Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20

08:14, 05/11/2011

Dù đạt được một số kết quả, song có ý kiến cho rằng hội nghị đã quên nhiều vấn đề lớn của thế giới để tập trung vào cứu khu vực đồng euro và Hy Lạp. 

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy – Chủ tịch Hội nghị G20 vừa có cuộc họp báo kết thúc hội nghị, cho biết các thành viên nhóm G20 nhất trí tăng nguồn lực cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nếu cần và một quyết định về các biện pháp liên quan sẽ được đưa ra vào tháng 2/2012.

 

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Pháp cho biết các nước hiện nay đang có một ngân sách vững chắc như Trung Quốc hay Đức sẵn sàng áp dụng các biện pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng trong khuôn khổ một kế hoạch tổng thể được Nhóm G20 thông qua. Trong khi đó, các nước đang có mức thặng dư thương mại lớn sẽ có các biện pháp để kích cầu trong nước.

 

Liên quan đến loại thuế đánh vào giao dịch tài chính, Tổng thống Sarkozy cho biết một bản dự thảo về loại thuế này do Ủy ban châu Âu soạn thảo sẽ được các nhà lãnh đạo EU xem xét ngay từ đầu năm 2012 và Pháp sẽ đấu tranh để loại thuế này sẽ được đưa vào áp dụng ngay từ cuối năm tới.

 

Về tình hình Italy, Tổng thống Pháp khẳng định, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu sẵn sàng can thiệp nếu Italy bị thị trường tài chính tấn công.

 

Để hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong cơn khủng hoảng, Tổng thống Sarkozy cho biết Hội đồng Ổn định Tài chính (CSF) sẽ công bố một danh sách 29 ngân hàng trên thế giới buộc phải tăng vốn và tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn. Lý do là các ngân hàng này có quy mô lớn và phức tạp nên mọi rủi ro gắn với các ngân hàng này đều sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống tài chính thế giới.

 

Ngoài ra, để chống khủng hoảng, Tổng thống Pháp cho biết trong thời gian sắp tới, một danh sách 11 quốc gia hỗ trợ các “thiên đường thuế khóa” và nhiều quốc gia, trong đó có Thụy Sĩ và Lichtenstein, sẽ phải thực hiện một số cải cách nhằm minh bạch hóa hệ thống ngân hàng của mình.

 

Kết thúc cuộc họp báo, ông Sarkozy nhấn mạnh: “Chúng tôi không đòi hỏi người dân phải lạc quan, chỉ cần hiểu được những khó khăn của vấn đề, tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng và các nỗ lực mà các chính phủ đang tiến hành để tìm ra giải pháp hợp lý. Hội nghị G20 lần này đã chứng tỏ một điều rằng chúng ta có thể hành động và không bao giờ được đầu hàng trước khủng hoảng”.

Một thông tin khác không liên quan trực tiếp đến Hội nghị G20 nhưng vẫn được coi là một kết quả tích cực đối với châu Âu là việc Hy Lạp tuyên bố hủy bỏ ý định tổ chức trưng cầu ý dân, sau sự phản đối quyết liệt của các nước châu Âu.

 

Đánh giá về kết quả hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barrosso khẳng định “Hội nghị G20 đã kết thúc thành công, nhưng dĩ nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm”. Tuy nhiên, đại diện một số tổ chức phi chính phủ bày tỏ thất vọng trước kết quả hội nghị thượng đỉnh tại Cannes, cho rằng hội nghị đã quên nhiều vấn đề lớn của thế giới để tập trung vào cứu khu vực đồng euro và Hy Lạp./.