Vẫn tươi đỏ như cánh phượng hồng

16:28, 29/04/2020

Đã 45 năm đất nước thống nhất, những người lính năm nào đều bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng trong mỗi người, Tháng Tư luôn thiêng liêng, gợi lại trong ký ức về một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Nhiều người con của thành phố thép Thái Nguyên đã lập chiến công giữa lửa đạn thù, được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Câu chuyện của các dũng sĩ năm xưa tôi gặp hôm nay vẫn tươi đỏ như cánh phượng hồng nhắc nhớ về một ngày trọng đại của toàn dân tộc - Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Bám địch mà đánh

Nhiều người dân Thái Nguyên biết đến ông Đàm Quang Bẩy, tổ dân phố Đồng Bẩm, phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) vì tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Nhưng ít ai biết ông từng có một thời cùng đồng đội vào nơi sinh tử, bất chấp gian khổ, hiểm nguy, bám địch mà đánh. Từ thành tích chiến đấu, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất, hạng Hai, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Hai, hạng Ba; Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp Ưu tú và Huy hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới.

Ông nhập ngũ tháng 4-1966. Ngay sau huấn luyện, ông cùng đơn vị hành quân vào mặt trận phía Nam. Ông nhớ lại: Sau 120 ngày đi bộ, chúng tôi cũng tập kết được tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đơn vị nhanh chóng ổn định lại đội hình và bắt đầu với các trận đánh. Ngay lần đầu vào trận, chúng tôi “so găng” với Đội biệt kích dù của Mỹ ở Bù Đốp (Phước Long). Sau gần 1 giờ chiến đấu, chúng tôi hạ tại chỗ 1 máy bay trực thăng và diệt gọn gần 100 tên địch.

Ông Đàm Quang Bẩy (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ, hội viên Hội nạn nhân chất độc da cam phường Đồng Bẩm.

Ông kể chuyện chiến thắng nhưng đôi mắt nhòe ướt. Ông phân trần: Đó là nước mắt tôi dành cho đồng đội nằm lại sau mỗi trận đánh… Vâng! Có chiến thắng nào không mất mát hy sinh, song có lẽ chinh chiến trận mạc làm ông chai sạn. Ông tham gia hàng chục trận đánh trực diện với lính Mỹ, Ngụy. Mỗi trận đánh đều có những gian khổ, nguy hiểm khác nhau, nhưng không gì lớn bằng niềm tin tất thắng trong những người lính như ông.

Một đêm tháng 8-1967, đơn vị nhận lệnh tiêu diệt xe tăng địch trên tuyến đường 13, thuộc tỉnh Bình Long. Ông nhớ lại: Đêm hôm ấy trăng sáng tỏ, từ những vị trí ém quân chúng tôi nhìn thấy rõ từng tên địch đi tuần và các mục tiêu cần tấn công. Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ phụ trách đánh 3 cụm xe tăng, mỗi cụm 3 xe. Đúng 23 giờ, chúng tôi nhận lệnh khai cuộc. Chúng tôi đã đánh liên tiếp trong nửa giờ làm 9 xe tăng địch bốc cháy ngùn ngụt.

Tháng 4-1975, ông được giao nhiệm vụ làm trợ lý tác chiến cho Bộ Chỉ huy Miền, trực tiếp tham gia cùng Bộ Chỉ huy Sư đoàn 312 lên phương án tiêu diệt Sư đoàn 5 Ngụy ở căn cứ Lai Khê, Bến Cát và Phú Lợi. Đó là các trận đánh ác liệt nhất bởi địch quyết tử thủ. Trận đánh kéo dài gần 15 tiếng đồng hồ, từ 20 giờ ngày 29-4 đến 10 giờ 30 phút ngày 30-4. Ông tự hào: Chỉ có những người cầm súng, xông pha trận mạc “thập tử nhất sinh” mới cảm nhận hết được giây phút của người chiến thắng.

Gần 3.900 ngày quân ngũ và 70 trận đánh địch

Gần 3.900 ngày ở mặt trận, tham gia 70 trận đánh địch, từng bị trúng đạn, bị bom vùi không chết, ông Nguyễn Văn Lệ được xuất ngũ, trở về cùng gia đình ở xóm Soi Mít, xã Phúc Trìu. Gia tài ông mang về cho gia đình là những câu chuyện kể về các trận đánh và tấm Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Ông nhập ngũ năm 1965, tham gia nhiều trận đánh trên đường 9 Khe Sanh (Quảng Trị) và tập kết đánh địch ở Bình Long, rồi chỉnh huấn, hành quân đến ngã ba Đông Dương đánh địch. Ông nhớ lại: Đánh trận nhiều nên nghe tiếng đạn bay rít trên đầu là biết địch ở hướng nào. Nghe cách bắn biết đối thủ của mình là lính Mỹ hay Ngụy. Nhưng hòn tên mũi đạn nó không tránh mình. Một lần sau trận đánh, chúng tôi tổ chức lực lượng đi tìm tử sĩ và đồng đội bị thất lạc, không may chạm trán địch. 2 bên nổ súng, 1 viên đạn địch găm vào lồng ngực khiến tôi ngã bật ra phía sau, tôi được đồng đội kéo xuống giao thông hào gần đó, chưa kịp băng bó vết thương thì pháo địch tới tấp giội vào trận địa. Giao thông hào sập xuống, ngày hôm sau đồng đội mới phát hiện được vị trí chúng tôi bị vùi để giải cứu.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lệ trong cuộc sống đời thường.

Đánh trận cho đến ngày đất nước toàn thắng, nhưng ông không bao giờ quên một trận đánh ác liệt, bạn đồng ngũ bảo đó là trận ông “ghi điểm” cao nhất của đời quân ngũ. Ông kể: Mùa hè năm 1966, đơn vị đánh trực diện với quân chủ lực địch tại ngã ba Đông Dương. Chúng tôi phải chịu đựng các loại hỏa lực địch, bắt đầu là hỏa pháo cày nát mặt đất, tiếp đến là máy bay trực thăng trang bị súng đại liên trà sát trận địa, cùng đó là xe tăng và bộ binh địch. Không quản hiểm nguy, toàn đơn vị giữ vững trận địa, riêng tổ của tôi có 5 người, gồm 4 chiến sĩ mang súng AK và tôi mang B40. Ngay trong loạt đạn pháo địch đầu tiên, 2 chiến sĩ của tổ hy sinh tại chỗ. Đại liên từ máy bay địch bắn như vãi chấu, 1 đồng chí nữa trong tổ hy sinh, 1 đồng chí khác bị bắn gẫy chân, tôi vội kéo xuống 1 hố đạn pháo gần đó để băng bó sơ cứu. Bất thình lình có tiếng động cơ xe tăng gầm rít rất gần, tôi bật dậy như một phản xạ, ôm khẩu B40 lăn mấy vòng chọn vị trí ngắm bắn. Chiếc tăng địch lừng lững, hung hãn nghiến xích sắt tiến lại. Ước khoảng cách còn chừng 20m, tôi lấy chuẩn ngắm, nín thở kéo cò. Chiếc xe tăng Mỹ đứng khựng lại, bùng lên thành một đám lửa. Theo kinh nghiệm chiến đấu, tôi liên tục di chuyển vị trí, dùng súng AK của đồng đội đã hy sinh để tiêu diệt sinh lực địch. Sau trận đánh này tôi được cấp trên khen thưởng, trao tặng Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Được kết nạp Đảng sau trận đánh

Được kết nạp Đảng sau trận đánh là là câu chuyện của CCB Đỗ Xuân Bộ, xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) kể lại với lớp hậu sinh chúng tôi. Ông nhập ngũ tháng 8-1972, khi đó vừa tròn tuổi 18. Sau 3 tháng thao trường huấn luyện, được biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320A, được giao nhiệm vụ là xạ thủ số 1 của Khẩu đội đại liên. Ông vinh dự tham gia mặt trận miền Nam cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Cũng như các đơn vị bộ đội chủ lực khác, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ở rừng, nằm tăng võng, ăn cơm nấu bếp Hoàng Cầm và luôn trong tư thế sẵn sàng đánh địch. Năm 1973, đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên trục đường 19. Đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng chi phối lớn đến khu vực Buôn Ma Thuột, Pleiku và các tỉnh Tây Nguyên. Sau 2 tháng bình yên thì tiếng súng, đạn bùng lên dữ dội. Ông Bộ nhớ lại: Có hôm đơn vị đánh câu dầm với “chúng nó” từ sớm đến tối. Đì đẹt bắn nhau, cơm chẳng được ăn mà quân số liên tục phải bổ sung từ tuyến sau vào.

Ông Đỗ Xuân Bộ (thứ 2 từ trái vào) cùng bạn đồng ngũ ôn lại ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Sự tàn khốc của đạn, bom làm những người lính như ông Bộ chai sạn, đanh lại. Ông Bộ nói chậm rãi: Là xạ thủ số 1, trực tiếp kéo cò, tôi nhìn thấy những tên lính ác ôn Ngụy đổ vật như thân chuối. Trong thời gian hơn 2 năm trước ngày giải phóng miền Nam, tôi tham gia hơn 30 trận đánh. Ác liệt nhất là các trận “mở cửa tử” cho bộ đội tiến vào Sài Gòn… Điển hình trận đánh diễn ra ngày 20/3/1975, Đại đội chúng tôi đi phối thuộc với Đại đội 3 đánh mục tiêu Phú Yên. Giáp công liên tục trong 90 phút, chúng tôi làm chủ trận địa, bắt sống tỉnh trưởng đeo lon chuẩn tướng địch. Cam go hơn là trận đánh Đồng Dù, Củ Chi, Hậu Nghĩa ngày 29/4/1975, đơn vị được lệnh bằng mọi giá phải mở được “cánh cửa thép” vào Sài Gòn. Chúng tôi phải đánh qua 11 lượt rào kẽm gai với hệ thống phòng thủ kiên cố có hỏa lực mạnh của định. Nhiều đồng chí công binh ôm bọc phá xông lên đều lần lượt hy sinh. 2 đồng chí cùng khẩu đội với tôi cũng bị đạn địch cướp đi sinh mạng.

Phải mở tuyến rào cuối bằng bộc phá cho bộ đội xung phong. Tôi nhận lệnh, trườn lên phía trước, ôm lấy khối bộc phá của đồng đội vừa hy sinh, rồi lợi dụng những hố đạn pháo dày như mắt sàng để trườn lên tiếp cận mục tiêu. Đến nơi, tôi cẩn thận nhồi kíp nổ vào khối bộc phá, giật nụ xòe, lăn vội vài chục vòng thì nghe tiếng rầm rung chuyển mặt đất. Cửa mở, bộ đội tràn lên chiếm lĩnh trận địa. Quân ta toàn thắng. Sau trận đánh này, Sư đoàn 320A được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Bản thân tôi được trao Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Ngụy; được kết nạp vào Đảng.