Nghe tướng Đàm Đình Trại kể chuyện chiến trường

Linh Lan 16:25, 21/12/2024

Năm nay, Trung tướng Đàm Đình Trại, ở tổ 11, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) tròn 77 tuổi đời và 56 năm tuổi Đảng. Đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ của dân tộc, ông luôn tự hào vì mình là “Bộ đội cụ Hồ”. Trọn đời không ngừng nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, ông đã trở thành vị tướng lĩnh đức độ, tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hàng ngày, Trung tướng Đàm Đình Trại vẫn dành thời gian đọc sách, báo, viết bài nghiên cứu để rèn luyện trí nhớ.
Hàng ngày, Trung tướng Đàm Đình Trại vẫn dành thời gian đọc sách, báo, viết bài nghiên cứu để rèn luyện trí nhớ.

Cả đời cống hiến cho cách mạng

Ở độ tuổi xưa nay hiếm, song Trung tướng Đàm Đình Trại vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, khuôn mặt quắc thước, đôi mắt sáng, vầng trán cao cương nghị, phong thái đĩnh đạc. Ông hồi tưởng lại chuyện xưa như những thước phim lịch sử quay chậm: Tháng 8-1965, tôi đang học lớp 8, nghe được tin từ bố là xã đội trưởng, ở trên lấy thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ, tôi đã đăng ký và được bố ủng hộ.

Tôi được biên chế vào Đại đội 17, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn xe tăng 202, Bộ Tư lệnh Thiết giáp. Phấn khởi, tự hào là một chiến sĩ thuộc đơn vị binh chủng tăng thiết giáp, tôi ra sức học tập, nắm vững các thao tác về binh khí, kỹ thuật, làm chủ thiết giáp, mong sớm đến ngày “dụng binh” trên chiến trường. - Trung tướng Đàm Đình Trại

Sau 2 tháng ở Trung đoàn xe tăng, chàng trai Đàm Đình Trại được điều chuyển sang Đại đội đặc công 25 thuộc Sư đoàn chủ lực 308 (Sư đoàn Quân tiên phong, một trong những đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam). Gần 3 năm tham gia quân ngũ, với những thành tích xuất sắc trong công tác, rèn luyện, chiến đấu, chàng trai người Tày vinh dự được kết nạp Đảng trên chiến trường khi vừa tròn 21 tuổi.

Kết nạp Đảng được 2 tháng, ông Trại cùng đơn vị tham gia chiến dịch đánh Mỹ đầu tiên năm 1968 (ở mặt trận Khe Sanh), trên cao điểm 635, thuộc Làng Cát. Trong trận này, sau chưa đầy 30 phút, ông và 40 tay súng của Đại đội đã dũng cảm chiến đấu phá hủy 4 khẩu pháo, tiêu diệt 150 tên địch. Do có thành tích xuất sắc tiêu diệt giặc Mỹ, Đại đội đã vinh dự được cấp trên trao thưởng huân chương. Từ cán bộ chính trị Tiểu đoàn 28, Sư đoàn 308, đến tháng 10-1969, ông Trại được đề bạt làm Trung đội trưởng, Đại đội 4, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 và đến năm 1971, được bổ nhiệm là Chính trị viên Đại đội 4.

Những ngày tháng ở chiến trường cách đây mấy chục năm nhưng trong câu chuyện kể, chúng tôi cảm nhận ông chưa từng quên, và mọi chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua, vô cùng sinh động, tươi mới. Một trong những chiến dịch để lại nhiều kỷ niệm với ông Trại là 52 ngày đêm chiến đấu tại Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.

Trung tướng Đàm Đình Trại trò chuyện cùng các cựu chiến binh phường Phan Đình Phùng ôn lại chuyện chiến trường.
Trung tướng Đàm Đình Trại trò chuyện cùng các cựu chiến binh phường Phan Đình Phùng ôn lại chuyện chiến trường.

Lịch sử còn ghi, đầu năm 1971, Mỹ ngụy cho quân đánh Đường 9 - Nam Lào, mở đầu cuộc hành binh đại quy mô mang tên “Lam Sơn 719”, huy động hơn 4 vạn quân chủ lực Sài Gòn, 6.000 quân Mỹ, gần 600 xe tăng, xe bọc thép, hơn 300 khẩu pháo hạng nặng, 1.000 máy bay… Mỹ đẩy chiến tranh ngăn chặn đường Hồ Chí Minh lên đỉnh cao hòng chặn cắt hoàn toàn tuyến chi viện, đánh bại quân chủ lực của ta.

“Khi đó, tôi cùng anh em chỉ huy đơn vị do đã sát cánh cùng anh em dũng cảm chiến đấu, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, thu nhiều vũ khí, khí tài quân sự, góp phần làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ”. - Ông Trại kể.

Năm 1972, ông Trại được đề bạt làm Chính trị viên Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, cùng đơn vị tham gia Chiến dịch Xuân - Hè, trực tiếp chiến đấu theo hướng Trị - Thiên. 81 ngày đêm ác liệt, anh em cán bộ chiến sĩ đã không quản ngại hy sinh tính mạng, quần lộn với địch và hứng chịu bom đạn ác liệt nhất để giữ vững thành cổ Quảng Trị, góp phần làm nên Tượng đài chiến sĩ bất tử hào hùng, lừng danh bên dòng sông Thạch Hãn.

Đầu năm 1973, ông Trại được cấp trên cử đi học tại Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng cho đến tháng 6-1974, được điều làm Trợ lý Phòng Tổ chức Cục Chính trị Quân đoàn 1 (Quân đoàn Quyết thắng). Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, ông Trại và đơn vị hành quân thần tốc đánh thẳng vào phía Bắc Sài Gòn, bao vây tiêu diệt địch ở các điểm, tấn công đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa. Đồng thời, phối hợp với các quân đoàn khác bao vây công kích và hợp điểm tại Dinh Độc Lập, mừng Xuân đại thắng.

Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong 8 năm (1980-1987), ông Trại được điều động nắm giữ nhiều vị trí công tác quan trọng ở Quân khu 1 và đến tháng 11-1988, được bổ nhiệm là Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn. Năm 1998, ông giữ chức Phó Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân khu 1. Một năm sau, ông vinh dự được Nhà nước sắc phong quân hàm Thiếu tướng, đến năm 2003, được thăng quân hàm Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuối 2004, ông được bổ nhiệm là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến năm 2008 về nghỉ hưu.

“Huân chương của tôi hơn một nửa là của bà”

Suốt những năm công tác, Trung tướng Đàm Đình Trại luôn là một cán bộ mẫn cán của Quân đội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc, được đồng đội trân trọng, quý mến. Vậy nhưng việc nhà, ông tự nhận mình chưa tròn vai, tất cả đều nhờ hậu phương là người bạn đời của ông - bà Lục Thị Yên.

Trung tướng Đàm Đình Trại vui vẻ đầm ấm bên vợ và các cháu nội.
Trung tướng Đàm Đình Trại vui vẻ đầm ấm bên vợ và các cháu nội.

Bà Yên kém ông Trại 2 tuổi, năm nay lưng đã còng lắm rồi, tai nghe chừng như lúc rõ lúc không. Cầm chặt tay bà, ông bảo: Kỷ niệm cuộc đời tôi không bao giờ quên đó chính là ngày cưới bà ấy cũng là ngày nhập ngũ. Bố tôi khi đó là xã đội trưởng, đã xin phép với cấp trên để tôi dự bữa cơm trưa cùng gia đình, rồi nhờ người anh họ đạp xe chở lên huyện tập trung, chuẩn bị cho hôm sau cùng đơn vị hành quân. Sau 3 tháng huấn luyện, tôi kiểm tra đạt loại xuất sắc, được đơn vị thưởng phép về nhà 5 ngày. Vừa đi bộ, vừa đi tàu cả đi về, tôi chỉ ở được vợ mới cưới và gia đình vẻn vẹn một ngày.

Sau này, khi vợ sinh hai con trai, ông Trại cũng luôn biết ơn bà Yên bởi mọi việc từ chăm sóc, dạy dỗ con cái đến công to việc lớn ở nhà đều một mình bà cáng đáng. Hạnh phúc với gia đình ông là hiện hai con trai và hai con dâu ông bà đều công tác trong ngành Quân đội, noi gương bố sống mẫu mực, luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Còn 4 người cháu nội đều ngoan ngoãn, khỏe mạnh, học hành giỏi giang.

Trung tướng Đàm Đình Trại, dân tộc Tày, sinh ngày 25/12/1947 tại xã Đào Ngạn (nay là xã Ngọc Đào, Hà Quảng). Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác.