Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự kiệt xuất, vị Tổng Tư lệnh đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, người đã có những cống hiến xuất sắc, góp phần vào nhiều thắng lợi quan trọng làm thay đổi lịch sử dân tộc, góp phần phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, ngày 30/12/1972. |
Kỷ niệm 112 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2023) là dịp nhìn lại sâu sắc hơn nữa những tư duy quân sự của Đại tướng về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân..., gắn với xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội của nhân dân
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xây dựng Quân đội nhân dân trước hết phải thấu triệt quan điểm “vừa vũ trang cho quần chúng cách mạng, vừa xây dựng Quân đội nhân dân, kết hợp Quân đội nhân dân với lực lượng vũ trang quần chúng, lực lượng vũ trang quần chúng với Quân đội nhân dân” (Theo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân). Đây là vấn đề thuộc về chiến lược quân sự của Đảng nhằm phát huy sức mạnh cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện để bảo vệ Tổ quốc.
Quan điểm này được thể hiện rõ qua việc Đại tướng đã tham mưu cho Trung ương Đảng phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân (dân quân tự vệ du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò của bộ đội chủ lực; đồng thời, trực tiếp tổ chức mở rộng, phát triển lực lượng vũ trang cả về số lượng, chất lượng, quy mô tổ chức, trình độ, khả năng chiến đấu; chỉ đạo phát triển chiến tranh du kích, kết hợp chặt chẽ với chiến tranh chính quy.
Đại tướng cho rằng, lực lượng vũ trang luôn có hai thành phần cơ bản kết hợp lại với nhau: “một là, Quân đội nhân dân, bao gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương; hai là, lực lượng vũ trang quần chúng, bao gồm các tổ chức dân quân và tự vệ đông đảo”. Thực chất đây là sự kết hợp xây dựng lực lượng nòng cốt với lực lượng rộng rãi, lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ nhằm phát huy thế trận và sức mạnh chiến tranh nhân dân. Xây dựng Quân đội nhân dân phải giải quyết tốt mối quan hệ trong xây dựng các lực lượng, không tuyệt đối hóa mặt nào; tuy nhiên phải có quân đội cách mạng được tổ chức tới một trình độ nhất định làm lực lượng xung kích, tiến công tiêu diệt địch thì mới cổ vũ cho quần chúng xông lên.
Đây cũng là một khía cạnh trong tư tưởng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong tư duy, chỉ đạo, trong các tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đó là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng; xây dựng nền quốc phòng độc lập, tự chủ, ngày càng hiện đại, gắn liền với sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, y tế, thể thao...
Giải quyết sáng tạo vấn đề hiện đại hóa quân đội
Nhận thấy vai trò quan trọng của việc chính quy hóa, hiện đại hóa đối với nhiệm vụ nâng cao sức mạnh của quân đội, ngay sau khi miền bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại tướng đã chỉ đạo: “Xây dựng một quân đội hiện đại có nhiều binh chủng và quân chủng, có lục quân, không quân và hải quân; lục quân gồm có bộ binh, pháo binh, thiết giáp, công binh, thông tin, phòng hóa, vận tải... Bộ đội chủ lực được tổ chức thành những binh đoàn mạnh, vũ khí trang bị ngày càng hiện đại, khả năng cơ động được nâng cao, trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng ngày càng tiến bộ, sức mạnh chiến đấu ngày càng lớn. Bộ đội địa phương được củng cố, trang bị được tăng cường, khả năng chiến đấu được nâng cao”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham mưu cho Trung ương Đảng và trực tiếp xây dựng, phát triển quân đội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Đại tướng trực tiếp kiến nghị với Trung ương và chỉ đạo khẩn trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại; gửi cán bộ sang học tập tại Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em nhằm bổ sung lực lượng, nâng cao trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng để chuẩn bị khung cán bộ chỉ huy cấp binh đoàn, quân đoàn; xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân; Binh chủng Đặc công...
Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng đề xuất thành lập các quân đoàn chủ lực (1, 2, 3, 4) nhằm tăng cường sức mạnh quân sự đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn, thực hiện những trận đánh quan trọng, chiến dịch quyết chiến chiến lược. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là minh chứng khẳng định những đề xuất, quan điểm của Đại tướng là sáng tạo, chính xác, phù hợp với yêu cầu chiến trường, đáp ứng đòi hỏi khách quan của quy luật phát triển quân đội.
Để xây dựng quân đội chính quy hóa và hiện đại hóa, theo Đại tướng, chúng ta phải xây dựng một quân đội hiện đại thích hợp với điều kiện cụ thể và đáp ứng tốt nhất yêu cầu quốc phòng của nước ta. Do đó, quá trình xây dựng quân đội chính quy, hiện đại phải quán triệt đường lối quân sự của Đảng, xuất phát từ khả năng, điều kiện thực tế của đất nước; nghiên cứu các yếu tố như đối tượng tác chiến, nghệ thuật quân sự Việt Nam, thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới... để giải quyết sáng tạo vấn đề hiện đại hóa quân đội.
Bên cạnh đó, Đại tướng cho rằng, một quân đội vững mạnh còn là thành tựu của việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với vũ khí trang bị, hậu cần kỹ thuật, thể hiện rõ qua việc kết hợp hài hòa giữa yếu tố tinh thần và yếu tố vật chất. Dù tinh thần chiến đấu cao, nhưng trình độ trang bị kỹ thuật yếu kém, tổ chức bộ đội không hợp lý thì cũng không thể tạo ra sức chiến đấu mạnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân và quân đội ta đã xây dựng một nền quân sự ưu việt, với những nét đặc sắc, phản ánh quy luật của khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Một trong những quan điểm chủ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc là cần phải nghiên cứu khoa học quân sự để nắm vững quy luật chiến tranh, âm mưu, thủ đoạn và quy luật hoạt động của địch; nắm vững phương pháp chuẩn bị và tiến hành chiến tranh của ta, phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu tạm thời.
Vì vậy, từ những kinh nghiệm qua thực tiễn đấu tranh, chúng ta không chỉ tổng kết nghệ thuật quân sự trong chiến tranh mà cần hết sức coi trọng việc nghiên cứu những vấn đề mới cho bảo vệ đất nước sau này, làm nền cho khoa học quân sự phát triển, không những đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân mà còn phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ giữ nước.
Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tấm gương mẫu mực về lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; luôn giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng chú trọng xây dựng hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị làm cơ sở để quân đội tiến lên chính quy, hiện đại; luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh về “chính trị trọng hơn quân sự”, “lấy chính trị làm gốc” trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cuộc đời hơn 80 năm hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với những mốc son lịch sử trọng đại đánh dấu quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Với tư duy sắc bén, tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, Đại tướng đã có nhiều công lao và đóng góp xuất sắc vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Cùng với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, Đại tướng là tấm gương mẫu mực về đạo đức, nhân cách của người chiến sĩ cộng sản, cống hiến hết mình vì nước, vì dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin