Dùng các khoản vay ngắn hạn trang trải cho những khoản vay dài hạn, để cuối cùng không còn khả năng thanh khoản, Ngân hàng Dexia của Pháp tại Bỉ vừa trở thành nạn nhân đầu tiên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trong cơn bạo bệnh nợ công.
Kế hoạch giải cứu đầy bất ngờ được Chính phủ Bỉ khẳng định (10-10) khi Dexia Bank Belgium được hứa sẽ nhận 4 tỷ euro từ nội các xứ Socola cùng các khoản bảo đảm trị giá tới 90 tỷ euro để duy trì hoạt động vay mượn trong 10 năm tới với mức đóng góp: Bỉ 60,5%, Pháp 36,5% và Luxembourg 3%. Quyết định quốc hữu hóa ngân hàng có 6.000 nhân viên với tổng lượng tiền gửi 80 tỷ euro từ 4 triệu khách hàng lập tức tạo nên xung chấn tại châu Âu vốn đang rung lắc mạnh trong cơn bão nợ.
Vội vã giải cứu Dexia là bước đi bất đắc dĩ cho thấy Lục địa già lo sợ cuộc phá sản mang tên Dexia đến mức nào. Sở hữu một lượng lớn các trái phiếu của Hy Lạp đang lâm vào khủng hoảng không cho phép Dexia tiếp cận các nguồn vốn, nếu không được tiếp sức, Dexia chắc chắn sẽ sụp đổ và gây thảm họa không kém vụ Lehman Brothers ở bên kia Đại Tây Dương.
Cổ phiếu Dexia đã tuột dốc không phanh 42% trong tuần qua và biến mất khỏi bảng giao dịch trên thị trường chứng khoán quốc tế cho đến khi tin về cuộc giải cứu bất ngờ từ châu Âu được đưa ra mới xuất hiện trở lại. Để Dexia chết chìm trong thời điểm nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp đang reo rắc hoang mang khắp thế giới sẽ là cú đánh bồi cực nguy hiểm, có thể làm quỵ ngã thị trường tài chính của Lục địa già. Chẳng thế mà bất chấp việc cắt ra một khoản không nhỏ trong nguồn tài chính vốn đã quá eo hẹp sẽ đem đến cho ngân sách của Bỉ những rủi ro mới, Brussels vẫn phải hành động mang tính bắt buộc trong điều kiện hiện nay. Từ gánh nặng Dexia, Moody's đã lên tiếng cảnh báo sẽ hạ tín nhiệm tín dụng trái phiếu Bỉ từ mức Aa1 hiện nay. Với tỷ lệ nợ công/GDP đã lên tới 96,2%, cao thứ ba trong số các nước thuộc Eurozone, chỉ thua Hy Lạp và Italia, nhưng ngang bằng với Ireland - nước đã phải nhận hỗ trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để tránh phá sản, khả năng con số nợ của Bỉ sẽ vượt 100% như cảnh báo từ Bộ trưởng Tài chính nước này.
Vì thế, giúp Dexia thoát hiểm có thể tạm thời giữ chiếc cột tín dụng của châu Âu khỏi lung lay mạnh, nhưng cũng đồng thời phát đi tín hiệu khiến giới đầu tư toàn cầu không khỏi quan ngại về thực trạng hiện nay của các ngân hàng châu Âu. Động thái giải cứu Dexia là một chỉ báo rằng tài chính châu Âu thực sự đã bước vào vùng nhiễu động nguy hiểm. Cảm nhận được những quan ngại của thị trường, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp mới đây đã đạt được đồng thuận sẽ bơm vốn nhằm tạo cột chống cho các ngân hàng trong Eurozone. Cam kết sẽ chi 40 tỷ USD để mua tài sản có thế chấp của các nhà băng trong khu vực từ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hôm 9-10 được xem là một dự án có mục đích tương tự khi dư luận đang rất cần niềm tin. Dẫu vậy, cơ chế tạo vốn cũng như điều phối nguồn tài chính này sao cho thực sự hiệu quả vẫn chưa ngã ngũ và điều đó không thể làm dịu bớt cơn sốt nợ tại châu Âu. Với những gì đang xảy ra, cả những người lạc quan nhất cũng phải thừa nhận rằng, hệ thống ngân hàng Lục địa già sẽ khó mà chịu đựng nổi các khoản tài chính khổng lồ khi chỉ một trong những mắt xích yếu như Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha... đứt tung.
Sau thông báo lạnh lùng hạ tín nhiệm của Italia từ mức AA- xuống mức A+ và Tây Ban Nha từ mức AA+ xuống mức AA- của nhà xếp hạng Fitch với triển vọng tiêu cực, tin tức Moody's đã chính thức đưa Bỉ vào danh sách cần theo dõi khẳng định phác đồ nợ mà châu Âu áp dụng chưa thể khu trú những vết thương mở trên hệ thống tài chính lục địa này. Như vậy, "chiếc ô" cứu trợ xem ra không còn là bảo bối duy nhất cho châu Âu. Điều này cho thấy, cuộc tìm kiếm tăng trưởng bằng tăng cường tiêu dùng để trung tâm kinh tế quan trọng này của thế giới thoát khỏi cơn sốt nợ vẫn chưa ổn.