luôn chú trọng trong công tác tuyển quân đó chính là tính dân chủ được tôn trọng, mọi người được biết, được tham gia, được giám sát. Theo đó, hàng năm, HĐNVQS xã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự xã làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, đặc biệt là quy trình, các bước tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Trước hết phải làm tốt công tác rà duyệt, đảm bảo tính dân chủ, công khai, đặc biệt là con em của cán bộ, đảng viên. Sau khi xây dựng được kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Với những kết quả đạt được, Ban Chỉ huy Quân sự xã Điềm Thụy đã được nhận Bằng khen của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vì có thành tích trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương giai đoạn 2013-2018 và nhiều Giấy khen của UBND huyện Phú Bình.