Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ qua dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển gắn liền với những “Đoàn tàu không số” là tuyến chi viện chiến lược góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Con đường ấy đã đi vào lịch sử như một “huyền thoại”, một kỳ tích trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
“Đường mòn” giữa biển khơi
Ngược dòng lịch sử, đầu những năm 1960, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam ngày càng cam go, ác liệt. Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam, ngày 23/10/1961, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759 (sau này là Lữ đoàn 125 Hải quân), với nhiệm vụ mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam bằng đường biển.
Kể từ đây, đường Hồ Chí Minh trên biển được hình thành. Cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo thành hai tuyến vận tải chiến lược cùng đồng hành, bổ sung, hỗ trợ cho nhau thực hiện tốt nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.
Để đảm bảo cho sự an toàn của tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải trang thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, di chuyển xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển. Tên gọi “Đoàn tàu không số” huyền thoại ra đời từ đây. Bến tàu K15 - điểm xuất phát của “Đoàn tàu không số”, cũng được hình thành tại Đồ Sơn (Hải Phòng).
Giữa những làn sóng bạc đầu, những chuyến “tàu không số” lặng lẽ vượt biển, chở theo vũ khí, lương thực và cả niềm tin từ miền Bắc vào miền Nam ruột thịt. Mỗi chuyến tàu chỉ vỏn vẹn 20-30 người nhưng chở theo hàng chục tấn vũ khí, lương thực, vượt qua hải phận quốc tế, tránh né sự kiểm soát gắt gao của địch. Có những chuyến tàu kéo dài cả tháng trời, băng qua những cơn bão hung hãn và hệ thống ra-đa hiện đại của kẻ thù.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Vận tải trên biển tuy gian nan, nguy hiểm, nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian và hiệu quả vận chuyển. Ngoài nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng đó là đưa đón hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo Trung ương, nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam.
Trong suốt 14 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), “Đoàn tàu không số́” đã thực hiện 2.047 chuyến đi, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ ra Bắc, vào Nam.
Những chuyến đi “cảm tử”
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chia sẻ: Bắt đầu mỗi hành trình, những chiếc “tàu không số” đều được gắn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ tức thì được khởi động bằng tay và bằng điện. Các chiến sĩ “Đoàn tàu không số” trước khi lên đường đều được đơn vị tổ chức “Lễ truy điệu sống” phòng khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ sẽ tự kích nổ tàu để giữ bí mật, kiên quyết không để vũ khí, hàng hóa rơi vào tay địch. Đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, những người con ưu tú của đất nước mãi mãi nằm lại giữa biển khơi để bảo vệ sự an toàn tuyệt đối của tuyến đường này.
Tiêu biểu như chuyến tàu 165 của “Đoàn tàu không số” vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, khi vào đến vùng biển Cà Mau, đã bị 12 tàu chiến Mỹ bao vây, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên tàu vẫn kiên quyết đánh trả địch rồi hủy tàu. 18 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh.
Cũng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, chuyến tàu 235 do Trung úy Nguyễn Phan Vinh chỉ huy đi vào đến Hòn Hèo, tỉnh Khánh Hòa, thì bị địch phát hiện. Chúng huy động nhiều tàu chiến, máy bay trực thăng hòng bao vây bắt sống tàu và cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã cùng các cán bộ, chiến sĩ kiên quyết chiến đấu, sau đó, anh đã cho hủy tàu, bản thân chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh.
Các cựu chiến binh Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam thăm lại bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng), nơi xuất phát của những chuyến “tàu không số”. |
Với ý chí kiên cường bất khuất, tinh thần dũng cảm hy sinh và sự thông minh sáng tạo, các cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Mỗi cân hàng, mỗi khẩu súng đều chứa đựng xương máu và sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số”. Đã có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, phần lớn không tìm được hài cốt, vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đại dương.
Theo dòng thời gian, đường Hồ Chí Minh trên biển gắn liền với “Đoàn tàu không số” đã trở thành một con đường huyền thoại, là “điểm mù” bí ẩn không thể lý giải với quân địch lúc bấy giờ.
Lịch sử đã qua đi, nhưng con đường huyền thoại ấy vẫn sống mãi trong lòng dân tộc như một biểu tượng của lòng quả cảm, ý chí quật cường và sức sáng tạo không giới hạn. Một con đường không có tên trên bản đồ, không có ranh giới, nhưng đã góp phần mở lối cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin