Vẫn sáng ngời chất lính đặc công

17:27, 06/12/2019

“Vào sinh ra tử”, 7 lần bị thương trong chiến trường, người cựu lính đặc công ấy được rèn chất “thép” nên với ông, mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống sau này đều là chuyện nhỏ. Tuổi cao, sức khỏe suy giảm theo năm tháng nhưng những phẩm chất đáng quý của anh “Bộ đội Cụ Hồ” trong ông ngày càng tỏa sáng.  

Sau vài lần gọi điện đặt lịch hẹn gặp ông - Đại tá, cựu lính đặc công Nguyễn Thế Thịnh, thấy ông liên tục báo bận, tôi tự hỏi: Một thương binh 2/4, nạn nhân chất độc da cam, sĩ quan cao cấp đã nghỉ hưu hơn 10 năm mà bận đến vậy? khi gặp, tôi thấy ông bận thật vì luôn phải xoay như chong chóng với việc xóm làng, tham gia hòa giải xích mích, đứng ra tổ chức giúp dân việc hiếu, hỷ, thăm đồng đội đau yếu… Ngoài cương vị Trưởng xóm Hưng Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), ông còn là lãnh đạo của nhiều tổ chức hội vì “anh em tín nhiệm, không cho nghỉ”. 

7 lần bị thương, tự tay chôn cất 49 đồng đội

Năm 1970, 18 tuổi, khi đang học lớp 10 Trường THPT Lạng giang (Bắc giang), thanh niên Nguyễn Thế Thịnh xếp bút nghiên, viết đơn tình nguyện nhập ngũ rồi được biên chế vào một đơn vị bộ đội đặc công. Để trở thành lính đặc công phải có lý lịch “sạch”, sức khỏe tốt và quan trọng là cần ý chí, nghị lực phi thường. Ông kể: Đêm 28 Tết năm đầu tiên trong quân ngũ, trời rét như cắt da thịt, đơn vị tôi bơi qua ao, đào công sự trong đêm tối. Vất vả, gian khổ khó mà kể hết. Huấn luyện xong, đơn vị được lệnh hành quân vào Nam khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn rất quyết liệt. Hơn 6 tháng đi bộ ròng rã xẻ dọc Trường Sơn với ba lô nặng trĩu trên vai và nhiều mối nguy hiểm rình rập là thử thách rất lớn với người lính. ý chí, nghị lực của chúng tôi được bồi đắp, rèn giũa trong môi trường như thế.

Ông hồi tưởng và chậm rãi kể lại những trận đánh tiêu biểu của đơn vị mình ở mặt trận Quảng Đà (tỉnh Quảng Nam và T.P Đà Nẵng ngày nay). Những trận đánh ấy dù lớn hay nhỏ, thắng hay bại đều thấm đẫm mồ hôi, máu của ông và các đồng đội. Đó là trận chiếm điểm cao căn cứ Núi Lở với chiến thuật “thọc sâu, đánh từ trong đánh ra”, cũng là trận ông dính lựu đạn và bị thương lần đầu. Sau trận thắng này, vì có thành tích đặc biệt nên ông được kết nạp Đảng. Lớn hơn là trận tập kích căn cứ Thượng Đức án ngữ Đà Nẵng, đơn vị ông “quần nhau với giặc” liên tục hơn 3 tháng trời và giành chiến thắng quan trọng. Trận ấy, ông là Đại đội phó trực tiếp chỉ huy một mũi quân tiên phong gồm 9 người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng 2 người hy sinh, 3 người bị thương trong đó có ông. Trận đánh cuối cùng ông tham gia là sát ngày giải phóng Đà Nẵng (cuối tháng 31975), đơn vị bị thương vong lớn, bản thân ông bị thương lần thứ 7, cũng là lần nặng nhất nên được chuyển ra Bắc… 

Bản lĩnh, kiên cường, ý chí sắt đá, mưu trí, dũng cảm, chấp nhận hy sinh, đánh hiểm - thắng lớn… là những gì được ông dùng để phác họa về người lính đặc công. Ông bùi ngùi nhớ lại: Có những trận đánh biết trước tính cam go, rất ác liệt, chúng tôi xác định không có ngày về. Mỗi người quấn một dải băng đỏ trên tay để làm lễ truy điệu sống, vậy nhưng ai nấy đều hừng hực khí thế xung phong ra trận. Đau xót nhất là khi chứng kiến đồng đội nằm xuống, nhiều người hy sinh thân thể không nguyên vẹn. Chúng tôi nhường quần áo của mình để khâm liệm cho anh em. Tôi đã trực tiếp chôn cất 49 đồng đội nơi chiến trường… Nói đến đây, ông tạm ngừng câu chuyện, nén lòng lại và hướng mắt lên ban thờ tưởng nhớ những đồng đội thân thương.

"Người dân cho tôi một chữ tình"

Cuộc đời cựu lính đặc công Nguyễn Thế Thịnh gắn với binh nghiệp. Sau khi lập nhiều thành tích trong chiến đấu, 7 lần bị thương, trong đầu và cuống phổi còn “mang” 3 mảnh đạn, theo giám định thương tật, ông đủ điều kiện hưởng chế độ thương binh 1/4 và được nghỉ nhưng đã xin nhận loại 2/4 để tiếp tục công tác. Năm 2008, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá sau khi trải qua nhiều chức vụ sĩ quan chính trị tại các đơn vị thuộc Quân khu 1. Bằng ấy năm công tác là bằng ấy thời gian ông biền biệt xa nhà, hết lòng vì việc nước.

Được nghỉ hưu, đúng ra sẽ an nhàn theo lẽ thường nhưng ông lại dốc tâm vào công tác xã hội với những chức vụ: Trưởng Ban Liên lạc cựu bộ đội đặc công huyện Đồng Hỷ; Phó Ban Liên lạc cựu bộ đội đặc công tỉnh; Phó Ban Liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 338; Trưởng Ban Liên lạc Trường Binh chủng Quân khu 1; Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trung cao cấp huyện Đồng Hỷ; Trưởng xóm kiêm Trưởng Ban hòa giải và Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Hưng Thái. Trừ chức Trưởng xóm, các việc còn lại đều không có chế độ nên ông phải bỏ tiền túi ra hoạt động. Ví như Ban Liên lạc cựu bộ đội đặc công huyện hiện có 56 thành viên, ông quan tâm đến tất cả mọi người, thường xuyên thăm hỏi những người ốm đau, nhất là 2 đồng đội bị ốm nặng do di chứng của chất độc da cam; cùng với một số thành viên có điều kiện trong Ban Liên lạc giúp đỡ vật chất cho những đồng đội khó khăn bằng cách hỗ trợ tiền hoặc cho vay không lãi, cưu mang, tìm việc làm cho con cháu họ. Ông Ngô gia Đôi, một thành viên Ban Liên lạc nói: Anh Thịnh là tấm gương cho chúng tôi, mọi người đều quý trọng và cảm phục tấm lòng của anh ấy! 

Khoảng 70% quỹ thời gian được ông Nguyễn Thế Thịnh dành cho việc xóm. Hưng Thái có khoảng 400 hộ dân và gần 1.500 nhân khẩu vậy mà ông thuộc hoàn cảnh của từng nhà. Bận đến mấy, ông cũng dành thời gian đều đặn đến thăm hỏi, động viên những người có gia cảnh đặc biệt, người già yếu hoặc có bệnh tật. Mọi việc bà con cần tới, ông không nề hà, từ đứng ra tổ chức đám cưới, đám tang, khâm niệm, “sang cát” cho người quá cố đến hóa giải các loại xích mích… mọi người cũng đều tin tưởng nhờ ông. Mới đây, ông đi khám, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 91 yêu cầu phải nằm viện điều trị, ông chấp hành nhưng thường xuyên “trốn” về để giải quyết việc xóm.

Ông tâm sự: Có lúc tôi không dám ốm vì quá nhiều việc. Người dân đã tín nhiệm, mình phải làm hết trách nhiệm bằng cái tâm. không gì hạnh phúc hơn khi được dân tin và họ đã cho tôi một chữ tình.

Ông Nguyễn Thế Thịnh được bầu làm Trưởng xóm Hưng Thái năm 2015, thời điểm người dân xóm này đang mất niềm tin đến mức tẩy chay phần lớn đội ngũ cán bộ vì điều hành không phù hợp và có một số vấn đề thiếu minh bạch. Ông nhận chức cũng là nhận việc rất khó, đầu tiên là cùng với đội ngũ của mình lấy lại niềm tin của dân bằng sự công khai minh bạch, bằng những việc làm có lợi nhất cho dân. Ông đề xuất phương án và tổ chức xây nhà văn hóa xóm khang trang, rộng rãi đúng tâm nguyện của dân nhưng tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng so với kế hoạch ban đầu; huy động nhân dân hiến đất, đối ứng bê tông hóa 100% đường xóm, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng gần như toàn bộ các tuyến đường trong xóm; nâng cấp nghĩa trang xóm trị giá 400 triệu đồng, đối ứng 130 triệu đồng xây dựng kênh mương… Việc gì ông cũng gương mẫu nên được nhân dân đồng thuận, ủng hộ cao. Ở nhiều lĩnh vực, phong trào khác, xóm Hưng Thái cũng luôn đi đầu và là điển hình không chỉ của xã Hóa Thượng mà cả huyện Đồng Hỷ. Việc gì ông Thịnh cũng gương mẫu nên được nhân dân đồng thuận, ủng hộ cao. Ở nhiều lĩnh vực, phong trào, xóm Hưng Thái luôn đi đầu và là điển hình không chỉ của xã Hóa Thượng mà cả huyện Đồng Hỷ.

Bà Lê Thị Vui, một người dân xóm Hưng Thái bộc bạch: “Từ lúc ông Thịnh làm Trưởng xóm, Hưng Thái thay đổi rất nhiều, giống như cuộc cải cách với xóm vậy…” Còn ông Lê An Thanh, Phó Bí thư Chi bộ Hưng Thái nói: Anh Thịnh là một trưởng xóm nhiệt tình, trách nhiệm và được lòng dân!

Sức khỏe suy giảm theo năm tháng, các vết thương liên tục hành hạ nhưng nhiệt huyết và trách nhiệm với cộng đồng của người cựu lính đặc công Nguyễn Thế Thịnh không hề giảm. Phần lớn thời gian ông dành cho công tác xã hội, còn lại vui vầy với gia đình và vẫn tranh thủ bán tạp hóa, sửa chữa xe đạp để thêm thu nhập. Tính cách ông giản dị, điềm tĩnh và ở ông vẫn luôn có chất “thép” của người lính đặc công từng vào sinh ra tử trong chiến trường.