Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-EU về Gìn giữ hoà bình và Phòng thủ chung

09:35, 29/09/2021

Ngày 28-9, Cục Gìn giữ hoà bình (GGHB) Việt Nam đã chủ trì buổi Trao đổi kinh nghiệm về Gìn giữ hòa bình (GGHB)/Chính sách an ninh và Phòng thủ chung theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU).

Buổi trao đổi kinh nghiệm do Thiếu tướng, PGS. TS. Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng và TS. Alison Weston, Trưởng Phòng Đối tác và thỏa thuận, Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu, đồng chủ trì. Ngài Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam phát biểu chào mừng qua màn hình trực tuyến. Thượng tá Phạm Tân Phong, Phó cục trưởng Cục GGHB Việt Nam điều hành thảo luận trực tiếp tại Cục GGHB Việt Nam.

Buổi trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết chung về các chính sách GGHB và quản lý khủng hoảng; Nâng cao năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực GGHB LHQ, hiểu biết về Chính sách An ninh và Phòng thủ chung của EU cũng như thể hiện thiện chí của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác quốc phòng với EU. Đồng thời, nâng cao trình độ, kiến thức cho nhân sự Việt Nam chuẩn bị tham gia Phái bộ Huấn luyện của EU tại Cộng hòa Trung Phi (EUTM RCA); nâng cao năng lực, kinh nghiệm và những kiến thức hữu ích cho các quân nhân Việt Nam khi tham gia hoạt động GGHB LHQ và hoạt động quản lý khủng hoảng theo chính sách An ninh/ Phòng thủ chung của EU.

Theo Thượng tá Phạm Tân Phong, buổi Trao đổi kinh nghiệm về GGHB và Chính sách an ninh và Phòng thủ chung nhằm thúc đẩy mối quan bền vững trong tương lai về các lĩnh vực này, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác quốc phòng song phương. Với tinh thần đưa hợp tác quốc phòng trở thành trụ cột của mối quan hệ song phương, Việt Nam và EU luôn thể hiện thiện chí, cam kết của mình về việc xây dựng nền hòa bình, an ninh trong khu vực cũng như toàn cầu; trong đó bao gồm việc ký kết Thỏa thuận Khung về sự tham gia vào Hoạt động khủng hoảng (FPA). Trong các nội dung hợp tác quốc phòng, lĩnh vực GGHB là một trong những điểm sáng được minh chứng qua các kết quả hợp tác của hai bên trong thời gian vừa qua ở lĩnh vực này.

Tùy viên Quốc phòng các nước Pháp, Đức, Ba Lan, Hungari và CH Séc tại Việt Nam tham gia sự kiện.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Vũ Cương Quyết, mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu trong lĩnh vực GGHB LHQ, Việt Nam vẫn chưa chính thức tham gia vào hoạt động quản lý khủng hoảng của EU và tiếp tục có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về chính sách An ninh và Phòng thủ chung của EU.

Việt Nam cũng thấy được sự hỗ trợ hiệu quả của chính sách này và đang từng bước nghiên cứu, tìm hiểu cũng như sẽ cử nhân sự tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý khủng hoảng của EU trong thời gian tới, trước mắt là tại EUTM RCA. Bộ Quốc phòng Việt Nam đang rất tích cực để hoàn thiện các thủ tục theo Thư mời chính thức của EU nhằm cử hai sĩ quan đầu tiên tham gia EUTM RCA.

Tại buổi trao đổi, Đại uý Lê Như Tiến, sĩ quan Cục GGHB Việt Nam chia sẻ, đối với các sĩ quan Việt Nam, việc triển khai đến EUTM RCA là nhiệm vụ khó khăn do là lần đầu tiên, chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó, các nước EU đã có rất nhiều kinh nghiệm nên buổi trao đổi là cơ hội để các sĩ quan Việt Nam có thêm những thông tin hữu ích, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia của EU, nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện nhiệm vụ sắp tới.

Chia sẻ về lĩnh vực này, các chuyên gia EU khẳng định, thông thường, khó khăn đầu tiên khi triển khai nhiệm vụ này chính là rào cản ngôn ngữ. Để thực hiện nhiệm vụ cần phải có khả năng làm việc bằng cả hai ngôn ngữ là tiếng Anh và Tiếng Pháp. Do vậy việc đầu tiên là cần phải có sự chuẩn bị rất tốt là ngoại ngữ. Các chuyên gia EU bày tỏ tin tưởng, các sĩ quan Việt Nam có thể làm tốt công việc của mình với kinh nghiệm cũng như năng lực chuyên môn của mình.

Tại buổi trao đổi, các nhà ngoại giao và chuyên gia EU đã chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động quản lý khủng hoảng, đặc biệt là những kinh nghiệm thực tiễn tại các địa bàn khác nhau.

Các diễn giả Việt Nam: Thượng tá Trương Anh Tuấn (bên phải, ngoài cùng) và nữ Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương (ngoài cùng, bên trái).

Về phía Việt Nam, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương, Cục GGHB Việt Nam, đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam về nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoà bình và an ninh. Với kinh nghiệm của nữ Quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam từng tham gia Phái bộ ở CH Nam Sudan, chị khẳng định, Việt Nam có những chính sách hiệu quả nhằm thu hút và tuyển dụng phụ nữ tham gia vào hoạt động GGHB LHQ.

Công tác tuyển dụng này hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện. Phụ nữ được khuyến khích, động viên và tạo điều kiện đầy đủ để sẵn sàng tham gia; được trao quyền lãnh đạo và được vinh danh xứng đáng khi tham gia sứ mệnh GGHB LHQ.

Về phần mình, Thượng tá Trương Anh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện (Cục GGHB Việt Nam) khẳng định Việt Nam ưu tiên tham gia ngày càng sâu rộng cả về quy mô, số lượng và địa bàn tham gia, ở cả hình thức cá nhân và đơn vị trong lĩnh vực GGHB LHQ; tiếp tục duy trì sự tham gia của Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ CH Nam Sudan; duy trì tỷ lệ nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ theo yêu của LHQ; nghiên cứu, chuẩn bị triển khai các đơn vị khác như cảnh sát, thông tin, đơn vị vận tải…

Trong đó, nhấn mạnh tới ưu tiên cho công tác chuẩn bị và triển khai thành công Đội Công binh Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ trong thời gian sớm nhất.

Thiếu tướng Vũ Cương Quyết nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới như hiện nay, cuộc trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và EU là rất hữu ích, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau cũng như hợp tác trong tương lai.

 Những kinh nghiệm thực tiễn quý báu được đúc kết dưới nhiều góc nhìn khác nhau của các diễn giả Việt Nam và EU có giá trị vô cùng to lớn đối với Việt Nam khi Việt Nam đang nỗ lực để đóng góp nhiều hơn nữa vào việc duy trì hòa bình, an ninh tại khu vực và trên thế giới, trong đó có việc tiếp tục tham gia sâu rộng vào hoạt động GGHB LHQ và bước đầu chính thức tham gia vào hoạt động quản lý khủng hoảng của EU.