Nhiều nước hy vọng, cuộc đàm phán giữa 2 nước sẽ tạo tiền đề cho thúc đẩy nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Trước việc Mỹ và CHDCND Triều Tiên cam kết sẽ tổ chức cuộc đối thoại cấp cao lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 23/2 tới, ngày 14/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân đã có những bình luận trước động thái này.
Ông Lưu Vi Dân tuyên bố, Bắc Kinh hy vọng đàm phán song phương giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên sẽ đạt được kết quả tích cực, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Lưu Vi Dân khẳng định, Trung Quốc ủng hộ tất cả các bên liên quan duy trì liên lạc và đàm phán.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Byung-jae cho biết, Seoul hy vọng vòng đàm phán Mỹ-Triều, dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh, sẽ tạo đà thúc đẩy cho việc đối thoại với Bình Nhưỡng kể từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il qua đời.
Về phía Nhật Bản, Ngoại trưởng Koichiro Gemba cho biết, Nhật Bản hoan nghênh việc Mỹ và CHDCND Triều Tiên chuẩn bị đối thoại vào ngày 23/2 tới.
Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết, Chính phủ nước này luôn theo dõi sát sao các vấn đề liên quan tình hình Triều Tiên. Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác như Mỹ, Hàn Quốc… trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, ngày 13/2, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đặc phái viên của họ tại Triều Tiên, ông Glyn Davies sẽ có cuộc đàm phán với Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-Gwan vào ngày 23/2 tới tại Bắc Kinh.
Dự kiến, ông Glyn Davies có thể sẽ ghé thăm Hàn Quốc sau cuộc gặp tại Bắc Kinh, tùy thuộc vào mức độ tiến triển diễn ra trong cuộc đàm phán này.
Giới phân tích cho rằng vòng đàm phán tại Bắc Kinh tới đây sẽ là cơ hội đầu tiên để “thử” Bình Nhưỡng, xem quan điểm thực sự của nước này về đàm phán hạt nhân dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-Un - con trai út của cố lãnh đạo Kim Jong-Il lên kế nhiệm cha nhắm quyền điều hành đất nước.
Năm 2011, Mỹ và Triều Tiên đã tiến hành hai vòng đàm phán trước khi buộc phải huỷ bỏ vòng đàm phán thứ ba do cái chết đột ngột của ông Kim Jong-Il hôm 17/12/2011. Tại các vòng đàm phán này, hai bên đã thảo luận về yêu cầu nối lại viện trợ của Bình Nhưỡng cũng như những quan ngại của các tổ chức cứu trợ cho rằng Triều Tiên có thể đang bị thiếu lương thực./.