Thực tiễn các cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, bên nào kiểm soát được phổ tần số điện từ thì bên đó sẽ giành được lợi thế và quyết định được kết cục của cuộc chiến.
Xây dựng lực lượng tác chiến điện tử (TCĐT) hiện đại đã và đang trở thành yêu cầu khách quan trong xây dựng quân đội, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Xuyên suốt các kỳ Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, X, XI, nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định quan điểm, chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, ưu tiên xây dựng một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, trong đó có lực lượng TCĐT. Quán triệt quan điểm, chủ trương đó, Đảng ủy, chỉ huy Cục TCĐT đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện, xây dựng lực lượng TCĐT “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, trong đó lấy xây dựng lực lượng TCĐT hiện đại là trọng tâm để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của Cục TCĐT và lực lượng TCĐT toàn quân.
Để xây dựng lực lượng TCĐT hiện đại, trước hết phải đẩy mạnh xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao, đây là một trong những nội dung trọng tâm của Đề án xây dựng lực lượng TCĐT “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Xây dựng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; xác định tốt nhiệm vụ, yêu mến gắn bó xây dựng ngành; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, phải thực hiện tốt việc xây dựng và quản lý nguồn quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ, từng năm và điều chỉnh bổ sung quy hoạch sát thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ chính trị; quy hoạch toàn đội ngũ, đồng bộ từ dưới lên, bảo đảm liên thông, quy hoạch “mở” và “động”; gắn kết chặt chẽ các khâu nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sắp xếp cán bộ.
Trên cơ sở công tác quy hoạch, có chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cách huấn luyện phải kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức với tự học, tự bồi dưỡng của cá nhân, trong đó lấy tự học làm cốt”, do đó, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì phải đẩy mạnh tự học, tự nghiên cứu của đội ngũ sĩ quan và nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Tổ chức tốt các lớp tập huấn quân sự, chuyên ngành, diễn tập chỉ huy tham mưu, diễn tập vòng tổng hợp và huấn luyện chuyên sâu về khí tài, huấn luyện chiến dịch, ngoại ngữ. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện tại đơn vị với gửi đào tạo tập trung tại các nhà trường quân đội, ở nước ngoài và các dự án mua sắm trang bị, hợp tác quốc tế về TCĐT. Phối hợp với các học viện, nhà trường trong quân đội đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu, kỹ sư, nhân viên và chuyển loại TCĐT. Thực hiện luân chuyển, rèn luyện cán bộ qua các vị trí công tác ở đơn vị cơ sở và cơ quan để đáp ứng yêu cầu bổ nhiệm chức danh cán bộ chỉ huy, quản lý ở vị trí cao hơn.
Cùng với việc xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao, tập trung hiện đại hóa vũ khí trang bị TCĐT, Cục TCĐT đã chủ động triển khai thực hiện Chiến lược bảo đảm trang bị TCĐT đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Tham mưu với Bộ Quốc phòng mua sắm có chọn lọc vũ khí trang bị kỹ thuật TCĐT hiện đại cấp chiến dịch, chiến lược cấp cho các đơn vị TCĐT cơ động đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ SSCĐ, chiến đấu ở các khu vực, địa bàn trọng điểm và sẵn sàng tham gia xử trí tình huống theo yêu cầu của cấp trên. Kết hợp giữa mua sắm vũ khí trang bị hiện đại cấp chiến thuật, chiến dịch và phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội sản xuất trong nước đưa vào trang bị, bổ sung cho các đơn vị TCĐT toàn quân, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong phạm vi đảm nhiệm, cũng như xử trí các tình huống trên địa bàn.
Tham mưu với thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu kiện toàn, đồng bộ, bổ sung, khai thác, phát huy tốt trang bị TCĐT đi kèm vũ khí trang bị của các quân, binh chủng, trọng tâm là Hải quân, Phòng không-Không quân. Tích cực chủ động phát huy tiềm lực tại chỗ của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật làm chủ trang bị TCĐT hiện có, nhất là khí tài mới. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động TCĐT, thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Kỹ thuật về nghiên cứu, chế thử khí tài TCĐT hiện đại, được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất trang bị.
Tích cực đổi mới nội dung, phương thức bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí trang bị, thực hiện tốt công tác kỹ thuật trong các đơn vị của cục và lực lượng TCĐT toàn quân. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới; Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án ngân sách bảo đảm kỹ thuật giai đoạn 2018-2030 cho các loại vũ khí trang bị kỹ thuật đã mua sắm từ năm 2001 đến nay (Đề án 324-KT). Nâng cao năng lực sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật. Phát huy hiệu quả, năng lực cơ sở bảo đảm kỹ thuật, xây dựng cơ sở bảo đảm kỹ thuật theo vùng, miền, kho chiến lược của cục, để bảo đảm cho các đơn vị TCĐT cơ động của cục và lực lượng TCĐT toàn quân; tiếp tục quy hoạch hệ thống kho, trạm, xưởng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện hiệu quả Cuộc vận động 50, nâng cao năng lực, hiệu quả sử dụng các loại vũ khí trang bị TCĐT hiện có.
Xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với toàn quân, trong đó có lực lượng TCĐT. Xây dựng lực lượng TCĐT hiện đại là một trọng tâm, tạo thành chỉnh thể thống nhất “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, giúp cho lực lượng TCĐT của quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong tình hình mới.