Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã gửi điện bày tỏ sự chia buồn với Quốc vương và Thủ tướng Nauy sau khi xẩy các vụ tấn công khủng bố
Như tin đã đưa, một vụ đánh bom gần phủ Thủ tướng ngay tại trung tâm thủ đô Oslo của Nauy đã xảy ra chiều 22/7. Liền sau đó là một vụ nổ súng kinh hoàng ở đảo Utoya cách không xa thủ đô Oslo. Nạn nhân của vụ nổ bom tại khu tổ hợp các tòa nhà Chính phủ ở trung tâm thủ đô là 7 người và tất cả đều là thành viên của bộ máy nội các Nauy.
Có thể coi vụ khủng bố kép ở Oslo là kịch bản của cuộc tấn công vào New York và Washington của Mỹ ngày 11/9/2001.
Cũng giống như Mỹ, các nước châu Âu, các tổ chức Liên Hợp Quốc, EU và NATO, chính giới Nga đã cực lực lên án vụ tấn công khủng bố ở Oslo. Dư luận Nga cũng rất quan tâm đến vụ việc vừa xẩy ra.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã gửi điện bày tỏ sự chia buồn với Quốc vương và Thủ tướng Nauy sau khi xẩy các vụ tấn công khủng bố, trong đó nêu rõ: “Chúng tôi kịch liệt lên án tội ác dã man không thể có gì biện minh và bào chữa. Tin chắc rằng, những kẻ tổ chức và thực hiện tội ác sẽ bị trừng trị theo tất cả mức nghiêm khắc tối đa của pháp luật”.
Thủ tướng Nga Putin cũng điện thoại với Thủ tướng Nauy chia sẻ những đau thương mất mát đến chính phủ và người dân Nauy.
Bộ Ngoại giao Nga, trong bức điện chia buồn cũng khẳng định, việc củng cố sự hợp tác giữa các quốc gia trong thời gian tới trong việc chống khủng bố và quá khích sẽ là câu trả lời cho những hành động man rợ vừa qua.
Cũng trong ngày 23/7, từ sáng sớm, hàng trăm người dân thủ đô Moscow cũng mang hoa và nến đến đặt bên lối chính vào tòa nhà Đại sứ quán Nauy ở thủ đô Moscow tưởng niệm những người xấu số và chia buồn với những thân nhân người bị nạn. Mặc dù bản thân người đứng đầu nội các Nauy trong cuộc họp báo trước đó tuyên bố: “So với những quốc gia khác, không thể nói là Nauy đang có vấn đề nghiêm trọng đối với các thành phần cực hữu. Nhưng Nauy cũng phải lưu ý đến các hoạt động của một vài nhóm quá khích. Cảnh sát có theo dõi một số các nhóm cực đoan” và Bộ trưởng Tư pháp Nauy tuyên bố chính quyền nước này không cần nâng cao mức báo động khủng bố ở cấp quốc gia, nhưng khi đề cập nguyên nhân dẫn tới loạt tấn công vừa xẩy ra, một số nguồn tin, nhất là nguồn tin báo chí địa phương nêu lên khả năng các vụ tấn công là nhắm vào đảng Lao động đang cầm quyền của Thủ tướng Stoltenberg.
Theo kế hoạch, ngày 23/7, Thủ tướng Nauy cũng sẽ đến dự trại hè thanh niên ở đảo Utoya. Ông Kôn-xtan-chin Kô-xa-chep, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma quốc gia Nga cho rằng, thảm kịch ở Nauy còn mang một ẩn ý chính trị. Theo ông Kô-xa-chep, cần thiết phải điều tra kỹ càng, xác định chính xác mô-tip hành động của kẻ bị bắt. Đó là hành vi của kẻ bệnh hoạn, hay đó là kết quả hoạt động của một nhóm nào đấy, hay là của tổ chức chính trị nào đấy. Cần phải xác định rõ sự việc bởi vì vụ nổ xẩy ra gần tòa nhà chính phủ, còn vụ thảm sát nhắm vào trại hè thanh niên của Đảng cầm quyền. Nội chỉ điều này thôi cũng đủ thấy hành động và vụ việc xẩy ra là nhắm vào chính quyền hiện tại, nhắm vào Đảng lao động cầm quyền.
Ông Yuri Deryabin, lãnh đạo Trung tâm Bắc Âu của Viện nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm khoa học Nga) nêu quan điểm về những động cơ có thể đứng sau vụ nổ bom và giết người tại thủ đô Oslo, đồng thời khẳng định: “Rõ ràng, đây là hành động khủng bố. Khủng bố không phải với mục tiêu giết hại chính trị gia bất kỳ nào đó. Đây là hành động dọa nạt có chủ đích. Và còn là kiểu phô trương chứng minh rằng, mặc dù Bin Laden đã bị tiêu diệt thì Al-Qaeda vẫn sống. Thế còn, tại sao vụ việc lại xẩy ra ở Nauy?”.
Cũng theo ông Yuri Deryabin, vụ nổ bom diễn ra vì Nauy tham gia tích cực vào chiến dịch của NATO tại Afghanistan. Đã không chỉ một lần có những lời đe dọa khủng bố nhắm vào Nauy.
Về vụ việc xẩy ra trên hòn đảo gần Oslo trong trại hè thanh niên của đảng cầm quyền, thì vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Liệu nghi phạm bị bắt giữ và đang bị thẩm vấn có liên hệ gì với các tổ chức khủng bố quốc tế, như kiểu Al-Qaeda hay không? Câu hỏi chưa có giải đáp, nhưng cũng không loại trừ khả năng này. Tín đồ theo đạo Hồi không nhất thiết phải là người xuất thân từ các quốc gia Hồi giáo.
Cũng có ý cho rằng, nghi phạm bị bắt giữ là người Nauy, nhưng bị bệnh tâm thần. Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, nhưng dù thế nào, thì vụ việc xẩy ra thực sự khủng khiếp. Thảm kịch đã xảy ra ở Nauy, vốn được mệnh danh là thanh bình của châu Âu và thế giới. Điều này một lần nữa cảnh tỉnh về sự cần thiết phải đoàn kết mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế khi đối mặt với khủng bố./.