Phát triển công nghiệp quốc phòng trong điều kiện mới

01:41, 12/07/2021

Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) luôn được Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP) đặc biệt quan tâm nhằm góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá cao những thành tựu, kết quả đạt được của ngành CNQP trong thời gian qua và xác định đẩy mạnh phát triển CNQP theo hướng hiện đại và lưỡng dụng...

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16-7-2011 về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án đẩy mạnh phát triển CNQP, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt kế hoạch để triển khai thực hiện đề án, đồng thời ban hành Quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035. Đây là các văn bản hết sức quan trọng, định hướng chiến lược cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP.

Quá trình triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch, chương trình trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường vụ QUTƯ và thủ trưởng BQP, cùng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, ngành CNQP đã nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Năng lực của CNQP có bước đột phá, đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa thêm được nhiều sản phẩm mới, trong đó có một số hệ thống khí tài trang bị công nghệ cao, đáp ứng một phần vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho quân đội, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia.

Chất lượng sản phẩm quốc phòng, nhất là vũ khí, khí tài, đạn dược được nâng cao, bảo đảm an toàn trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, tạo được niềm tin cho bộ đội. Số lượng, chủng loại, chất lượng và tiến độ sửa chữa VKTBKT, nhất là cho hải quân và phòng không-không quân ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng về kết hợp quốc phòng với kinh tế, ngành CNQP đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh (SXKD), các chỉ tiêu SXKD tăng trưởng khá, nhiều ngành hàng kinh tế có vị trí vững chắc trên thị trường, một số loại sản phẩm đã xuất khẩu vào các thị trường khó tính, từ đó có điều kiện tích lũy, duy trì hoạt động của các dây chuyền quốc phòng và tái đầu tư mở rộng sản xuất, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.

Những kết quả nêu trên cho thấy, những năm qua, ngành CNQP đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện; những thành tựu đạt được tạo thế và lực mới để ngành CNQP nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn.

Những năm tới, trước những thuận lợi, khó khăn đan xen: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với ngành CNQP. Quân đội tiếp tục được đầu tư về mọi mặt, tập trung xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, phấn đấu đến năm 2030 tiến lên hiện đại.

Theo đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định đẩy mạnh phát triển CNQP theo hướng hiện đại và lưỡng dụng. Nhiệm vụ của ngành CNQP rất nặng nề, trong đó trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP; Đề án đẩy mạnh phát triển CNQP, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quốc phòng...

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành CNQP phấn đấu triển khai thực hiện tốt một số vấn đề trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, trực tiếp là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị, các kết luận, đề án, chương trình, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, QUTƯ, BQP về phát triển CNQP. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Tổng cục CNQP, xây dựng tổng cục vững mạnh toàn diện. Thực hiện tốt chức năng tham mưu cho QUTƯ, BQP trong công tác quản lý nhà nước về CNQP và tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, quy hoạch, kế hoạch về xây dựng, phát triển CNQP.

Tham mưu triển khai phát triển một số lĩnh vực công nghệ để trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, tập trung vào công nghệ cơ khí chính xác, hóa nổ, quang điện tử, điều khiển tự động, công nghệ thông tin, an toàn mạng, công nghệ chế tạo hợp kim, vật liệu mới,... Để làm được điều này, trước hết trong năm 2021, chúng ta cần hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và đề xuất ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển CNQP trong giai đoạn mới, tổng kết Pháp lệnh CNQP, từ đó đề xuất xây dựng, ban hành Luật CNQP và các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện cơ chế quản lý CNQP bảo đảm tính đồng bộ, đổi mới, thiết thực và khả thi.

Hai là, tiếp tục tham mưu cho QUTƯ, BQP kiện toàn tổ chức lực lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm tập trung công tác quản lý nhà nước về CNQP, hạn chế các khâu trung gian, trùng lặp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ; đồng thời, phát huy quyền tự chủ của các đơn vị trong quản lý, điều hành SXKD. Cần phân định chức năng nhiệm vụ của các khối: Đặt hàng-sản xuất, sửa chữa-khai thác, sử dụng; gắn kết chặt chẽ nghiên cứu, thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa.

Các doanh nghiệp CNQP trên cả ba miền cũng cần được tổ chức, cơ cấu lại phù hợp thế trận phòng thủ chiến lược với cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành được nghiên cứu kỹ lưỡng để phát huy hết tiềm năng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giải phóng sức lao động, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Cùng với đó, ngành CNQP cần tham mưu cho QUTƯ, BQP chỉ đạo chuyển đổi hoạt động của các viện nghiên cứu sang mô hình tự chủ về tài chính, bảo đảm gắn kết giữa CNQP với công nghiệp quốc gia.

Ba là, triển khai thực hiện tốt các dự án đầu tư phát triển CNQP, tăng cường đầu tư để từng bước loại bỏ các công nghệ sản xuất thủ công, lạc hậu, hiệu quả thấp và tự động hóa các công đoạn sản xuất nguy hiểm, độc hại. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện công nghệ sản xuất, sửa chữa các loại VKTBKT thiết yếu và đầu tư tăng năng lực nghiên cứu, thiết kế của các viện nghiên cứu.

Đồng thời, chủ động tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành mũi nhọn và triển khai thực hiện một số dự án đầu tư tiếp nhận và làm chủ công nghệ chế tạo vũ khí hiện đại; hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm để đưa vào khai thác sử dụng, kịp thời sản xuất các loại vũ khí, trang bị mới cho quân đội. Để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cần tiếp tục đầu tư các dự án nâng cao năng lực để đóng mới, sửa chữa tàu quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và đồng bộ với VKTBKT mới được trang bị.

Bốn là, để xây dựng nền CNQP tự chủ, hiện đại, chúng ta phải đẩy mạnh công tác khoa học công nghệ (KHCN). Theo đó, cần chú trọng nhiệm vụ nghiên cứu cải tiến, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với sản xuất, phát triển các loại vũ khí, trang bị hiện có nhằm tạo ra một số loại sản phẩm có những tính năng mới để bổ sung vào trang bị sử dụng và phục vụ xuất khẩu. Từng bước khẳng định về khả năng tự nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới, tiến tới khẳng định về thương hiệu sản phẩm vũ khí của CNQP Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài. Chủ động ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác quản lý, SXKD và nghiên cứu, chế tạo VKTBKT.

Cùng với nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, chúng ta cần hoàn thiện, cải tiến thiết kế và công nghệ chế tạo các loại vũ khí, trang bị hiện có trong biên chế của LLVT. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ bảo đảm kỹ thuật, góp phần tích cực để giải quyết nhanh, dứt điểm những vấn đề kỹ thuật, công nghệ phát sinh trong sản xuất quốc phòng. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các vấn đề về nghiên cứu KHCN, sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả và chuyển giao công nghệ, để KHCN thực sự là chỗ dựa vững chắc cho sản xuất, cho các doanh nghiệp.

Năm là, đẩy mạnh phát triển sản xuất quốc phòng, tạo sự tăng trưởng cả về số lượng và chủng loại VKTBKT do ta tự sản xuất, sửa chữa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trang bị; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, sản xuất kinh tế, phát triển các mặt hàng mới nhằm duy trì, phát huy năng lực các dây chuyền sản xuất quốc phòng, tạo nguồn tái đầu tư phát triển CNQP, góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH.

Tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa toàn bộ tài liệu thiết kế kỹ thuật và công nghệ sản xuất các sản phẩm để duy trì và nâng cao chất lượng, độ tin cậy và tính ổn định của sản phẩm, bảo đảm an toàn trong sản xuất. Nghiên cứu đề xuất một số chính sách ưu tiên hợp lý cho CNQP trong sản xuất một số sản phẩm lưỡng dụng, đặc thù, như thuốc nổ công nghiệp, pháo hoa... và một số sản phẩm, công trình do các bộ, ngành và cơ quan nhà nước làm chủ, tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp CNQP phát triển sản xuất kinh tế, góp phần duy trì và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng.

Sáu là, để thực hiện tốt các nội dung nêu trên, chúng ta cần rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác KHCN, nhất là các viện nghiên cứu, để đề xuất đào tạo, bổ sung cán bộ chuyên ngành còn thiếu và cán bộ trình độ cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí mới. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách đối với người lao động tham gia phục vụ CNQP cần được ban hành nhằm thu hút, đãi ngộ những người có trình độ, tay nghề cao và những người tham gia vào các dự án, công trình, nhiệm vụ đặc biệt; có chính sách ưu đãi về tiền lương, hậu phương, an sinh xã hội đối với cán bộ ở một số ngành nghề, vị trí nhất định...

Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp, huy động các cơ sở KHCN, sản xuất dân sinh tham gia đào tạo, nghiên cứu, phục vụ CNQP. Nghiên cứu, xúc tiến phương án hợp tác với đối tác trong và ngoài nước để cùng nghiên cứu phát triển, cải tiến một số loại vũ khí, trang bị hiện có của quân đội. Tăng cường việc đặt hàng cho các đơn vị dân sinh đối với những sản phẩm và bộ phận, chi tiết sản phẩm mà các đơn vị công nghiệp dân sinh có thế mạnh.

Đẩy mạnh phát triển CNQP là chủ trương xuyên suốt của Đảng. Nhiệm vụ của ngành CNQP trong thời gian tới rất nặng nề và yêu cầu ngày càng cao. Trên cơ sở các đề án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thông qua, ngành CNQP xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, các mục tiêu nhiệm vụ này sẽ càng ngày đi vào thực chất, xây dựng CNQP tự lực, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của ngành công nghiệp quốc gia, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu VKTBKT cho quân đội và đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.