Nghị sĩ Mỹ cảnh báo Trung Quốc về Biển Đông

09:00, 20/07/2011

Hai nghị sĩ kỳ cựu của Mỹ cảnh báo Bắc Kinh rằng những vụ xung đột với các nước láng giềng ở Biển Đông có thể làm tổn hại lợi ích của Mỹ tại khu vực. Nhận xét này chắc chắn không làm Bắc Kinh hài lòng.

“Chúng tôi lo ngại rằng một loạt vụ việc trên biển trong những tháng qua đã khiến căng thẳng trong khu vực leo thang”, John Kerry thuộc đảng Dân chủ - Chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ cùng John McCain - cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, tuyên bố. “Nếu không có biện pháp thích hợp nào được thực hiện để xoa dịu tình hình, những vụ việc tiếp theo có thể còn nghiêm trọng hơn nữa và làm tổn hại tới lợi ích quốc gia sống còn của Mỹ”.

 

Hai nghị sĩ nói trên đã đưa ra lời lẽ trên trong thư gửi cho ông Đới Bỉnh Quốc - quan chức cấp cao về đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước khi cuộc họp giữa các ngoại trưởng ASEAN cùng các nước đối tác diễn ra trong tuần này, tờ Financial Times cho hay.

 

Trung Quốc có thể coi tuyên bố này như một đòn khiêu khích bởi nó phản ánh lại nhận xét của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton vào năm ngoái. Phát biểu tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội tháng 7 năm ngoái, Hilary Clinton đã khiến Bắc Kinh tức giận khi nói rằng Mỹ “có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông”.

 

Bà Clinton cũng sẽ có một bài phát biểu tại diễn đàn này ở Bali, Indonesia, vào cuối tuần, khi mà căng thẳng ở biển Đông đang tăng cao so với năm ngoái.

 

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Mỹ không can dự vào các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, sau khi các nghị sĩ Mỹ nhiều lần ra nghị quyết về vấn đề này. Tại hội nghị tham vấn an ninh Mỹ - Trung tháng trước, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải thậm chí còn cảnh báo rằng "một số nước đang đùa với lửa, và (tôi) hy vọng lửa đó không cuốn vào nước Mỹ".

 

Biển Đông chứa những tuyến đường biển quan trọng cho hoạt động nhập khẩu dầu ở Đông Bắc Á và các giao dịch khác với châu Âu, Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ và Đông Nam Á. Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền với một số vùng trong khu vực, nhưng Trung Quốc đòi quyền sở hữu rộng lớn nhất.

 

Cảnh báo của hai nghị sĩ Mỹ được đưa ra sau khi chính quyền Obama đã giảm bớt chỉ trích đối với hành động gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông.

 

Trong đối thoại Shangri-La tại Singapore vào tháng 6, Robert Gates - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ - đã khiến một số quan chức các nước Đông Nam Á thất vọng khi nói với Trung Quốc bằng một giọng khá ôn hòa, một dấu hiệu cho thấy không muốn làm tổn hại tới quan hệ quân sự giữa hai nước. Tuy nhiên, ông Gates vẫn cam kết với các đồng minh trong khu vực rằng Washington sẽ duy trì “sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực”.

 

Trong một diễn biến khác có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, ngày mai 5 nghị sĩ Philippines có kế hoạch đến đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Hòn đảo này đã được Việt Nam khẳng định chủ quyền từ lâu. Trung Quốc cũng đòi chủ quyền với đảo Thị Tứ, và vì vậy phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc hôm nay đã lên tiếng phản đối kế hoạch đi ra đảo của các nghị sĩ Philippines.

 

Ngày 18/7, giới chức Đài Loan được báo chí dẫn lời cho biết một đoàn học giả của Đài Loan đã tới đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Ba Bình, đảo lớn nhất trong số các đảo ở Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.