Làm theo mệnh lệnh và trái tim

16:51, 30/04/2020

Đó là những thanh niên xung phong một thời “vào sinh, ra tử” gan dạ, kiên cường chiến đấu dưới làn bom đạn trên mảnh đất Thái Nguyên. Tuổi trẻ nhiệt huyết, ý chí quyết chiến, quyết thắng mọi gian khổ và được tôi luyện qua chiến đấu đã tạo động lực cho họ lập nên chiến công mới trên mặt trận lao động, sản xuất.

Sau khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, năm 1973, Đại đội Thanh niên xung phong 912 hoàn thành nhiệm vụ san lấp hố bom (khu vực xã Nam Hòa, Hóa Thượng, Linh Sơn - huyện Đồng Hỷ) thì được chuyển sang làm nhiệm vụ mới là tham gia xây dựng Khu Gang thép. Hơn 100 đội viên được sắp xếp lại để làm việc tại các đội công nhân xây dựng, tái thiết các công trình nhà xưởng Khu Gang thép. Bước ra từ chiến trường đầy bom đạn, các anh, các chị vẫn giữ nguyên tác phong, hiệu lệnh chiến đấu để thực thi nhiệm vụ bảo đảm đúng kế hoạch.

Với ý chí vượt mọi gian nan giành chiến thắng “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, truyền thống dũng cảm kiên cường của thanh niên xung phong lại tiếp tục được phát huy cao độ ngay từ những ngày đầu bắt tay tham gia xây dựng Khu Gang thép. Chính vì những nỗ lực đó, một tổ đội đã được suy tôn Tổ lao động Xã hội chủ nghĩa và vinh dự được lựa chọn tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người tham gia phụ trách Tổ lao động ấy là cựu đội viên Đại đội Thanh niên xung phong 912 và là “cậu út” của Đại đội ngày còn tham gia lấp hố bom, mở tuyến thông xe ra chiến trường. “Cậu út” là cách gọi trìu mến của các anh chị lớn tuổi trong cùng Đại đội dành cho cựu thanh niên xung phong Nguyễn Minh Lương, sinh năm 1956, nay trú tại tổ dân phố Tân Dương, phường Bách Quang, T.P Sông Công.

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Minh Lương đã dành trên 200m2 đất gia đình để xây dựng ngôi nhà điểm hẹn Ban liên lạc Hội Cựu thanh niên xung phong, hàng năm đón tiếp hàng trăm lượt đồng đội đến giao lưu.

Ông Lương tình nguyện tham gia thanh niên xung phong từ khi mới bước qua tuổi 16. Ông nhớ lại: “Ngày đó, ở các làng quê Phú Bình, bao nhiêu thanh niên nô nức lên đường ra trận đánh giặc. Sinh hoạt Đoàn cùng các anh, chị mà thấy lạc lõng, nên đã khai tăng tuổi để được ra trận. Ý chí quyết tâm đi đánh giặc đã vượt qua tất cả để rồi gia nhập Thanh niên xung phong. Không trực tiếp đánh giặc, nhưng những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu ngay tại trận địa bom Mỹ ném xuống Phú Bình, Đồng Hỷ, Lưu Xá thật hào hùng đã tôi luyện cho tôi ý chí chiến đấu và quyết thắng… Tôi cùng 30 đội viên là công nhân công trường Gang thép về Thủ đô Hà Nội nhận nhiệm vụ. Vừa làm, vừa học, đa số anh em đều làm cơ khí, làm sắt chịu lực… Đầu năm 1975, tôi vinh dự được chọn thi công hạng mục gá lắp cố định tay vịn cầu thang (lên-xuống) cùng một vài thợ bậc cao ngay bên trong lăng. Do vật liệu đúc sẵn và là kim loại đặc biệt, nên đòi hỏi thợ phải khéo léo, định vị chính xác, cố định chắc chắn. Cả nhóm tranh thủ ngày thi công, tối đọc tài liệu, thậm chí trắng đêm tại công trình… Kết quả sau 2 tuần, chúng tôi hoàn thanh nhiệm vụ và cũng đúng vào dịp 30/4-1/5/1975. Trong niềm vui riêng hòa với niềm vui của dân tộc, chúng tôi vinh dự hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn và được biểu dương. Nhưng với chúng tôi điều quan trọng chính là không phụ lòng tin cấp trên giao phó và đã đóng góp công sức bé nhỏ của mình cho công trình Lăng Bác Hồ.

Còn tại công trường Khu Gang thép với bao bộn bề công việc tái thiết sau những gì bom giặc tàn phá, bà Vi Thị Cúc (trú tại tổ dân phố số 1, phường Đồng Bẩm, T.P Thái Nguyên), cựu Đại đội trưởng - Đại đội Thanh niên xung phong 912 nhớ lại: “Ngày 30/4/1975, cả đội đang lấm lem bùn đất dựng nhà cho công nhân, nhận tin thắng trận miền Nam, giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước, tất cả ùa vào ôm chặt lấy nhau mừng vui trong nước mắt và nụ cười chiến thắng. Ngay tối hôm đó, chúng tôi tổ chức mít tinh và phát động đợt thi đua cao điểm mừng chiến thắng thống nhất đất nước và hưởng ứng Quốc tế Lao động (1-5). Hàng trăm người gồm các cựu đội viên và công nhân đồng lòng hô vang khẩu hiệu “Quyết chiến, quyết thắng!” như tinh thần trước khi ra trận”. Hơn 60 ngày, đêm làm việc liên tục trong khí thế hân hoan chiến thắng, gần 300m2 nhà đã được dựng lên, về đích trước kế hoạch giao. Tin vui nhanh chóng được lan tỏa khắp công trường khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tặng Bằng khen cho Đội xây dựng số 3 do bà Vi Thị Cúc làm Đội trưởng.

Chia sẻ với chúng tôi về thành tích đặc biệt này, bà Cúc cho biết: "Dù bất cứ hoàn cảnh làm việc nào cũng phải biết dùng người. Mỗi người đều có những kỹ năng lao động đặc biệt, bên cạnh việc phát động, bình xét thi đua chính xác, thì phải biết tổ chức thực hiện và phân công đúng người, đúng sở trường thì việc sẽ thành công. Làm xây dựng cũng như khi ra trận, không phải ai cũng tháo được kíp bom và không phải ai cũng bắn súng giỏi. Những lúc như vậy, chỉ có những con người có năng lực đặc biệt mới làm được, mà người chỉ huy phải biết sử dụng họ đúng lúc, đúng chỗ. Trong cuộc sống cũng vậy, với chúng tôi cả cuộc đời gần như là chiến sĩ. Mọi hành động đều theo mệnh lệnh và trái tim sẽ mách bảo làm thế nào để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó cũng là lẽ sống!”.