Bơi và bơi ứng dụng là một môn cơ bản trong nội dung huấn luyện, rèn luyện thể lực cho bộ đội để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Những năm qua, Tiểu đoàn Đặc công 20, Bộ Tham mưu Quân khu 1 luôn chú trọng huấn luyện bơi cho bộ đội, nhất là chiến sĩ mới...
Chúng tôi đến hồ bơi của cơ quan Bộ tư lệnh Quân khu 1 khi Đại đội 33, Tiểu đoàn Đặc công 20 đang tổ chức huấn luyện bơi cho chiến sĩ mới. Dù thời tiết đầu hè oi nồng nhưng các chiến sĩ trẻ vẫn hăng hái luyện tập. Lần lượt những động tác khởi động và động tác "bơi trên cạn" từ bỡ ngỡ chuyển dần sang thành thục. Cán bộ từ tiểu đội đến đại đội hướng dẫn từng tốp chiến sĩ tập động tác bơi cạn kết hợp với nhịp thở...
Theo dõi đơn vị huấn luyện bơi cho bộ đội, Đại tá Nguyễn Văn Nguyện, Trưởng phòng Đặc công, Bộ Tham mưu quân khu cho biết: "Nhiều chiến sĩ từ nhỏ sinh sống ở đô thị nên ít được tiếp xúc với sông nước; hoặc con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, không có điều kiện bơi lội, do vậy, trước khi nhập ngũ, đa số không biết bơi... Để giúp bộ đội biết bơi và biết xử lý các tình huống xảy ra ở sông nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì việc huấn luyện bơi phải được coi trọng ngay từ lúc huấn luyện chiến sĩ mới, rồi tiếp tục huấn luyện nâng cao. Thông qua tập luyện bơi còn rèn luyện ý chí, lòng dũng cảm, nâng cao sức khỏe của bộ đội"...
Trao đổi với chúng tôi ngay tại hồ bơi, Đại úy Ngô Việt Dũng, Đại đội trưởng Đại đội 33 cho biết: "Đa số chiến sĩ mới của đơn vị chưa biết kỹ thuật bơi. Một số đồng chí biết bơi nhưng mang tính tự phát, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Bởi vậy, việc huấn luyện bơi là nhiệm vụ quan trọng, năm nào đơn vị cũng dành 15 đến 17 buổi huấn luyện kỹ thuật bơi ếch cho bộ đội".
Trung úy Hoàng Văn Đức, Trung đội trưởng, người trực tiếp huấn luyện bơi cho chiến sĩ, "bật mí": "Trước khi huấn luyện, tôi chuẩn bị chu đáo từ khâu soạn giáo án, thục luyện, bảo đảm đủ các loại vật chất. Quá trình huấn luyện coi trọng làm mẫu, hướng dẫn thực hành và dành nhiều thời gian cho bộ đội luyện tập. Các nội dung khó phải phân chia theo cử động, động tác, giao tiểu đội trưởng phụ đạo, hướng dẫn những chiến sĩ yếu về bơi lội. Để bộ đội bơi ếch đúng kỹ thuật thì cần luyện tập theo phân đoạn, từ tập động tác chân đến tập động tác tay, khi đã thành thạo thì tập tay chân phối hợp với nhịp thở; hướng dẫn tập trên cạn thành thục trước khi tập dưới nước; luôn nhắc bộ đội khởi động kỹ, nắm chắc những điểm chú ý trong khi tập để bảo đảm an toàn và nhanh biết bơi".
Binh nhì Diệp Minh Hiếu (người dân tộc Sán Dìu, quê ở xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) hào hứng kể với chúng tôi: "Lúc mới tập bơi, tôi rất sợ bị đuối nước, nhưng được cán bộ hướng dẫn tỉ mỉ từng động tác kỹ thuật và động viên, khích lệ nên không còn cảm giác sợ. Giờ tôi rất vui vì đã bắt đầu bơi được". Còn chiến sĩ Bàn Văn Dũng (quê ở xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) phấn khởi cho biết: "Trước khi nhập ngũ, tôi chưa biết bơi nên nhìn thấy nước lũ rất sợ. Vào bộ đội, được huấn luyện biết bơi, tôi vui lắm. Tôi quyết tâm học bơi thật tốt vì nó rất có ích, nhất là trong mùa mưa lũ và khi xử lý các tình huống ở sông nước".