Những ngày này, khi cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có một hoạt động rất ý nghĩa với chủ đề “Sức mạnh truyền thống, kiến tạo giá trị tương lai”. Chương trình có sự kết hợp giữa quân đội - bảo tàng - nhà trường nhằm đem lại cho học sinh, sinh viên những kiến thức, hiểu biết về lịch sử qua trải nghiệm, hoạt động theo nhóm.
Có mặt tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chúng tôi được chứng kiến những hoạt động trải nghiệm đầy hào hứng, sôi nổi, bổ ích của các em học sinh đến từ các trường trong và ngoài tỉnh. Sau khi tham gia tái hiện lại hoạt cảnh Hội nghị Bình Than (hội nghị quân sự do vua Trần Nhân Tông triệu tập vào năm 1282 để bàn cách chống giặc Nguyên Mông sang xâm lược), em Nguyễn Hoàng Quang Anh, lớp 7A3, Trường THCS Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) vui vẻ kể với chúng tôi: Được nhà trường tổ chức cho chúng em tham gia hoạt động trải nghiệm tại sự kiện này em mới biết ngày 22/12/1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy được thành lập. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam. Đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân QĐND Việt Nam dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, em càng tự hào về bố mình và mơ ước sau khi tốt nghiệp THPT em sẽ thi vào trường quân đội để được đóng góp sức mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Còn đối với Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Đồng Quang, tham gia hoạt động lần này em được hành quân tìm hiểu văn hóa dân tộc, trải nghiệm quy trình tuyển quân. Đặc biệt, sau một ngày trải nghiệm, các em được thực hành thiết kế trưng bày, sửa ảnh, in ảnh, viết text tổng hợp và chi tiết “1 ngày để nhớ” ngay tại bảo tàng với các nội dung lịch sử đã tham gia trưng bày, giới thiệu, thảo luận.
Không riêng đối với các em học sinh mà ngay những người trực tiếp làm công tác giảng dạy bộ môn Lịch sử cũng thu được nhiều kiến thức bổ ích. Cô giáo Hoàng Thị Hồng, giảng dạy môn Lịch sử, Trường THCS Đồng Quang chia sẻ cùng chúng tôi: Không gian trưng bày tại Bảo tàng được thể hiện theo 3 nhóm chủ đề chính, đó là: Giá trị truyền thống văn hóa dân tộc; 75 năm QĐND Việt Nam Anh hùng; thành tựu 30 năm xây dựng nền Quốc phòng toàn dân. Mỗi cụm chuyên đề tạo điều kiện cho học sinh được tham gia trải nghiệm, tái hiện nhiều sự kiện lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta như: Đọc, ngâm thơ chủ đề về đất nước, tái hiện Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng; trích đoạn chèo thuyền nhử địch vào bãi cọc Bạch Đằng; tái hiện ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12/1944. Tái hiện Đại hội Quốc dân Tân Trào, quyết định tổng khởi nghĩa, thông qua Quốc dân Đại hội, lấy lá cờ đỏ sao vàng là cờ Tổ quốc. Bản thân tôi cũng như các em học sinh rất xúc động khi được tham gia trải nghiệm lớp học bình dân học vụ (xóa giặc dốt), tiết kiệm giúp đỡ những người thiếu đói trong phong trào hũ gạo kháng chiến (diệt giặc đói). Qua đó cả thầy và trò càng hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc…
Để tổ chức được một hoạt động với quy mô lớn, ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc như thế này có công sức đóng góp rất lớn từ các lực lượng phối hợp. Trao đổi cùng chúng tôi, bà Bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Quân khu 1, thông báo của Thường trực Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các lữ đoàn, tiểu đoàn thuộc Quân khu 1, Sở Giáo dục & Đào tạo, Đại học Thái Nguyên và các nhóm nghệ nhân tổ chức hoạt động tuyên truyền với chủ đề “Sức mạnh truyền thống, kiến tạo giá trị tương lai”. Chương trình có 8 nội dung chính, trưng bày gần 1.000 ảnh tư liệu và 36 hoạt động trải nghiệm, tái hiện lịch sử, văn hóa dân tộc và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước theo dòng thời gian, từ thời kỳ Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh. Thông qua các trải nghiệm tái hiện lịch sử và làm việc theo nhóm, học sinh đến với chương trình được tham gia vào các hoạt động với sự hỗ trợ của các đơn vị bộ đội, giáo viên, cùng cán bộ của Bảo tàng. Việc này sẽ giúp học sinh hiểu nhanh, thẩm thấu sâu về lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông, qua đó, giúp các em hiểu rõ hơn về nền quốc phòng toàn dân. Trong quá trình chuẩn bị các nhóm chủ đề, các cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng phù hợp với từng lứa tuổi, lồng ghép giới thiệu văn hóa các dân tộc Việt Nam, chương trình trải nghiệm sẽ giúp học sinh nhận thức đúng và có cái nhìn xuyên suốt về chiều dài lịch sử nước nhà. Thời gian tổ chức hoạt động chia làm 3 đợt từ ngày 26-11 đến hết ngày 30/12/2019. Đến thời điểm này đã có hơn 7.000 học sinh, sinh viên, giáo viên tham gia các hoạt động trải nghiệm. Ngoài ra, đã có hơn 3.000 học sinh các trường trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia trải nghiệm từ nay đến hết ngày 30/12/2019.
Với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước, dữ liệu, con số, cột mốc lịch sử là vô cùng lớn. Việc chuyển tải nội dung về lịch sử theo cách học “chay” như vốn có khiến nhiều cán bộ, giáo viên trăn trở. Nhưng không chỉ có học sinh, mà phụ huynh khi đưa con đến bảo tàng cũng được nghe thuyết minh, chứng kiến các hoạt động của con em, chính họ cũng “ngấm” những kiến thức về lịch sử, văn hóa. Chương trình trải nghiệm này đã tạo ra hiệu ứng kép, các hoạt động trải nghiệm phù hợp với từng lứa tuổi giúp các em ghi nhớ lâu kiến thức lịch sử, văn hóa và tạo dấu ấn trong cuộc đời các em.