Đêm giao lưu cán bộ, chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới, chủ đề “Tâm tình người chiến sĩ” tại Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 diễn ra trong không khí cởi mở, ấm áp tình đồng đội. Qua những câu chuyện, những kỷ niệm đáng nhớ được các cán bộ, chiến sĩ cũ chia sẻ, các đồng chí chiến sĩ mới được “đàn anh” đi trước truyền đạt kinh nghiệm, tiếp thêm nghị lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đúng 18 giờ 30 phút, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8 đã có mặt đông đủ tại khuôn viên “nhà tâm tình đồng đội” của Đại đội 6, bắt đầu tham dự đêm giao lưu. Ánh đèn bật sáng, ca khúc “Hát mãi khúc quân hành” do đội văn nghệ xung kích thể hiện, vang lên đầy khí thế, tạo không khí sôi nổi cho đêm giao lưu ngay từ giây phút đầu tiên. Các tân binh trong bộ quân phục còn thơm mùi vải mới, khuôn mặt rạng ngời, tay giơ cao và vỗ đều theo nhịp điệu các bài hát quy định trong quân đội háo hức chờ đón chương trình bắt đầu.
Mở đầu buổi giao lưu, người dẫn chương trình giới thiệu truyền thống, khái quát nhiệm vụ đơn vị với chất giọng ấm áp, truyền cảm, “đi vào lòng người”. Ngay khi chuyển sang phần giao lưu, là cả một “rừng cánh tay” giơ lên xóa nhòa khoảng cách bỡ ngỡ, e dè, thay vào đó là sự gần gũi thân thiện.
Người dẫn chương trình hỏi: “Đồng chí cho tất cả mọi người ở đây biết Trung đoàn ta thành lập ngày tháng năm nào? Ở đâu? Chỉ huy gồm những ai?”. Chiến sĩ mới Nguyễn Quang Trường (sinh năm 2004), quê xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh trả lời chính xác câu hỏi trong sự cổ vũ nồng nhiệt.
Chiến sĩ Trường chia sẻ: “Lần đầu tiên được tham gia chương trình giao lưu, trong không khí ấm áp tình đồng đội, tôi rất vui và xúc động. Tôi mong muốn phấn đấu, rèn luyện trở thành đảng viên, sau này trở về tiếp tục góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh”.
Có những câu hỏi tưởng như đơn giản, nhưng đó lại là những điều trăn trở của những “chàng lính mới”. Những câu hỏi rất thật của chiến sĩ mới như: Muốn trở thành cán bộ, sĩ quan quân đội thì chúng tôi phải làm gì? Tại sao chúng tôi không được sử dụng điện thoại di động để gọi cho người thân? Kiểm tra bắn súng AK đạt bao nhiêu điểm thì được thưởng phép? Người yêu có được vào thăm chúng tôi không?... Những câu hỏi đang là băn khoăn thường trực của những thanh niên vừa trở thành bộ đội chưa đầy 1 tháng; đã được các chiến sĩ cũ, cán bộ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, chính trị viên, đại đội trưởng lần lượt trả lời rất thuyết phục và chân thành như những người bạn.
Trong đêm giao lưu, các đồng chí chiến sĩ mới cũng mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; thể hiện niềm phấn khởi, sự tin tưởng của bản thân vào chặng đường phía trước khi được trở thành quân nhân cách mạng, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt khóa huấn luyện chiến sĩ mới.
Đan xen với những chia sẻ, trao đổi của cán bộ, chiến sĩ là những tiết mục văn nghệ mộc mạc, tạo không khí cởi mở, thân tình; đêm giao lưu còn là dịp để các chiến sĩ thể hiện tài năng, sở trường của mình.
Các chiến sĩ mới nhập ngũ về Đại đội 6 đợt này có nhiều đồng chí là con em quê hương Bắc Ninh, nên các tiết mục văn nghệ cũng rất đậm đà cái tình của người quan họ, làm rung động bao trái tim.
Điều đặc biệt, cũng ngay trên sân khấu giao lưu, một số chiến sĩ mới có vợ, có con nhỏ được trò chuyện qua kết nối bằng điện thoại của ban tổ chức, khiến không gian như lắng xuống khi được nghe những tâm sự, những gửi gắm giữa người lính và hậu phương, rồi như vỡ òa khi những tiếng gọi bố của con trẻ vang lên trên điện thoại.
Là khách mời đại diện cho gia đình chiến sĩ mới tham dự chương trình, bà Nguyễn Minh Tâm, mẹ của chiến sĩ Nguyễn Đắc Đức, quê xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, hồ hởi cho biết: “Được đến đơn vị thăm con, thấy cán bộ, chiến sĩ tác phong nhanh nhẹn, chỉnh tề, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập, công tác tốt, tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng. Là người mẹ, còn gì vui hơn khi thấy con chững chạc, rắn rỏi hơn hẳn khi ở nhà”.
Dự và theo dõi, chỉ đạo đêm giao lưu, Thượng tá Đỗ Đức Giang, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 3 cho biết: Để hoạt động giao lưu cán bộ, chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới được tổ chức hiệu quả, thiết thực, Phòng Chính trị Sư đoàn chỉ đạo, hướng dẫn các trung đoàn tổ chức làm trước, rút kinh nghiệm ở một đại đội. Chú trọng khâu chuẩn bị kịch bản, nội dung, lựa chọn nhân vật và bồi dưỡng nội dung tham gia giao lưu cho cán bộ, chiến sĩ. Điều quan trọng là tạo được không khí dân chủ, cởi mở để cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình hưởng ứng, mạnh dạn chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bản thân.
Theo Trung tá Đào Duy Hà, Chính ủy Trung đoàn 141, qua đêm giao lưu, chiến sĩ mới được giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc, nắm và hiểu rõ hơn các quy định của đơn vị, đặc biệt là hiểu được vì sao quân đội lại có những quy định như vậy, từ đó, thống nhất về mặt nhận thức đối với chiến sĩ mới, thêm tin tưởng, tự giác chấp hành các quy định.
Đêm giao lưu khép lại trong bầu không khí phấn khởi, chan hòa, hiện lên trên từng gương mặt tươi vui của cán bộ, chiến sĩ.
Với nội dung phong phú, thiết thực, đêm giao lưu đã góp phần thắt chặt mối đoàn kết gắn bó, hiểu biết lẫn nhau trong cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đồng thời truyền đạt cho chiến sĩ mới nhiều kinh nghiệm quý trong học tập, rèn luyện, công tác. Qua đó tạo động lực tinh thần giúp chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập đơn vị, yên tâm tư tưởng, tích cực phấn đấu, rèn luyện.