Cuối năm 1944, đồng chí Nguyễn Quyết (sau này là Đại tướng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) được Trung ương điều trở lại Hà Nội. Chỉ sau vài tháng phụ trách công tác quân sự, đồng chí đã được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Lê Quang Đạo được Trung ương điều đi nhận nhiệm vụ khác.
Gặp gỡ thân mật cán bộ, đội viên tự vệ tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội (đồng chí Nguyễn Quyết, hàng trước, thứ ba, từ trái sang). Ảnh tư liệu |
Nhớ lại thời kỳ sục sôi chuẩn bị mọi mặt cho cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân tại Hà Nội tháng 8-1945, Đại tướng Nguyễn Quyết kể: “Bấy giờ, Thành ủy chỉ đạo thành lập 3 đội vũ trang tuyên truyền ở nội thành, gồm 2 đội tuyên truyền và 1 đội vũ trang trừ gian, diệt ác. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), địch đã suy yếu. Nhất là bọn ngụy quân, ngụy quyền bị dao động mạnh, Thành ủy chủ trương “Việt Minh hóa nội thành”, “Việt Minh hóa” cả một bộ phận ngụy quân, ngụy quyền đang mất phương hướng. Lúc này, ta không chỉ có lực lượng chính trị của quần chúng, lực lượng tự vệ, vũ trang mà còn tranh thủ xây dựng lực lượng ngay trong hàng ngũ địch...”.
Với tình hình ấy, có thể nói, thời cơ tổng khởi nghĩa đã xuất hiện một cách rõ ràng. Nhất là vào ngày 15-8, phát xít Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh. Nội bộ địch bị phân hóa mạnh, tinh thần cực kỳ dao động. Ngày 16-8, đồng chí Nguyễn Khang, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ triệu tập Thành ủy Hà Nội và hai cán bộ của Xứ ủy là đồng chí Nguyễn Huy Khôi và đồng chí Lê Trọng Nghĩa để nghe phổ biến thông báo của Xứ ủy và thành lập Ủy ban Khởi nghĩa do đồng chí Nguyễn Khang trực tiếp làm chủ tịch, chỉ đạo tổng khởi nghĩa ở Hà Nội.
Đến tối 17-8, Bí thư Nguyễn Quyết chủ trì cuộc họp Thành ủy Hà Nội mở rộng với các đồng chí trong Ủy ban Khởi nghĩa. Do nhiều ý kiến băn khoăn, chưa thống nhất về thời cơ và phương pháp tiến hành khởi nghĩa nên không khí thảo luận khá căng thẳng. Cuộc họp kéo dài đến hết đêm mới đi đến quyết định: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng bằng lực lượng tại chỗ, không thụ động ngồi chờ Quân giải phóng từ chiến khu về.
Về quyết định trên, sau này, Đại tướng Nguyễn Quyết nhiều lần tâm sự, đó là một quyết định táo bạo nhưng đã được cân nhắc kỹ. Ông nói: “Khi đó, tôi biết chắc chắn rằng, nếu không giành được thắng lợi thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng tôi tin, đây là một quyết định sáng suốt của cả một tập thể những người đã gắn bó, sống chết với phong trào thành phố trong nhiều năm, những người hơn ai hết nắm rõ tình hình địch-ta diễn biến qua từng ngày. Quyết định được thống nhất dựa trên sự phân tích tình hình cụ thể, chứ không phải là sự nóng vội, chủ quan bởi tình cảm khát khao được giải phóng chi phối”.
Và thực tế đã chứng minh Hà Nội khởi nghĩa theo đúng kế hoạch vào ngày 19-8-1945 và giành thắng lợi rực rỡ, trọn vẹn, không đổ máu, là sự cổ vũ lớn lao đối với các địa phương chưa khởi nghĩa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin