Quyết định lịch sử của người Palestine

11:24, 14/10/2011

Hơn hai tuần đã trôi qua kể từ khi Tổng thống Mahmoud Abbas đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc (LHQ) của Palestine (23-9), dựa trên các đường biên giới trước năm 1967. Người đứng đầu Palestine vẫn nỗ lực vận động để có được một Nhà nước Palestine độc lập.

Chuyến thăm một số nước Mỹ Latin của Tổng thống M.Abbas đang diễn ra không nằm ngoài mục đích trên. Sau hai chặng dừng chân tại CH.Dominica và El Salvador, tối 9-10, Tổng thống M.Abbas đã tới thủ đô Bogota của Colombia để thuyết phục quốc gia hiện là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ này bỏ phiếu ủng hộ Palestine. Colombia và Mexico là hai nước duy nhất ở Mỹ Latin phản đối Palestine gia nhập LHQ với quy chế nhà nước độc lập, dựa trên đường biên giới trước năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô. Đến nay, Palestine đã nhận được sự ủng hộ của 8 trong số 15 nước Ủy viên HĐBA và tuyên bố sẽ tiếp tục "làm việc ráo riết" để thuyết phục các nước khác.

 

Lý do nào khiến người đứng đầu Palestine chọn thời điểm này để đưa ra quyết định lịch sử với dân tộc? Trước hết, tháng 9 vừa qua là tháng Lebanon đảm nhận ghế Chủ tịch LHQ, Palestine muốn tranh thủ quốc gia Trung Đông này cho lá đơn "lập quốc" tại tổ chức lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, hai năm qua, công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm cho một nhà nước có chủ quyền của Palestine có nhiều tiến triển và đã sẵn sàng. Một năm trước đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama - nhà bảo trợ chính cho tiến trình hòa bình Trung Đông - cũng đã định thời hạn chót - tháng 9-2011 - cho việc hoàn tất tiến trình đàm phán Palestine - Israel để tìm ra giải pháp cho hai nhà nước cùng tồn tại. Nhóm Bộ tứ của tiến trình hòa bình Trung Đông (gồm: LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ) cũng kỳ vọng tháng 9 vừa qua là hạn cuối để đạt được thỏa thuận... Tuy nhiên, mọi tiến triển đã không như mong muốn và Palestine cho rằng cách tốt nhất tạo ra đột phá là Nhà nước Palestine phải được cộng đồng quốc tế công nhận.

 

Ngày 26-9, HĐBA LHQ đã có phiên họp đầu tiên về đề nghị công nhận là thành viên đầy đủ của LHQ cho Nhà nước Palestine. Để được thông qua, đề nghị này phải giành được sự ủng hộ của 9 trong số 15 thành viên HĐBA LHQ và không có thành viên thường trực nào phủ quyết. HĐBA dự kiến trong những ngày tới sẽ đưa đề nghị này lên một ủy ban đặc biệt để quyết định liệu Palestine có được công nhận là một nhà nước độc lập hay không; sau đó, Đại hội đồng LHQ sẽ bỏ phiếu. Đến nay, đã có 126/193 quốc gia thành viên của LHQ công nhận Nhà nước Palestine độc lập.

 

Tuy nhiên, để trở thành thành viên thứ 194 của LHQ, Palestine đã và đang vấp phải những trở ngại khó vượt. Đó là Mỹ và Israel. Hai quốc gia này phản đối đề nghị xin gia nhập LHQ và ngăn chặn mạnh mẽ bằng các biện pháp ngoại giao để tránh một cuộc khủng hoảng chung quanh động thái này. Washington tuyên bố sẽ sử dụng quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ để ngăn Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ. Trong khi đó, Israel cho rằng hành động của Palestine sẽ gây trở ngại cho một thỏa thuận hòa bình tại Trung Đông. Hiện các cuộc đàm phán Israel - Palestine đã đổ vỡ cách đây một năm do Israel xây dựng các khu định cư trên đất của người Palestin ở Bờ Tây.

 

Nếu không có sự thừa nhận của Israel và Mỹ, việc LHQ công nhận Nhà nước Palestine căn cứ vào đường biên giới trước năm 1967 chỉ là một động thái mang tính biểu tượng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ đường biên giới này để xác định cơ sở cho Nhà nước Palestine và coi đây là điều "không thể biện hộ". Do đó, biên giới, vùng trời, sự đi lại của người dân trong một Nhà nước Palestine mới sẽ tiếp tục bị quân đội Israel kiểm soát.

 

Người Palestine tin rằng sự công nhận một Nhà nước Palestin độc lập của LHQ khiến Palestine cân bằng với Israel trong các cuộc đàm phán tương lai; đồng thời giúp Palestine tiếp cận rộng rãi hơn với các tổ chức quốc tế như Tòa án Hình sự quốc tế và Hội đồng Nhân quyền. Đây là cơ sở để người Palestine theo đuổi các thủ tục pháp lý với các hành động của Israel với người Palestine. Cuộc tìm kiếm nền độc lập của dân tộc Palestine đang diễn ra là một thử thách không chỉ với chính dân tộc Palestine mà còn với cả LHQ trong một thời điểm quyết định.