Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975 là một trong hai sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX. Chỉ trong 57 ngày đêm (4-3 đến 30-4) tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã đập tan đội quân tay sai Mỹ, đánh đổ chính quyền Ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thắng lợi to lớn này đã khép lại một giai đoạn lịch sử chia cắt đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân dân Việt Nam: Dân tộc được độc lập, Tổ quốc được thống nhất, hòa bình, trường tồn và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, khát vọng độc lập luôn luôn gắn liền ý chí thống nhất toàn vẹn của quốc gia, dân tộc. Từ kỷ nguyên dựng nước mấy ngàn năm trước đã diễn ra sự hợp nhất, thống nhất giữa Văn Lang và Âu Việt thành quốc gia Âu Lạc năm 208 trước công nguyên. Trong suốt thời đại phong kiến độc lập từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX cũng đã đôi lần diễn ra cát cứ, chia cắt lãnh thổ. Đó là nạn cát cứ 12 sứ quân thế kỷ X và Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp xong nạn 12 thế lực cát cứ, củng cố vững chắc nền độc lập và thống nhất của quốc gia Đại Cồ Việt. Sự phân chia chính quyền Lê - Trịnh ở đàng ngoài và chính quyền chúa Nguyễn ở đàng trong kéo dài từ cuối thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII và với vai trò của Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thắng Kỷ Dậu 1789 đã bảo toàn nền độc lập và thống nhất của quốc gia Đại Việt. Độc lập và thống nhất quốc gia là xu thế khách quan của lịch sử dân tộc.
Ngày 1/9/1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và với Hiệp ước J.Patenôtre (6/6/1884) Việt Nam chính thức trở thành thuộc địa của Pháp. Thực dân Pháp thực hiện chính sách chia để trị với những chính sách khác nhau ở Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh lãnh đạo thắng lợi đã mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất của nước Việt Nam. Nhưng ngày 23/9/1945, Thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam hòng xóa bỏ nền độc lập và chính quyền cách mạng non trẻ, sử dụng thế lực tay sai để lập ra các xứ tự trị, mưu toan tách Nam Bộ ra khỏi nước Việt Nam.
Với âm mưu chia cắt Việt Nam, ngày 13/6/1949, Pháp đưa Bảo Đại về Sài Gòn làm quốc trưởng chính quyền bù nhìn, tay sai Pháp và ngày 1/7/1949, Bảo Đại tuyên bố thành lập “quốc gia Việt Nam”, hòng cướp nước ta một lần nữa, Pháp đẩy dân tộc ta vào một cuộc chiến mới: Kháng chiến chống Pháp. 9 năm trường kỳ, quan và dân ta đã kết thúc cuộc chiến bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954). Sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc ta, Hiệp định Geneve được ký kết (21/7/1954) trong đó các nước lớn cam kết: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia; hai miền sẽ hiệp thương tổng tuyển cử và thống nhất đất nước Việt Nam vào tháng 7-1956. Song, Hiệp định Geneve không được thực thi như cam kết, các nước lớn đã “nuốt lời”, Đế quốc Mỹ đã từng bước thay thế thực dân Pháp ở miền Nam Việt Nam, đất nước ta lại một lần nữa bị chia cắt làm hai niền nam - bắc. Tháng 6-1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về nước giữ chức Thủ tướng trong chính quyền Bảo Đại. Ngày 4/3/1956, Ngô Đình Diệm tổ chức bầu cử riêng rẽ ở miền Nam, lập Quốc hội và thông qua Hiến pháp. Ngày 28/4/1956, quân Pháp rút khỏi miền Nam Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm đứng đầu với sự giật dây của Mỹ đã cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước và thực hiện chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong tình hình này, Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao lập trường hòa bình, kiên trì đấu tranh theo tinh thần của Hiệp định Geneve 1954 để đi đến hiệp thương tổng tuyển cử hòa bình thống nhất Tổ quốc. Song lập trường đó đã không được Mỹ và chính quyền Sài Gòn đáp lại. Họ không chỉ những phá hoại có hệ thống Hiệp định Geneve, mà còn thẳng tay đàn áp nhân dân yêu nước ở miền Nam với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” tàn bạo. Không còn con đường nào khác, nhân dân toàn miền Nam phải đứng lên đấu tranh bảo vệ quyền sống và cũng là thực hiện khát vọng độc lập, thống nhất đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Nam đoàn kết trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã kiên cường tiến hành chiến tranh cách mạng, làm thất bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ (1961-1965). Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã đưa quân đội viễn chinh vào miền Nam từ 8/3/1965 phát động cuộc chiến tranh cục bộ; đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Trong lời kêu gọi cả nước chống Mỹ cứu nước ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chỉ Minh khẳng định ý chí: “Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Với cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Việt Nam trên toàn chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris từ ngày 13/5/1968. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra trong cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Mỹ vẫn ngoan cố đẩy mạnh chiến tranh với lực lượng chủ yếu là quân ngụy Sài Gòn với sự yểm trợ của Mỹ. Những trận chiến ác liệt diễn ra ở Đường 9 - Nam Lào 1971, và Xuân Hè 1972, thành cổ Quảng Trị và Mỹ dùng B52 ném bom hủy diệt Hà Nội cuối năm 1972, quân dân cả nước đã giành chiến thắng, buộc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
Khi mở cuộc đàm phán ở Paris, mục tiêu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất rõ ràng là buộc Mỹ phải rút hết quân về nước và công nhận, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sau Hiệp định Paris, quân Mỹ đã rút hết về nước ngày 29/3/1973.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho chính quyền và quân đội Sài Gòn. Phía chính quyền Sài Gòn liên tiếp vi phạm hiệp định, cho quân đội lấn chiếm cùng giải phóng do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - một bên ký Hiệp định - kiểm soát. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích và nêu rõ:
Con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Để giành thắng lợi hoàn toàn, phải tăng cường phát triển thực lực cách mạng. Chú trọng phát triển thực lực tại chỗ đồng thời tăng cường sự chi viện của hậu phương miền Bắc về mọi mặt. Ý chí và quyết tâm giành độc lập, thống nhất là nội dung quan trọng trong lãnh đạo tư tưởng và đó cũng là nguồn sức mạnh to lớn. Tháng 11-1973, Hội đồng Chính phủ phê duyệt hệ thống vận tải chiến lược Đông Trường Sơn để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Hơn 30.000 cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong được điều động cho tuyến vận tải quan trọng này. Trong 2 năm (1973-1974), miền Bắc đã đưa vào chiến trường miền Nam 263.691 cán bộ, chiến sĩ. Gần nửa triệu thanh niên nhập ngũ từ năm 1973 đến năm 1975.
Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ Thành phố Đà Nẵng ngày 19/3/1975.
Cuối năm 1974, thế và lực ở miền Nam đã rất mạnh, thời cơ chiến lược đã có, bởi thế, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Thời cơ đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ, không ai kịp trở tay. Chúng ta đã nhất trí cần thiết phải làm và nhất định làm được”.
Với chiến thắng giải phóng Phước Long (6/1/1975) của quân giải phóng cho thấy thế và lực của ta ngày càng mạnh lên, quân Ngụy ngày càng suy yếu và Mỹ khó có khả năng quay trở lại. Ngày 7/1/1975, Bộ Chính trị có kết luận đợt hai Hội nghị Bộ Chính trị với quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975 hoặc năm 1976.
Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, ngày 10/3/1975, với đòn tiến công Buôn Ma Thuột mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 25/3/1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Sau giải phòng Tây Nguyên, ta mở tiếp Chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung. Kế hoạch bao vây chia cắt Sài Gòn đã được bộ Chính trị đề ra từ ngày 29/3/1975. Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị chỉ đạo kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn. Điện của Bộ Chính trị ngày 1/4/1975 nêu rõ: “Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”. Ngày 26-4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu và 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Sài Gòn được giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vẻ vang thể hiện khát vọng, ý chí của dân tộc. Đó là thắng lợi của toàn dân tộc Việt Nam từ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, từ sức sống bền vững và trí tuệ, sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Hai mươi năm sau ngày kết thúc hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ROBERT SMcNAMARA trong cuốn sách Nhìn lại quá khứ tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam (1995) đã tổng kết và nêu rõ 11 nguyên nhân Mỹ gây ra thảm họa và thất bại ở Việt Nam. Nguyên nhân thứ ba là: “Chúng ta (Mỹ) đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó, và cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới”.
Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc có được là nhờ sự hy sinh to lớn của nhân dân, của toàn dân tộc, do đó trở thành thiêng liêng, cao cả trong mỗi người Việt Nam yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước trở thành sức mạnh và tài sản vô giá của dân tộc và con người Việt Nam. Phát huy niềm tự hào, truyền thống và giá trị lịch sử của Đại thắng mùa Xuân 1975 để mỗi người Việt Nam ra sức xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa, quyết tâm giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.