Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Những năm qua, lực lượng CSB Việt Nam luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Những năm đầu thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thường xuyên, trực tiếp là Thường vụ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, với tinh thần tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CSB đã nhanh chóng hoàn thành việc khảo sát, xác lập các vị trí đóng quân, xây dựng cầu cảng.
Toàn lực lượng phát động phong trào tự học, tự nghiên cứu tài liệu, nắm chắc tính năng kỹ thuật, chiến thuật, cấu tạo các loại tàu xuồng, trang bị, vũ khí; đề xuất thiết kế, trang bị phù hợp với hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển của các đơn vị CSB. Ngày 18/9/2008, theo quyết định của Bộ Quốc phòng, lực lượng CSB Việt Nam chính thức trở thành đơn vị đầu mối trực thuộc bộ, mở ra một trang mới trong xây dựng và phát triển lực lượng CSB Việt Nam.
Thực hiện quyết định của trên, Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB khẩn trương sắp xếp, trình các cơ quan có thẩm quyền về cơ cấu, tổ chức của CSB, bảo đảm phù hợp với chức năng nhiệm vụ và yêu cầu xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, hiện đại. Cơ sở vật chất kỹ thuật của lực lượng CSB cũng được củng cố, bổ sung, từng bước đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ quản lý, thực thi, duy trì pháp luật trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Với bộ máy được tổ chức chặt chẽ, hoạt động tích cực, CSB Việt Nam luôn bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chủ động phối hợp với các lực lượng, kịp thời tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chủ trương, đối sách, xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ; đẩy mạnh nghiên cứu luật pháp của Việt Nam và quốc tế để xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền ban hành, tạo hành lang pháp lý để lực lượng CSB hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Bộ tư lệnh CSB đã phối hợp với các cơ quan chức năng biên soạn Luật CSB Việt Nam, được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019), tạo hành lang pháp lý để CSB Việt Nam thực thi nhiệm vụ chính trị được giao.
Những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB đã làm tốt công tác tham mưu, từng bước hoàn thiện về tổ chức biên chế. Các đơn vị trong toàn lực lượng tập trung huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật và xây dựng lực lượng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại làm mục tiêu huấn luyện; triển khai đồng bộ các giải pháp, không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, bồi dưỡng phương pháp tác phong công tác, quản lý chặt chẽ con người và vũ khí trang bị, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Trong duy trì và thực thi pháp luật trên biển, CSB Việt Nam luôn khôn khéo, kiên quyết, kiên trì, đấu tranh với các hoạt động của tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, phối hợp với các lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biển, đảo.
Các đơn vị đã ngăn cản, xua đuổi hàng chục nghìn lượt, xử lý hàng nghìn lượt tàu, thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ các hoạt động kinh tế biển của đất nước; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên biển; coi trọng công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường biển, hỗ trợ nhân dân...
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, trong thời gian tới, lực lượng CSB xác định quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, các chỉ thị, nghị quyết của trên về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền biển, đảo; chú trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng; các chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới; Chỉ thị số 202 của Bộ tư lệnh CSB được cụ thể hóa bằng Phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, xây dựng trận địa tư tưởng toàn lực lượng vững chắc, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ am tường nhiệm vụ, xác định rõ đối tác, đối tượng, nhận rõ và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Các cơ quan, đơn vị luôn bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình trên biển, làm tốt công tác tham mưu tác chiến, sẵn sàng ứng phó và xử lý thắng lợi mọi tình huống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ thông hiểu pháp luật, nắm chắc tính năng, tác dụng, làm chủ vũ khí trang bị, phương tiện hiện đại. Chủ động nghiên cứu lý luận, nghệ thuật quân sự, tìm hiểu các phương thức tác chiến hiện đại, vận dụng hiệu quả vào quá trình huấn luyện, công tác, từng bước hoàn thiện các tiêu chí tiến tới xây dựng lực lượng CSB cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chức năng và ngư dân trên biển, không ngừng củng cố “thế trận lòng dân” tạo cơ sở hình thành thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, trong đó CSB là một lực lượng giữ vai trò nòng cốt.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, triển khai toàn diện các mặt công tác hậu cần, kỹ thuật, tài chính, bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho lực lượng CSB thực hiện nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất. Thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, quy hoạch và quản lý chất lượng công trình xây dựng cơ bản, đóng mới tàu thuyền, mua sắm phương tiện, trang bị kỹ thuật, bảo đảm đúng nguyên tắc tài chính, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Trước mắt, toàn lực lượng tập trung quán triệt và thực hiện hiệu quả các nội dung trong Phong trào thi đua đặc biệt "Quân đội cùng cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vừa phát động. Quan tâm đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin liên lạc về tình hình an ninh hàng hải, cướp biển, cướp có vũ trang, tìm kiếm cứu nạn với lực lượng thực thi pháp luật của các quốc gia liên quan.
Duy trì đường dây nóng với các quốc gia trong khu vực liên quan đến Biển Đông, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong đối phó với các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, phát huy sức mạnh quốc tế vào các hoạt động đấu tranh trấn áp tội phạm, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, hoạt động nhân đạo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất và hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý.