Nhật Bản phản đối Phó Thủ tướng Nga tới các đảo đang tranh chấp

09:04, 17/05/2011

Ngày 16-5, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Nga, do Phó Thủ tướng Sergei Ivanov dẫn đầu, tới 2 hòn đảo thuộc vùng đảo hai nước đang tranh chấp gồm 4 đảo mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc và Nga gọi là quần đảo Nam Kuril.

 

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, sáng 16-5, Ngoại trưởng Takeaki Matsumoto đã triệu Đại sứ Nga tại Nhật Bản, Mikhail Beli đến bày tỏ việc "lấy làm tiếc" về chuyến thăm ngày 15-5 của ông Ivanov cùng với 4 bộ trưởng Nội các Nga đến các đảo đang tranh chấp, coi đây là hành động "trái ngược với quan điểm cơ bản của Tokyo và làm tổn thương tình cảm của người dân Nhật Bản".

 

Ngoại trưởng Matsumoto yêu cầu Mátxcơva không lặp lại các chuyến thăm của các quan chức cấp cao đến các đảo tranh chấp. Đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Bản, Đại sứ Beli tái khẳng định những hòn đảo này là một phần lãnh thổ của Nga.

 

Bộ Ngoại giao Nga cho hay, Nga coi những tuyên bố về chủ quyền của Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano và Ngoại trưởng Seiji Maehara là không có cơ sở pháp lý. “Chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng Nga có tất cả các quyền cần thiết đối với vùng lãnh thổ này, chủ quyền của chúng tôi là hoàn toàn hợp pháp và không thể nghi ngờ được”, tuyên bố trên cho biết.

 

Trước đây, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, tuyên bố chủ quyền của Nga là kết quả của Chiến tranh Thế giới thứ 2 và đã được chứng minh trong “Hiệp ước Crimea về Viễn Đông của ba cường quốc ngày 11/2/1945; Tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945; Hiệp ước Hòa bình San Francisco ngày 08/9/1951 và Điều 107 trong Hiến chương Liên Hợp Quốc”.

 

Tuy nhiên, Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo trên mà phía Nhật gọi là lãnh thổ phía Bắc.

 

Nga và Nhật Bản vẫn chưa ký kết một hiệp ước kết thúc sự thù địch trong Thế chiến thứ 2, bởi những tranh chấp xung quanh 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuril – vùng lãnh thổ trước đây của Nhật Bản đã sát nhập vào Liên bang Xô viết khi kết thúc Thế chiến thứ 2. Căng thẳng giữa MoscowTokyo bị đẩy lên cao trào vào tháng 11 năm ngoái khi Tổng thống Medvedev tới thăm Kunashir, hòn đảo lớn thứ hai trong bốn đảo.