Ngày 8-1, Ban Thanh niên Quân đội phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 1 tổ chức chương trình hành quân về nguồn tại xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thanh niên Quân đội và Ban Thanh niên Quân đội (8/2/1952 – 8/2/2022).
Tham dự chương trình có Thiếu tướng Nguyễn Đình Long, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 1; Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội, Trưởng ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống thanh niên quân đội và Ban Thanh niên Quân đội; đại biểu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và Trung ương Đoàn; đại biểu lãnh đạo xã Na Mao và đại diện các gia đình chính sách, học sinh vượt khó học giỏi của địa phương.
Cắt băng khánh thành Khu di tích lịch sử nơi thành lập Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong Quân đội.
Tại chương trình, các đại biểu tổ chức dâng hương, cắt băng khánh thành Khu di tích lịch sử nơi thành lập Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong Quân đội và trao quà tại xã Na Mao, gồm: 140 ghế, 4 bàn dài tặng Nhà văn hóa thôn Đoàn Kết; 2 bộ vi máy tính tặng trường mầm non xã, 2 ti vi tặng Trường Tiểu học Việt Ấn; 32 suất quà tặng đối tượng chính sách, học sinh vượt khó học giỏi; 1 bộ âm ly, loa đài hội trường tặng Trung đoàn 246; tổng trị giá quà tặng hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, các đại biểu tổ chức dâng hương, khánh thành Nhà truyền thống Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong Quân đội, tại Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1.
Cắt băng khánh thành Nhà truyền thống Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong Quân đội, tại Trung đoàn 246.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức tiến hành tổng kết, trao giải Cuộc thi sáng tác ca khúc viết về thanh niên quân đội. Mặc dù đây là lần đầu tiên cuộc thi sáng tác ca khúc về thanh niên quân đội được tổ chức, song đã thu hút đông đảo các nhạc sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trong và ngoài quân đội nhiệt tình tham gia. Ban Thanh niên Quân đội - Cơ quan Thường trực cuộc thi đã tiếp nhận 109 tác phẩm dự thi ở thể loại ca khúc, trong đó 46 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả ngoài quân đội; 63 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả trong quân đội…
Về nội dung, đại đa số các tác phẩm bám sát chủ đề cuộc thi. Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, các ca khúc thể hiện vị trí, vai trò xung kích, sáng tạo, quyết thắng và ghi nhận, cổ vũ, khích lệ, động viên thanh niên quân đội nêu cao trách nhiệm, quyết tâm phấn đấu, cống hiến vào sự nghiệp xây dựng quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một số tác phẩm thể hiện sự tri ân, cổ vũ, động viên thanh niên quân đội trên tuyến đầu chống dịch COVID-19, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Về nghệ thuật, đa số các tác phẩm dự thi có cấu trúc gọn, lời ca trong sáng, dễ nhớ, dễ thuộc, giàu cảm xúc, mang tính cộng đồng cao, trên nền nhạc đệm hoặc tự đệm ghi-ta, được phối khí thu thanh khá công phu.
Tiêu biểu trong tham gia cuộc thi có các tác phẩm: “Tự hào Thanh niên Quân đội”, (Thiếu tá QNCN Hồ Thu Trang, Đoàn Văn công Quân khu 4); “Thanh niên Quân đội xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” (Thượng úy QNCN Hoàng Thị Hồng Ngọc, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội); “Tuổi trẻ Quân đội sáng niềm tin” (Trung tá QNCN Vũ Thị Huyền Ngọc, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng); “Niềm vui thao trường” (Nhạc sĩ Đỗ Anh Hùng, Hội viên Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh); “Tự hào người lính hôm nay” (Thiếu tá QNCN Lê Anh Thủy, Đoàn Văn công Quân khu 1)...
Kết quả, thủ trưởng Tổng cục Chính trị quyết định trao 1 giải nhất tặng Thiếu tá QNCN Hồ Thu Trang, Đoàn Văn công Quân khu 4, với tác phẩm “Tự hào Thanh niên Quân đội”; trao 2 giải nhì, 3 giải Ba, 10 giải khuyến khích và 4 giải triển vọng tặng các tác giả, nhóm tác giả.