Sáng 16-12, tại Hà Nội đã diễn ra Chương trình trao đổi kinh nghiệm huấn luyện Hải quân các nước ASEAN (ANTEEP) lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân.
Tham gia chương trình tại điểm cầu các nước là đại diện Hải quân các nước ASEAN và Quân đội nhân dân (QĐND) Lào. Tham dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội còn có Tùy viên Quốc phòng, Tùy viên Hải quân các nước ASEAN tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng cho biết ANTEEP là sáng kiến của Hải quân nhân dân Việt Nam được thông qua tại Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN (ANCM) lần thứ 14 do Hải quân nhân dân Việt Nam đăng cai tổ chức tháng 11-2020.
Tài liệu khái niệm của ANTEEP được bổ sung, hoàn thiện, sau đó được đồng thuận thông qua tại Hội nghị ANCM 15 do Hải quân Hoàng gia Brunei đăng cai tổ chức trực tuyến tháng 8 vừa qua. ANTEEP sẽ được tổ chức 2 năm một lần, đăng cai bởi Hải quân các nước ASEAN theo thứ tự bảng chữ cái, bắt đầu từ Hải quân nhân dân Việt Nam.
Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng nhấn mạnh, mục đích của ANTEEP là nhằm tạo ra một diễn đàn để các quân nhân phụ trách công tác huấn luyện của Hải quân các nước ASEAN chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong các lĩnh vực chuyên môn như: Hàng hải, thông tin liên lạc, tiếp tế trên biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, đấu tranh bảo vệ sức sống tàu, diễn tập hải quân đa phương, công tác bảo đảm hậu cần-kỹ thuật, huấn luyện thể lực, đào tạo học viên sĩ quan và giảng viên hải quân, các biện pháp xây dựng lòng tin trên biển..., qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác, tăng cường sự gắn kết, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Hải quân các nước ASEAN.
Tại hội thảo, đại diện Hải quân các nước ASEAN đã tập trung trao đổi, thảo luận về nội dung đấu tranh bảo vệ sức sống tàu. Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, năng lực đấu tranh bảo vệ sức sống tàu là hoạt động mang tính cốt yếu, sống còn và là nhiệm vụ trọng yếu buộc 100% cán bộ, chiến sĩ trên tàu hải quân luôn phải luyện tập để chủ động, nhanh chóng xử lý các sự cố, tình huống có thể xảy ra trên biển trong hoạt động huấn luyện, chiến đấu cũng như thực hiện những nhiệm vụ khác.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh công tác huấn luyện đấu tranh bảo vệ sức sống tàu đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ trên tàu phải thao tác thành thục các trang thiết bị và quy trình thực hiện, nỗ lực ở cường độ cao, nhạy bén, linh hoạt và có thể lực tốt.
Kết luận hội thảo, Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng đánh giá cao phần trình bày và các ý kiến trao đổi rất thiết thực, bổ ích của đại biểu Hải quân các nước ASEAN; tin tưởng rằng các nước đã học hỏi được nhiều bài học quý, nhiều cách làm hay để vận dụng vào thực tiễn công tác huấn luyện đấu tranh bảo vệ sức sống tàu của hải quân mỗi nước.