Trung Quốc phát hiện thêm 69 hãng sữa hại ngoài Tam Lộc

08:29, 16/09/2008

Không chỉ có một hãng làm sữa độc hại là Tam Lộc mà thế giới xôn xao nhiều ngày qua, Trung Quốc vừa công bố là đã phát hiện thêm 69 hãng sữa có dấu hiệu độc hại như Tam Lộc.

Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc chiều ngày 16/9 cho biết giới chức nước này đã phát hiện thêm 69 nhãn hàng sữa có chứa hoá chất độc hại với trẻ em.

 

Chính quyền nước này ngay lập tức đã ra lệnh dừng sản xuất đối với 69 nhãn hàng sữa này để chờ xử lý.

 

Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc cho biết thêm, 69 nhãn hàng sữa có chứa hoá chất độc hại mới phát hiện này là thuộc về 22 công ty sữa khác nhau trên đất Trung Quốc.

 

Với việc phát hiện thêm 69 hãng sữa có dấu hiệu độc hại như Tam Lộc, Trung Quốc đang đối mặt với việc bị tẩy chay hàng ở nhiều nước.

 

Cho tới nay, Mỹ đã cảnh báo việc nhập sữa từ Trung Quốc trong khi New Zealand cho biết trách nhiệm thuộc về đối tác Trung Quốc.

 

Cụ thể, quan chức Mỹ ngày 15/9 đã lên tiếng cảnh báo việc nhập sữa từ Trung Quốc, cho dù thừa nhận rằng chưa phát hiện thấy sữa có hại nhập từ nước này về Mỹ.

 

Uỷ ban An toàn Thực phẩm và Y dược Mỹ (FDA) nhấn mạnh rằng, hiện tại vẫn chưa phát hiện thấy sữa có hại nhập từ nước này về Mỹ song các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ nên cẩn trọng với việc sử dụng các loại sữa của Trung Quốc kể từ thời điểm này.

 

"Chúng tôi đặc biệt quan tâm và lo lắng rằng sẽ có một vài loại sữa như thế lọt vào Mỹ một cách bất hợp pháp và được bày bán ở những nơi xa xôi trên đất Mỹ. Do vậy, cần thận trọng trong thời điểm này", Janice Oliver, Phó giám đốc chương trình an toàn thực phẩm thuộc FDA nói.

 

"Tạm thời không nên nhập sản phẩm sữa nào từ Trung Quốc vào Mỹ", ông này nhấn mạnh, "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng không thể xảy ra bất cứ nguy cơ nào với người tiêu dùng Mỹ".

 

Trong khi đó, phía liên doanh New Zealand tại công ty sữa Tam Lộc là công ty Fonterra đã cho biết trách nhiệm thuộc về đối tác Trung Quốc.

 

"Chúng tôi đã phát hiện dấu hiệu này từ tháng 8 năm ngoái và đã cảnh báo cho đối tác song họ đã phớt lờ việc thu hồi sản phẩm. Trong thời điểm này, chúng rôi thầnh tâm chia sẻ với những trường hợp bị ảnh hưởng hiện nay", Giám đốc điều hành của Fonterra, ông Andrew Ferrier phát biểu với báo giới.

 

Đích thân Thủ tướng New Zealand Helen Clark cũng cho biết New Zealand đã tìm cách liên hệ và yêu cầu phía Trung Quốc có biện pháp xử lý từ khi chuyện chưa nghiêm trọng song không hề nhận được phúc đáp nào.

 

"Chúng tôi đã báo động song phía Trung Quốc vẫn không có bước đi nào để bảo đảm sẽ có hành động cụ thể",  Thủ tướng New Zealand Helen Clark phát biểu với báo giới.