Sáng 24-2, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác quốc phòng ở bộ, ngành và địa phương năm 2021; triển khai nhiệm vụ năm 2022. Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì tại điểm cầu Trung ương.
Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên. Cùng dự có Đại tá Nguyễn Văn Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh (ảnh).
Năm 2021, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực, tuy nhiên các bộ, ngành, quân khu, địa phương đã tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, quán triệt nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng quân sự (QPQS) phù hợp với tình hình thực tiễn.
Công tác giáo dục quốc phòng - an ninh đi vào nền nếp, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, người lao động về nhiệm vụ QPQS; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thực lực, tiềm lực, thế trận quốc phòng trong KVPT, phòng thủ quân khu được tăng cường, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được nâng lên, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Năm 2022, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; kinh tế toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19… Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quốc phòng của các bộ, ngành, quân khu, địa phương tập trung vào một số nội dung, như: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ…
Đối với Thái Nguyên, năm qua, cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự các cấp của tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ công tác QPQS địa phương; kiện toàn đầy đủ các lực lượng; coi trọng công tác rà soát, sắp xếp các đơn vị đảm bảo theo hướng nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất, vũ khí trang bị, quân trang… được bảo đảm.
Công tác tuyển quân được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, giao quân đủ và đạt chất lượng; lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo đúng quy mô tổ chức, 100% quân số được huấn luyện đúng, đủ nội dung, thời gian quy định.
Công tác đào tạo cán bộ quân sự cơ sở được chú trọng; công tác diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện, xã được thực hiện tốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối…
Thái Nguyên cũng đã ban hành Đề án xây dựng lực lượng dân quân tự vệ giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2035 và kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế.