Sau 15 năm, Nga vẫn nằm ngoài WTO...

08:38, 02/09/2008

Sau 15 năm đàm phán, Nga vẫn là nền kinh tế lớn nhất còn nằm ngoài khối quốc gia thành viên WTO...

Việc Liên minh châu Âu (EU) cuối tuần vừa qua vừa lên tiếng thúc giục Nga cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến trình đàm phán và sửa đổi các điều kiện kinh doanh trong nước để sớm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) một lần nữa lại khiến thế giới phải lưu tâm tới điều đó.

 

"Với tư cách là một nền kinh tế chủ chốt của thế giới nhưng lại chưa vào WTO, Nga cần nhanh chóng đẩy nahnh tiến trình đàm phán và sửa đổi các điều kiện kinh doanh trong nước để sớm gia nhập", phát ngôn viên Uỷ ban thương mại EU Peter Power phát đi tín hiệu cuối tuần vừa qua.

 

"Nếu chưa thấy những tiến triển đáng kể từ phía Nga, chúng tôi chưa thể kết thúc quá trình đàm phán với họ để họ có thể vào WTO", ông Power lưu ý.

 

Phía EU hiện đang ngụ ý rằng tành trình gia nhập WTO của Nga sẽ phụ thuộc nhất định vào tiến độ rút quân thực tế của nước này khỏi Grudia cũng như những ứng xử của Nga về vấn đề này trong thời gian tới.

 

Còn nhớ, hồi năm ngoái, Mỹ cũng đã từng lên tiếng chê Nga chậm chạp trong việc đàm phán gia nhập WTO. Khi đó, Đại diện thương mại Mỹ Susan Schwab cho rằng Moscow đang đạt được rất ít tiến triển trên con đường gia nhập tổ chức này. "Chúng tôi muốn chứng kiến Nga với tư cách thành viên đầy đủ của WTO và hy vọng Nga sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết và trách nhiệm của một thành viên tổ chức này", bà Susan Schwab nói.

 

Để đạt được mục tiêu trên, Moscow cần thông qua những vấn đề còn tồn tại trong các Hiệp định về nông nghiệp và sở hữu trí tuệ với Mỹ, hoàn thành đàm phán song phương và giải quyết các tranh chấp thương mại với nước láng giềng Gruzia.

 

Lúc đó, Mỹ cũng đã hứa sẽ giúp Nga gia nhập WTO vào cuối năm 2007. Nhưng cho đến nay, Nga vẫn là nền kinh tế lớn nhất còn nằm ngoài khối quốc gia thành viên WTO...

 

15 năm đã trôi qua...

 

Nước Nga đã nộp đơn xin gia nhập WTO từ tháng 6/1993.

 

15 năm trôi qua cùng với nhiều kỳ phỏng vấn và giải trình, nhưng nước Nga vẫn là nền kinh tế lớn cuối cùng đứng ngoài WTO dù ông Vladimir Putin từng nhiều lần khẳng định, mục tiêu ưu tiên của ông là phát triển các mối quan hệ kinh tế với phương Tây và sẵn sàng thực hiện những nhượng bộ chiến lược để đạt được mục đích đưa nước Nga gia nhập WTO.

 

Theo các nhà phân tích, sự chậm trễ này có nguyên nhân từ việc Chính phủ Nga phải chịu sức ép khá lớn từ cả bên ngoài lẫn bên trong đối với quá trình hội nhập kinh tế quan trọng này.

 

Theo luật lệ của WTO, các nước muốn gia nhập phải chứng tỏ cho mọi thành viên của tổ chức này về việc thực sự phát triển theo kinh tế thị trường. Để được gia nhập WTO, điều đầu tiên là nước Nga phải chứng tỏ cho các thành viên của tổ chức này, đặc biệt là EU và Mỹ rằng nước Nga đã cải cách cơ chế hoạt động kinh doanh của nước mình, ngoài ra, bất kỳ thành viên nào của WTO đều có quyền yêu cầu nước muốn gia nhập một số nhượng bộ mở cửa thị trường để họ được tiếp cận thị trường như là điều kiện tiên quyết để nhận được tư cách thành viên.

 

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và cũng có quyền phủ quyết việc nước Nga xin gia nhập WTO. EU gây sức ép đòi Nga mở cửa thị trường cho nhiều loại dịch vụ, trong đó có ngân hàng và bảo hiểm. Ngoài ra, EU còn muốn Chính phủ Nga xử lý hoạt động kinh doanh từng gây nhiều thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư phương Tây. Trong khi đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 làm cho ngành Ngân hàng bị phá sản cùng với việc đồng rúp bị mất giá thảm hại, nước Nga đã tỏ ra ngần ngại mở cửa thị trường Ngân hàng.

 

Tiếng nói phản đối từ trong nước cũng làm kéo dài việc nước Nga gia nhập WTO. Hiện nước Nga còn hàng chục triệu người dân sống ở mức nghèo khổ, những người dễ nảy sinh tâm lý bị thua thiệt trong quá trình hội nhập kinh tế. Một số nhà lãnh đạo lo ngại việc mở cửa thị trường có thể làm tê liệt nhiều doanh nghiệp không thể cạnh tranh với các công ty đa quốc gia hoạt động hiệu quả hơn như đã từng xảy ra tại nhiều nước Đông Âu.

 

Ngoài ra, giới doanh nghiệp Nga không muốn nhượng bộ trước yêu cầu của nhiều thành viên WTO đòi nước này tăng giá năng lượng (với lý do ngành này nhận được nhiều ưu đãi từ Nhà nước) bởi sẽ dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, làm giảm ưu thế cạnh tranh của rất nhiều hàng hoá do Nga sản xuất.

 

Ông Putin đã từng bày tỏ tin tưởng rằng sau việc nước này gia nhập WTO sẽ là biểu tượng rõ ràng nhất của việc nước Nga khôi phục địa vị của mình trên trường quốc tế.

 

Tuy nhiên, nước Nga rộng lớn dường như đang có quá nhiều việc quan trọng và cấp bách khác phải làm...