“Bà ơi, dạo này bà còn đau chân không ạ?”, “Sao hôm nay không cho cháu Cò ra chơi hả chú?”… - lời hỏi thăm thân thiết như con cháu trong nhà nhưng lại xuất phát từ những người không có mối quan hệ huyết thống. Họ là cán bộ, chiến sĩ Học viện Hậu Cần tham gia chương trình về nguồn tại xã Yên Đổ (Phú Lương). Giữa họ với nhân dân địa phương là tình cảm quân, dân như cá với nước, được vun đắp trong mấy mươi năm qua.
Các y, bác sĩ Học viện Hậu cần khám bệnh cho đối tượng chính sách tại xã Yên Đổ. |
Ngược dòng thời gian, cách đây hơn 73 năm, thực hiện Chỉ thị của Bộ Quốc phòng, ngày 15/5/1951, tại bản Khuôn Lồng (nay là xóm Hạ, xã Yên Đổ), Tổng cục Cung cấp tổ chức Lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên (tiền thân của Học viện Hậu cần).
Lịch sử Đảng bộ xã Yên Đổ có ghi: Ngày 15/5/1951, 88 học viên đã có mặt tại nhà ông “Cai Kinh” (thuộc địa bàn xã Yên Đổ, huyện Phú Lương hiện nay), phần đông là trưởng phòng, phó phòng quân nhu các đại đoàn, một số ít là cán bộ cung cấp của cơ quan Bộ Tổng tư lệnh và khoảng 20 đồng chí là cán bộ cấp tỉnh, huyện được bổ sung vào Quân đội để huấn luyện trở thành cán bộ cung cấp...
Thế hệ trẻ ở xã Yên Đổ vẫn nghe các cụ kể lại chuyện xưa, rằng trong những năm tháng chiến tranh điều kiện thiếu thốn, các học viên Lớp huấn luyện cán bộ cung cấp vẫn luôn được nhân dân chở che, đùm bọc như con em mình. Ngày ấy, người dân các làng bản xung quanh đã mang gạo, ngô, thịt, muối… đến ủng hộ bộ đội. Tình cảm quân, dân thắm thiết ngay từ thời trứng nước và như một lẽ tự nhiên vẫn được lớp lớp các thế hệ gìn giữ đến hôm nay.
Mùa mưa bão năm nay, nhờ ngôi nhà Đại đoàn kết được Học viện Hậu cần hỗ trợ xây dựng, ông Vương Văn Hợp, ở xóm Khe Nác, xã Yên Đổ, đã tránh được cảnh phải chạy sang trú nhờ nhà hàng xóm mỗi khi trời mưa. Ở trong ngôi nhà mới kiên cố, với tiêu chí “4 cứng”, ông Hợp xúc động nói: Tôi sống một mình, tuổi già, sức yếu nên ước mơ xây dựng được một ngôi nhà khang trang vẫn xa vời. Bởi vậy, ngôi nhà cũ đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng tôi chỉ lấy áo mưa “vá” lại những chỗ bị dột, rồi lấy xô, chậu hứng nước mưa. May mắn là được sự quan tâm hỗ trợ của các cô, chú ở Học viện Hậu cần, tôi đã có ngôi nhà mới khang trang.
Đoàn viên, thanh niên Học viện Hậu cần và xã Yên Đổ quét dọn tại Bia di tích Lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên. |
Còn chị Dương Thị Bình, ở xóm Thanh Đồng, xã Yên Đổ, chia sẻ: Năm học mới này, cháu nhà tôi được các cô chú ở Học viện Hậu cần tặng cho một chiếc xe đạp để đến trường thuận tiện hơn. Đây là món quà có giá trị tương đối lớn đối với gia đình tôi. Mẹ con tôi đều rất vui!
Bà Hoàng Thị Ngân, ở xóm Hạ, thì vui vẻ kể: Hằng năm các cô, chú đều về đây mấy lượt, đến thăm nhà bà và một số hộ khác rồi sẽ qua quét dọn Bia di tích Lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên. Sau đó luôn tay luôn chân giúp bà con dọn dẹp đường làng ngõ xóm, sửa mái nhà, xây tường rào. Có năm đúng vào lúc trời sắp bão, các cô chú giục bà gặt lúa sớm rồi xắn tay vào giúp luôn.
Không chỉ trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình, trong những năm qua, Học viện Hậu Cần còn tổ chức nhiều chương trình, mô hình để chung tay cùng địa phương và nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Phần lớn hoạt động đều hướng đến những hoàn cảnh khó khăn, các cháu học sinh mồ côi, học sinh nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Đồng chí Phan Văn Tường, Bí thư Đảng ủy xã Yên Đổ, nói: Chỉ tính riêng giai đoạn 2020-2024, Học viện Hậu cần đã tặng 200 suất quà, trị giá gần 200 triệu đồng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Ngoài ra, hằng năm, cán bộ, chiến sĩ của Học viện tổ chức nhiều đợt hành quân về nguồn, giúp đỡ địa phương xây dựng hạ tầng nông thôn, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách hay nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Bởi thế nhiều cán bộ, chiến sĩ đã trở nên thân quen với bà con.
Theo Thiếu tướng Phan Tùng Sơn, Giám đốc Học viện Hậu cần: Từ những lớp học dưới mái lá đơn sơ nơi núi rừng Khuôn Lồng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự đùm bọc của nhân dân xã Yên Đổ, những lớp cán bộ cung cấp đầu tiên đã trưởng thành, vượt qua khó khăn để xây dựng Học viện Hậu cần phát triển như ngày nay. Hành trình về nguồn được chúng tôi tổ chức mỗi năm là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, giúp cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên chiến sĩ của Học viện hiểu thêm về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam và Học viện. Đồng thời cũng là sự tri ân của các thế hệ Học viện đối với nhân dân địa phương, khẳng định tình cảm “chung lưng đấu cật”, mối quan hệ quân, dân thắm thiết, vẹn nguyên theo thời gian.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin