Từ T.P Thái Nguyên lên ATK Định Hóa, chúng tôi đi dưới cờ, hoa rực rỡ, khẩu hiệu tươi rói, một không khí tưng bừng phấn chấn hướng tới Ngày hội quốc phòng toàn dân và Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ấn tượng hơn cả là khung cảnh trên đường về Định Hoá, giữa biếc xanh của rừng cọ, đồi chè, sắc cờ, ánh sao, như hoa, như nụ, điểm tô cho núi rừng Việt Bắc. 70 năm đã trôi qua nhưng vẫn còn đây câu chuyện nghĩa tình quân dân thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Cụ Hà Thị Sâm, 94 tuổi, xóm Bảo Biên 2 (Bảo Linh) nhớ lại: Những năm đất nước kháng chiến, ở địa phương có rất nhiều đơn vị bộ đội đóng quân. Tình quân dân gắn bó, như “cá với nước”. Bộ đội giúp dân sản xuất, dân giúp bộ đội phòng gian bảo mật… Cụ Sâm là cán bộ tiền khởi nghĩa, tuy tuổi cao, nhưng cụ vẫn minh mẫn khi kể cho cháu con nghe về một thời mình đóng góp sức trẻ cho Tổ quốc. Đó là những năm đất nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), huyện Định Hoá của Thái Nguyên trở thành căn cứ địa cách mạng, là thủ đô kháng chiến. Vẫn còn đây đồi Đỏn Mỵ và đồi Khau Cuổi, thôn Bảo Biên, cây thị cổ hàng trăm tuổi đứng trầm mặc trước bao sự đổi thay của vùng đất dưới chân nó. Và tán rừng Đỏn Mỵ rợp bóng chứng kiến bao người trên mọi miền Tổ quốc đã về đây, tham quan ngôi nhà vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp từng ở và làm việc. Từ chân đồi, theo từng bậc đá xanh dẫn đến ngôi nhà Đại tướng, có hơi gió man mác lạnh, tán cọ bên nhà lấp lóa nắng, chợt như thấp thoáng bóng sơn nữ thầm kể chuyện 70 năm trước, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh đã đặt cơ quan, Sở Chỉ huy cơ bản. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ở và làm việc từ năm 1949 đến năm 1954.
Tất cả đã đi vào sử sách, trở thành niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Định Hóa. Và còn hiện hữu, trường tồn trên thủ đô gió ngàn là những di tích lịch sử. Trong ngôi nhà vách liếp đơn sơ, di tích nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Duy Nam, cán bộ Nhà trưng bày Bảo tàng ATK Định Hoá, người từng nhiều năm trông coi di tích này cho biết: Tại đây, cơ quan Bộ Tổng Tham mưu đã giúp Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh hoạch định và chỉ đạo thực hiện đường lối chủ trương, kế hoạch tác chiến và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng tại nơi đây, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã lên đường ra Chiến dịch Biên giới 1950... Từ lưng đồi Đỏn Mỵ, phóng mắt nhìn thấy mênh mang cánh đồng Bảo Biên, độ này lúa đã thu hoạch xong, còn lại là ruộng từng bậc, tựa phím đàn giữa đất trời lớn rộng. Để mỗi ngày nắng gió mang theo đời người là những mùa vụ, cùng lời thì thầm huyền sử về lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Thuở 9 năm kháng chiến, quân, dân cả nước làm nên một Điện Biên “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, Định Hoá trở thành đại bản doanh của lực lượng “Trung với Đảng, hiếu với dân…”. Đến bây giờ, các bậc cao niên của vùng đất Anh hùng Định Hoá còn nhớ như in những kỷ niệm xưa với bộ đội. Tháng 5-1945, thửa ruộng Nà Nhậu ở trước đình làng Quặng, xã Định Biên được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi hợp nhất 2 đội quân là: Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân, thành Việt Nam giải phóng quân. Ngay sau hợp nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Căn cứ địa Việt Bắc đã hình thành, lớn mạnh tạo thế và lực đấu tranh vũ trang tiến tới Tổng khởi nghĩa.
Ông Nguyễn Văn Nương, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hoá tự hào: Trong tổng số 124 di tích lịch sử ở Định Hóa, thì đồi Phong Tướng - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Lễ công bố và trao quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam là nơi đánh dấu quan trọng trong sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng ở thủ đô gió ngàn, các tờ báo - vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng ra đời, hoạt động tích cực, đó là các báo: Quân du kích, Cứu quốc quân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm việc tại các địa điểm như: Làng Vẹ, Đồng Đau, Làng Quặng, Khau Diều... Và ở xã Đồng Thịnh, vùng đất ghi dấu ấn lịch sử hào hùng về trận diễn tập thực binh, đánh “Tập đoàn cứ điểm” vào năm 1953.
Nhiều cựu chiến binh khi trở về thăm lại thủ đô gió ngàn, mắt rưng lệ. Thủ đô gió ngàn hôm nay đã khác nhiều, những nương chè chạy dài tới triền núi, những mùa vàng gối nhau cho no ấm tìm về. Bà Lộc Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hoá chia sẻ: Tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn lực thực hiện trên toàn huyện đạt gần 2.800 tỷ đồng, trong đó nhân dân hiến hơn 700.000m2 đất và đóng góp gần 150 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, như: Nhà văn hoá, giao thông, kênh mương nội đồng… Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Trở lại Di tích lịch sử kháng chiến ở đồi Đỏn Mỵ, ông Ma Khánh Tập, Chủ tịch UBND xã Bảo Linh cho biết: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cán bộ, nhân dân địa phương chúng tôi không ngừng phấn đấu, rèn luyện, khắc phục khó khăn để vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... Giây lát dừng lời, ông Tập thủ thỉ như lời rừng, lời núi: Kháng chiến thành công, các thế hệ thuộc lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam chưa bao giờ quên những ngày đất nước kháng chiến, vẫn hành hương về nguồn và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chia sẻ khó khăn với địa phương. Những năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tổng tham mưu đã đóng góp, ủng hộ địa phương hàng tỷ đồng để xây dựng tuyến đường từ Thanh Định vào Bảo Linh; xây tặng 1 nhà 2 tầng 8 phòng học cho nhà trường; xây tặng cho xã nhà văn hoá trung tâm; xây tặng nhà văn hoá cho nhân dân xóm Bảo Biên 1; 6 gia đình người có công được làm nhà tình nghĩa. Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, dù bận nhiều công việc, nhưng cán bộ, chiến sĩ Bộ Tổng tham mưu vẫn có quà mừng xuân mới cho các hộ gia đình chính sách, với giá trị vật chất không lớn, nhưng ân tình quân dân thêm sâu nặng, nồng thắm cùng thời gian.