Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới nói rằng cái chết của ông Gadhafi hôm nay đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử Libya, và mong mỏi người dân nước này đoàn kết và hòa giải để xây dựng dân chủ và tái thiết.
Từ Vatican, Hồng y Tarcisio Bertone, người đứng thứ hai của nhà thờ La Mã, cầu nguyện "cho hòa bình và dân chủ ở Libya" sau khi hay tin Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia công bố tin đại tá Gadhafi đã chết. "Chúng ta cần làm việc vì người dân Libya để mọi người cùng hợp tác và tái thiết đất nước bị tàn phá này", ông nói.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu: "Ngày hôm nay đánh dấu bước chuyển lịch sử của Libya. Trong những ngày tới chúng ta sẽ chứng kiến cảnh vui mừng cũng như nỗi đau khổ của những người mất mát. Giờ là lúc để mọi người Libya đồng tâm. Người Libya chỉ có thể có tương lai tốt đẹp nếu có đoàn kết dân tộc và hòa giải. Chiến binh của mọi bên đều phải buông vũ khí trong hòa bình. Đây là lúc để hàn gắn và tái thiết, là thời điểm của lòng quảng đại chứ không phải để trả thù".
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng cái chết của Gadhafi đánh dấu một bước tiến đối với người dân Libya, và đề nghị chính quyền mới ở nước này nhanh chóng cải cách dân chủ.
"Cái chết của Gadhafi là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 tháng qua của người dân Libya nhằm tự giải phonkgs khỏi chế độ độc tài và tàn bạo tồn tại hơn 40 năm qua". ông Sarkozy ra tuyên bố.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe cho rằng ngày 20/10 là sự chấm dứt của 42 năm bạo quyền tại Libya, và khẳng định Pháp tự hào vì đã giúp mang lại sự tự do cho quốc gia Bắc Phi. "Đây là một sự kiện lịch sử. Đó là sự khởi đầu của một giai đoạn mới, của một nền dân chủ, tự do và sự tái thiết của Libya", ông Juppe nói thêm.
Pháp là quốc gia dẫn đầu trong chiến dịch của liên quân NATO áp đặt lệnh cấm bay và các chiến dịch không kích, cũng như hỗ trợ và công nhận lực lượng nổi dậy ở Libya.
Nước Đức bày tỏ hy vọng Libya sẽ tiến vào một "chương mới hòa bình và dân chủ" sau cái chết của ông Gadhafi, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhận được thông tin về Gadhafi khi đang cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chuẩn bị cho một cuộc họp báo, sau khi cùng nhau tham dự một cuộc họp. "Chỉ có người dân Libya mới có thể quyết định số phận của Gadhafi", AFP dẫn lời ông Medvedev nói.
"Trợ lý của tôi vừa thông báo rằng Gadhafi đã bị bắt. Điều này xảy ra khi cuộc họp của chúng tôi với ông Medvedev đang diễn ra", hãng tin ANP của Hà Lan dẫn lời thủ tướng nước này. "Nếu đó là sự thật, đó là một tin tức đáng chú ý. Nhưng chúng tôi không biết phải làm gì với nó cả".
Từ Washington, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng cái chết của đại tá Gadhafi đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn đầu tiên trong cuộc cách mạng ở Libya. "Trong khi một vài giao tranh vẫn còn đang diễn ra, người dân Libya đã giải phóng được đất nước của họ", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nói. "Giờ là lúc mà người dân Libya có thể tập trung tất cả những tài năng xuất chúng của họ để bồi đắp thêm sự đoàn kết quốc gia, tái thiết đất nước và kinh tế, tiếp tục cuộc chuyển giao dân chủ, và bảo vệ giá trị và nhân quyền của mọi người Libya".
Ông McCain cũng khẳng định Mỹ sẽ cùng với các đồng minh châu Âu và các đối tác Ảrập tiếp tục ủng hộ người dân Libya, vì họ cần phải làm cho giai đoạn thứ hai trong cuộc cách mạng dân chủ cũng có được thành công như giai đoạn đầu tiên.
Trả lời phỏng vấn của BBC, phó Thủ tướng Anh Nick Clegg cho rằng nếu thông tin Gadhafi bị bắt là thật thì sự kiện này cho thấy "một bước tiến quan trọng đối với hòa bình và tự do trong toàn khu vực". Ông Clegg nhấn mạnh thêm điều này cũng có ý nghĩa như "một sự khởi đầu mới cho Libya". Trong khi đó, Thủ tướng Anh nói ngắn gọn: "Đây là ngày để nhớ tới những nạn nhân của Gadhafi", với ngụ ý nhắc tới những nạn nhân trong vụ chiếc máy bay của hãng Pan America bị đánh bom trên bầu trời Lockerbie, Scotland, vào năm 1988.
Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi cho rằng cuộc chiến tại Libya đã kết thúc sau khi có những thông tin cho rằng ông Gadhafi bị bắt và bị giết, hãng tin ANSA cho hay. "Những điều tồi tệ đã đi qua. Giờ đây cuộc chiến ở Libya đã chấm dứt", ông Berlusconi nói.
Ngoại trưởng Italy Franco Frattini thì khẳng định việc Gadhafi bị bắt là một thắng lợi tuyệt vời dành cho người dân Libya. "Libya cuối cùng cũng đã có được tự do. Chúng tôi đều chờ đợi để được thấy những cuộc bầu cử dân chủ ở Libya", ông Frattini phát biểu.
Từ thủ đô Brussels của Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) cho hay cái chết của Gadhafi "đánh dấu sự chấm dứt của một kỷ nguyên chuyên quyền". "Tin tức về Gadhafi có ý nghĩa như dấu chấm hết cho sự đàn áp mà người dân Libya phải chịu đựng quá lâu", Chủ tịch EU Herman Van Rompuy nói trong một tuyên bố chung với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso.
Đại tá Muammar Gadhafi lên nắm quyền ở Libya ngày 1/9/1969, sau khi lật đổ vua Idris. Dù không nắm giữ một vị trí chính thức nào nhưng ông đã là nhà lãnh đạo của Libya trong suốt 42 năm cho tới khi bị lật đổ hồi tháng 8 trong làn sóng nổi dậy lan rộng khắp Bắc Phi và Trung Đông.