Gia đình người có công chưa nhận được tiền hỗ trợ về nhà ở

04:01, 09/12/2020

Trong thời gian gần đây, không ít gia đình người có công với cách mạng (NCC) nêu ý kiến chưa nhận được tiền hỗ trợ về nhà ở. Thậm chí có trường hợp thân nhân gia đình NCC đã viết đơn kiến nghị gửi tới các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, đề nghị được giải quyết ngay chế độ hỗ trợ làm nhà theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã đến thăm, gặp một số gia đình NCC đang sinh sống trên địa bàn của tỉnh. Hầu hết những gia đình NCC có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở tỏ ra bức xúc vì cho rằng các cấp, ngành chức năng của tỉnh chưa thật sự quan tâm, dẫn đến thiệt thòi cho gia đình NCC. Một số trường hợp do nhà ở quá cũ nát, không còn an toàn cho sinh kế, nên ngay sau thẩm định đã chủ động đi vay tiền của người thân; vay lãi ngân hàng hoặc đi mua chịu vật liệu xây dựng về làm nhà.

Ông N.V.K (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi có một người em là liệt sĩ. Vì vậy, mẹ tôi là đối tượng được hỗ trợ tiền làm nhà theo quy định. Mẹ tôi tự đi vay lãi tiền để làm nhà. Nay đang được ở nhà mới, nhưng lo món tiền vay của “người ta” mỗi ngày đều sinh lãi, không biết đến khi nhận được tiền hỗ trợ, Nhà nước có trả giúp thêm cho mẹ tôi phần tiền lãi không?.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Cũng như cả nước, Đề án hỗ trợ NCC về nhà ở được triển khai tại Thái Nguyên từ tháng 6-2013 đến hết 12-2019. Toàn giai đoạn có 8.912 hộ NCC sinh sống trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ về nhà ở, trong đó 3.441 hộ xây mới; 5.471 hộ sửa chữa. Đối với nhà xây mới được hỗ trợ 40 triệu đồng; với nhà sửa chữa được hỗ trợ 20 triệu đồng. Tổng kinh phí đã thực hiện hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hơn 247 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương gần 224 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2019, theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, toàn tỉnh đã thẩm định lại và đưa ra ngoài Đề án, không thực hiện hỗ trợ đối với 909 trường hợp, vì lý do không còn đủ điều kiện, hoặc không còn nhu cầu hỗ trợ. Do các trường hợp này đã nhận tiền hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác; chuyển đến tỉnh khác sinh sống; chuyển về sinh sống với con, cháu đã có nhà ở; hoặc do đã chết (cả vợ, chồng) hoặc vì không có đất ở hợp pháp.

Hầu hết các trường hợp đưa ra ngoài danh sách hỗ trợ đã được cán bộ cơ quan chức năng giải đáp thấu tình, đạt lý, không có kiến nghị gì thêm. Nhưng sự việc kiến nghị nảy sinh được bắt đầu từ cuối năm 2019. Nguyên do từ trong năm, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai, thực hiện đợt rà soát tổng thể lại về thực trạng nhà ở của NCC. Trên cơ sở đó các địa phương lập danh sách, đề nghị Nhà nước hỗ trợ NCC khó khăn về nhà ở.

Kết quả rà soát: Toàn tỉnh phát sinh mới 2.913 hộ cần được hỗ trợ về nhà ở, trong đó 960 hộ đề nghị xây mới, 1.953 hộ đề nghị sửa chữa. Gồm: 2 hộ có người tham gia hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; 5 hộ có người tham gia hoạt động cách mạng từ 1-1 đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; 22 hộ là thân nhân liệt sĩ; 6 hộ có Mẹ Việt Nam Anh hùng; 408 hộ có người là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 117 hộ có người là bệnh binh; 788 hộ có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 15 hộ hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy; 1.352 hộ có người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế; 7 hộ là người có công giúp đỡ cách mạng.

Thời gian đã làm nhiều công trình nhà ở của NCC xuống cấp, dẫn đến phát sinh nhiều trường hợp cần được hỗ trợ về nhà ở. Ông Bàn Phúc Quang, Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) nói rõ: Đây là số hộ phát sinh ngoài Đề án đã được phê duyệt hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ trước đây. Hiện, tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với toàn bộ các trường hợp phát sinh mới. Bảo đảm nâng cao đời sống cho NCC, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.