Iran quyết không "nghiêng ngả" dù bị đe doạ trừng phạt

21:25, 28/01/2012

Mặc dù bị gia tăng sức ép về chính trị và kinh tế, nhưng giới chức Iran vẫn tiếp tục duy trì giọng điệu cứng rắn trước những đe dọa của châu Âu và Mỹ về việc tăng thêm các biện pháp trừng phạt.  

Hôm thứ năm, Hãng thông tấn Iran Mehr dẫn lời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad phát biểu trước một nhóm người ở thành phố Kerman (phía đông nam Iran) nói rằng, “các biện pháp trừng phạt không ngăn được tiến bộ của Iran và Iran chẳng cần bán dầu sang châu Âu”.

 

Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ hai đã áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Iran cũng như là ngân hàng trung ương của nước này, một động thái làm tăng sức ép chung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

 

Còn Thông tấn xã Iran (IRNA) dẫn lời Tổng thống Ahmadinejad gạt bỏ các biện pháp trừng phạt của chính phủ các nước phương tây đối với ngân hàng trung ương Iran là vô ích. Theo ông Ahmadinejad, tổng kim ngạch thương mại của Iran đạt 200 tỷ USD, trong đó chỉ có 24 tỷ USD là với châu Âu.

 

Ngoài ra, sức ép dồn lên Iran còn tới từ Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thành luật các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngân hàng trung ương Iran và các nguồn thu từ dầu.

 

Kênh truyền hình PressTV đưa tin, ông Ali-Abar Velayati, cố vấn hàng đầu của lãnh tụ Tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm qua nói rằng, “không một ai có thể bán dầu nếu như Iran không thể”. Ông Velayati cho rằng các biện pháp trừng phạt mới nhất của EU là “phù phiếm” và Tehran không cho phép để xảy ra tình trạng các nước khác có thể bán dầu còn Iran thì không”.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và An ninh Quốc gia thuộc Quốc hội Iran Hossein Ebrahimi cho biết, các nghị sĩ Iran ngày mai sẽ thảo luận dự luật, trong đó kêu gọi áp dụng một lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ sang EU sớm nhất là trong tuần tới.

 

Động thái mà Iran đưa ra sau khi các ngoại trưởng EU đạt được thỏa thuận tại Brussel áp dụng các biện pháp trừng phạt cấm Iran xuất khẩu dầu vào ngày 1-7 tới. Các biện pháp cấm vận có hiệu lực ngay lập tức với tất cả các hợp đồng mới với Iran và phong tỏa tài khoản của Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) tại EU và cấm bán kim cương, vàng và kim loại quý khác cho Iran..

 

Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU, bà Catherine Ashton cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới nhằm đưa Iran trở lại bàn đàm phán với nhóm P5+1 gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng Đức chung quanh chương trình hạt nhân của nước này. Iran còn là nhà cung cấp dầu thô chính của Nam Phi.

 

Tại Algeria, Bộ trưởng Năng lượng và mỏ Youcef Yousfi nói rằng, Algeria sẽ không tăng cường xuất khẩu dầu mỏ nếu Iran cắt giảm xuất khẩu để đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU. Algeria chưa thảo luận với Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC về lựa chọn tăng sản lượng dầu.

 

Ngoài ra, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Martin Dempsey hôm thứ năm nói rằng “còn quá sớm” để sử dụng vũ lực chống Iran nhằm ngăn chặn nước này có vũ khí hạt nhân.

 

Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói rằng, quân đội đồng minh không dính líu đến vấn đề Iran. Nhưng ông Rasmussen yêu cầu chính quyền Iran không đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz.